Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 2023 | 14:50

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên: Nơm nớp nỗi lo cà phê tặc

Cứ đến mùa thu hoạch, nhiều rẫy cà phê ở Tây Nguyên lại đối diện với nạn trộm, cướp. Cây bị cắt cành đến trơ thân, hạt thì bị xúc trộm… khiến người dân phải ngày đêm lo canh giữ.

Người trồng cà phê “ăn không ngon, ngủ không yên”

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã vào vụ thu hái cà phê. Khắp mọi ngả đường thôn xóm, nương rẫy luôn rộn tiếng nói cười rôm rả của những công nhân đi thu hái cà phê. Chưa bao giờ cà phê ở Tây Nguyên lại được mùa, được giá như hiện tại (giá thu mua gần 59.000 đồng/kg) khiến nhà nông rất phấn khởi. Tuy nhiên, giá cà phê tăng cao cũng đẩy không ít gia đình vào cảnh “ăn không ngon, ngủ không yên” vì phải đối diện với nguy cơ bị kẻ xấu hái trộm.

Nông dân thu hoạch cà phê.

Phóng viên có mặt tại vùng cà phê huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Mới vào đầu làng, nông dân ở đây ai nấy đều than phiền nạn trộm, cướp cà phê. Đưa chúng tôi rảo bước quanh vườn trồng cà phê của gia đình, anh Nguyễn Anh Ngọc liên tục lắc đầu ngao ngán, chỉ tay về hướng vườn cà phê nói: “Đấy nhé, mấy anh cứ thử xem thực tế tại vườn thì biết. “Cà phê tặc” thấy cành nào hạt nhiều là chặt nguyên cả cành cho vào bao không cần biết cành có trái chín, già hay non rồi đến nơi vắng vẻ không có người qua lại để tuốt hạt. Những kẻ trộm theo kiểu tuốt lá, bẻ cành không chỉ gây thiệt hại cho người trồng cà phê mà còn ảnh hưởng đến cả việc sinh trưởng và năng suất của cây cà phê trong vụ mùa năm sau. Trộm thế này là phá hoại! Nhiều nhóm trộm cắp cà phê còn cử người canh chừng rồi mang cả bạt vào vườn để hái. Cật lực chăm sóc, chờ đến mùa thu hoạch kiếm đồng ra đồng vô chuẩn bị Tết, vậy mà giờ gặp nạn trộm nên thất thu quá”.

Nhìn cà phê trong vườn trụi cành, trụi lá, anh Ngọc càng nói càng ấm ức. Nghe chúng tôi đang trao đổi, ông Trần Sinh ở gần đó cho hay: Năm nào cũng vậy, Tây Nguyên cứ chuẩn bị vào mùa thu hoạch cà phê thì đều “nở rộ” tình trạng hái cà phê trộm. Bọn trộm, cướp cứ lộng hành theo kiểu này thì dân trồng cà phê chúng tôi chỉ có… chết!

Theo ông Sinh, nhiều hộ dân do không có sân phơi nên tận dụng các khu đất trống trên rẫy hoặc ven đường để phơi cà phê và thường cất tạm vào những chòi canh rẫy rất tạm bợ, do đó, nguy cơ mất trộm rất dễ xảy ra. Song, táo tợn nhất phải kể đến là vụ vét sạch cà phê người dân đang chất đống trong nhà.

Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cà phê cho năng suất cao.

Bà Nguyễn Thị Lan, người dân trồng cà phê gần đó tiếp lời chia sẻ: Cách đây mấy hôm, chúng tôi thu hái 3ha cà phê của gia đình. Hái xong, con tôi chở về bỏ trước sân rồi ra rẫy chở những bao còn lại. Lúc về nhà thì thấy mấy bao cà phê trước đó không cánh mà bay, thiệt hại quy đổi ra tiền hơn 5 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi, mọi người trong xóm cho biết có thấy một số người lạ đến chở cà phê đi nhưng người dân hỏi thì bọn chúng nói gia đình tôi bán nên không nghi ngờ.

“Người dân phải ngày đêm lo canh giữ, nếu không thì công sức cả năm chăm sóc mất trắng”, bà Lan buồn rầu nói. 

Đâu là giải pháp chống trộm?

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cả nước hiện có khoảng 710.000 ha cà phê, trong đó đang cho thu hoạch 653.000ha. Sản lượng 1,845 triệu tấn, năng suất 2,82 tấn/ha. Riêng tại các tỉnh Tây Nguyên, cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế các tỉnh khu vực này. Đây cũng là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất nước, chiếm trên 95% diện tích với hơn 500.000ha cà phê đang bước vào vụ thu hoạch, thu hái liên tục đến giữa tháng 1/2024.

Thời điểm này, hàng chục nghìn lao động tự do từ khắp các tỉnh cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đổ lên Tây Nguyên làm công thu hái cà phê thuê. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng xấu trà trộn vào dòng người đi hái cà phê nhằm tìm kiếm sơ hở của gia chủ để thực hiện hành vi trộm cắp cà phê.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thành viên, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các thành phố, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực tăng cường lực lượng xuống cơ sở, phối hợp với công an các cấp đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, tập trung ở khu vực rẫy cà phê, rà soát nhân khẩu, đăng ký tạm trú nhằm nắm rõ nhân thân của từng lao động ở nơi khác đến địa phương làm thuê nhằm phòng ngừa tình trạng trộm cắp cà phê và các hành vi trộm cắp khác phát sinh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng, băng nhóm...

Ông Nguyễn Tạ Tào (Di Linh - Lâm Đồng) cho biết, gia đình có 5ha cà phê. Giá cà phê năm nay cao so với những năm trước cũng khiến chúng tôi phải đối diện với nạn trộm cắp. Chính vì điều này mà từ khi cà phê bắt đầu già từ xanh sang chín, gia đình “ăn ngủ không yên”, luôn phải cắt cử người thường xuyên túc trực, ăn ngủ tại chòi để trông coi, bảo vệ rẫy cà phê nhằm ngăn ngừa kẻ xấu đột nhập vào hái trộm.

Cùng với nỗi lo bị trộm cà phê, niềm vui cà phê được mùa, được giá, người trồng cà phê ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các giải pháp bảo vệ tài sản vụ cà phê năm nay.

Theo chị H’Lô Niê (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), các vườn cà phê thường ở khu vực vắng vẻ, xa dân cư. Để chống trộm, một số chủ vườn dùng biện pháp “nghi binh”. Họ cho treo những tấm bảng nơi hàng rào với dòng chữ: “Có chó dữ, không được vào vườn”, “Vườn có bẫy sập, cấm vào”, “Vườn có gài điện, không được vào”… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp tình thế, hù dọa bọn trộm cướp chứ hiệu quả chẳng là bao.

“Vườn cà phê rộng mênh mông lấy người đâu mà đi canh giữ suốt ngày đêm. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay các hộ gia đình có cà phê đã chủ động phối hợp với công an xã thành lập 3 - 4 chốt lưu động, mỗi chốt 3 - 5 người bảo vệ vườn cà phê, cứ tầm tối, gia đình nào có đàn ông, thanh niên phối hợp với mấy anh em công an đi tuần tra xuyên đêm. Bọn trộm cắp thấy vậy sợ không dám vào rẫy ăn cắp ăn trộm nữa, tình trạng mất trộm cà phê giảm hẳn”, chị H’Lô Niê chia sẻ.

Thượng tá Phan Thanh Cường, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh về phòng ngừa các loại tội phạm phá hoại hay trộm cắp cà phê vụ năm nay, phòng đã tham mưu Công an tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ; đồng thời tuyên truyền vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh, tố giác các loại tội phạm để phòng ngừa từ xa, phối hợp với các ban ngành địa phương tổ chức tuần tra bảo vệ tài sản của Nhân dân… Để hạn chế nạn trộm cắp xảy ra, ngoài sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền thì bà con cần kịp thời khai báo với cơ quan chức năng khi có sự việc trộm cắp xảy ra; khi thấy người lạ, những người có biểu hiện nghi vấn vào hoặc lai vãng gần khu rẫy thì cần cảnh giác và thông báo ngay cho cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty tư vấn TMTconsulting, một vụ thu hoạch cà phê an toàn, không bị mất trộm là mong ước của nông dân. Song để thực hiện điều đó, các cấp chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân thành lập các tổ an ninh cộng đồng, thay phiên nhau tuần tra giám sát 24/24 giờ tại các vùng cà phê xa khu dân cư. Các đại lý cần hạn chế tổ chức thu mua cà phê quả ban đêm và sáng sớm (sau 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau); khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm pháp phải kịp thời báo ngay cho lực lượng công an tại địa phương để xử lý kịp thời. Nếu phát hiện trộm cắp cà phê, cần đưa đối tượng ra xử lý nghiêm để răn đe và ngăn ngừa.

 

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top