Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 1 năm 2023 | 11:1

Người tiêu dùng cần đề phòng thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc dịp Tết

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên thị trường vào những dịp cuối năm tăng cao, đây cũng là thời điểm các đối tượng cố tình trà trộn các sản phẩn không đảm bảo chất lượng vào thị trường nhằm tiêu thụ bất chính… người tiêu dùng cần thông thái khi mua sắm thực phẩm Tết 2023.

Liên tiếp bắt giữ, khởi tố 23 vụ án vi phạm về an toàn thực phẩm

Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, trong năm 2022, hoạt động hậu kiểm về ATTP được triển khai từ trung ương đến địa phương, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương và Bộ Công an, trong năm 2022, các lực lượng đã hậu kiểm 381.108 cơ sở, xử lý 233.222 cơ sở, với tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng; trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động 102 cơ sở, 1.023 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, tiêu hủy 5.132 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng (như: thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...), khởi tố 23 vụ/21 bị can.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng thực phẩm được người tiêu dùng mua và sử dụng dự báo sẽ tăng cao.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng qua các vụ việc xử lý đã cho thấy, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn tái diễn hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn".

Lực lượng quản lý thị trường cũng cho biết, trong năm 2022 đã kiểm tra 4.331 vụ, xử lý 3.321 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính hơn 12,63 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng.

Đáng cảnh báo là càng về cuối năm 2022, dịp giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì các vụ việc buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn” có chiều hướng gia tăng. Càng gần tết, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn nhập vào Việt Nam càng nhiều vì nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được tuồn vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ, đưa về các tỉnh, thành phố lớn để tiêu thụ.

Mới đây nhất, tại tỉnh Hà Tĩnh, Cục quản lý Thị trường phối hợp một số đơn vị liên quan bắt giữ 960 kg sản phẩm động vật đông lạnh (sách bò, nội tạng của con bò) đã đổi màu và bốc mùi hôi thối. Số hàng hoá trên được phát hiện trong xe ôtô tải đang trên đường đi thu gom tại các chợ đầu mối thì bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Hàng tấn thực phẩm bẩn liên tục được phát hiện lưu thông qua địa bàn Hà Tĩnh.

Ông Đinh Văn Chung (địa chỉ tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình) điều khiển xe chở hàng hóa vi phạm trên khai nhận, số hàng này là của ông, do ông mua gom trôi nổi trên thị trường sau đó vận chuyển vào TP.HCM để tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống.

Tương tự, cơ quan chức năng cũng kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Qua quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Định đã phát hiện và tạm giữ 515kg sản phẩm động vật (thịt heo, xương heo, móng heo) đang trong quá trình phân huỷ, có mùi hôi thối không đảm bảo vệ sinh thú y.

Trước đó, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh cũng phát hiện 3.120kg sản phẩm động vật đông lạnh (nội tạng, da, xương, mỡ bò) đã đổi màu và bối mùi hôi thối được phát hiện trên xe ô tô tải đang di chuyển theo hướng từ bắc vào nam để tiêu thụ thì bị bắt tại địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Về trường hợp này, ngoài bị phạt tiền 52 triệu đồng thì buộc phải tiêu huỷ trên 4 tấn sản phẩm động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên.

Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh phát hiện 960kg sản phẩm động vật đông lạnh đã đổi màu và bốc mùi hôi thối

Điểm chung của những sản phẩm này là hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu kiểm soát giết mổ và đang trong quá trình phân huỷ. Liên quan đến lĩnh vực này, từ đầu năm đến nay tại tỉnh Nghệ An đã thành lập hàng trăm đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Qua đó, Đoàn đã kiểm tra 10.366 cơ sở và phát hiện, xử lý hơn 736 cơ sở vi phạm.

Tác hại khôn lường của thực phẩm bẩn

Việc sử dụng thực phẩm bẩn, chứa hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh hay chất bảo quản không có kiểm soát sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Nhẹ thì tiêu chảy, rối loạn đường ruột, ngộ độc thực phẩm, nặng có thể dẫn tới tử vong… Chưa kể, nếu ăn uống thực phẩm bẩn thường xuyên sẽ là tác nhân gây ung thư, vô sinh… Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng năm 2022 trên cả nước đã có 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. Trước đó, năm 2021, số người bị ngộ độc là 1.942 và số người tử vong là 18. Số liệu thống kê trên chỉ là phần nổi của tảng băng và hàng nghìn trường hợp ngộ độc thuộc diện đi cấp cứu. Thực tế, thực phẩm bẩn, kém chất lượng tác động và ảnh hưởng lâu dài tới người sử dụng với nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư.

Theo thống kê của Hội Ung thư Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ ung thư tăng cao nhất trên thế giới. (Ảnh minh hoạ)

Chẳng hạn, thống kê của Hội Ung thư Việt Nam công bố vào ngày 26/03/2016 cũng cho biết, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ ung thư tăng cao nhất trên thế giới. Trong đó nguyên nhân do thực phẩm bẩn phổ biến chiếm tới 35%. Tương ứng mỗi ngày sẽ có 550 ca ung thư mới và 205 người tử vong vì ung thư và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 200.000 người/năm, tăng gấp 3 lần vào năm 2020 và mỗi năm Việt Nam sẽ phải dành khoảng 0,22% GDP để chi trả cho 6 căn bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do thực phẩm bẩn gây ra.

Thông qua số liệu trên đã phản ảnh rõ ràng và chân thực việc sử dụng thực phẩm bẩn đang dần phá hủy sức khỏe, thế hệ trẻ và nền kinh tế nước nhà. Trước thực trạng “thật giả lẫn lộn” này, thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay thì việc tự bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình là điều vô cùng cần thiết. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua những loại thực phẩm được truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận và kiểm định rõ ràng. Hãy lựa chọn thực phẩm của những nhà cung cấp, nhà sản xuất có uy tín, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm

Theo ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng thực phẩm được người tiêu dùng mua và sử dụng sẽ tăng cao. Đây cũng là thời điểm trên thị trường xuất hiện các loại thực phẩm của những cơ sở sản xuất kinh doanh theo thời vụ, không chấp hành đầy đủ quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP và kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng...

Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm thường dùng thủ đoạn chia nhỏ để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... Có trường hợp các đối tượng làm giả giấy tờ kiểm định của cơ quan thú y đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình ngăn chặn thực phẩm bẩn.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ban hành kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Trong kế hoạch này, lực lượng quản lý thị trường 63 tỉnh, thành sẽ tập trung ngăn chặn hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường tiêu thụ trong dịp tết. Đồng thời, lực lượng này tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường bộ, đường sắt, nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới, thành phố lớn.

Liên quan đến công tác quản lý thị trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cũng đề nghị công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa phải dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn và phải làm thường xuyên.

Về phía các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm cũng cho biết luôn chú trọng vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng kiểm soát đầu vào và trang bị xe thí nghiệm thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân an tâm vui xuân đón tết.

Nếu vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự

Pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm "bẩn". Về xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định rõ 1 hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức, cùng các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 đến 6 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn... Nếu vi phạm nghiêm trọng, còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317, Bộ luật Hình sự.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top