Giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y...
Nhiều cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không phép
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cả nước hiện có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung và trên 24.000 nhỏ lẻ giết mổ động động vật, cơ sở vật chất cơ sở giết mổ chưa bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phối hợp giữa ngành thú y với các ngành có liên quan tại nhiều địa phương còn chưa tốt, đặc biệt chưa xử lý triệt để cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không phép.
Giết mổ gia súc gia cầm tại nhà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (Ảnh MH)
Đáng chú ý, cả nước vẫn còn 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ 7.362 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số còn lại 17.292 cơ sở (trên 70%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Thú y, cho rằng, việc còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa đảm bảo điều kiện, chưa được cấp phép là do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức. Điển hình như các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương.
Còn theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của thành phố rất lớn, khoảng 800-900 tấn/ngày. Trong khi đó, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố đạt trên 400 tấn/ngày, cộng thêm nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng 150 tấn/ngày, chỉ tương đương 60% nhu cầu lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội được kiểm soát nguồn gốc từ cơ sở. Còn lại, do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường.
“Các cơ sở này chủ yếu thực hiện theo phương thức thủ công. Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động nên nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao”, ông Tường cho biết.
Vừa qua, các cơ quan truyền thông đã phản ánh một thực trạng về các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ Đông Phương Yên, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Không những nằm trong khu dân cư, cơ sở giết mổ tự phát còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tiểu thương chợ Đông Phương Yên chia sẻ: "Ý kiến lên trên rồi nhưng đâu lại vào đấy", "Ai cũng muốn sạch nhưng ai cũng sợ nên không ai lên tiếng được".
Chỉ tính riêng TP Hà Nội hiện có 730 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng trong số này có tới hơn 90% là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội nhưng chỉ có 60% lượng thịt được cung cấp từ những cơ sở giết mổ được cấp phép. Hành vi giết mổ động vật không phép, không đảm bảo vệ sinh sẽ bị phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng và cho dừng hoạt động.
Thực tế cho thấy, số tiền xử phạt này chẳng thấm vào đâu. Nhiều cơ sở giết mổ tự phát ở vùng ngoại thành Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại. Sự tuyên truyền, quản lý, xử phạt của các cơ quan chức năng chính vì thế cũng tỏ ra kém hiệu quả với thực trạng này.
Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp đã tuyên truyền và xây dựng các khu giết mổ tập trung để đưa các cơ sở giết mổ vào hoạt động, tuy nhiên việc đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung là một việc là quá khó khăn bởi số tiền phải đóng cho lò mổ tập trung cho mỗi một con lợn là khá cao.
Cùng với việc dẹp bỏ các lò mổ nhỏ lẻ, việc xây dựng các lò mổ tập trung cần phải được tiến hành song song. Điều này không chỉ góp phần phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Thế nhưng, việc hình thành mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng lại đang gặp không ít rào cản.
Xóa bỏ lò mổ nhỏ lẻ không phải là chuyện khó
Cách đây 3 năm, thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định để phê duyệt mạng lưới giết mổ trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có 29 cơ sở. Mục tiêu là thế nhưng hiện mới có 12/29 cơ sở đi vào hoạt động. Với nhiều rào cản về tâm lý hộ kinh doanh đến những e ngại của nhà đầu tư cùng sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng, mục tiêu này sẽ rất khó trở thành hiện thực.
Khó nhưng không phải là không thể. Sau 11 năm, tức là từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã giảm được 80% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đó cũng là một bước chuyển biến rất đáng để ghi nhận.
Phát triển hệ thống giết mổ tập trung có thể chỉ là chính sách vĩ mô, không liên quan cũng chẳng ảnh hưởng đến nhiều người. Nhưng không phải như vậy, người dân đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề về ô nhiễm khi sống gần khu giết mổ tự phát. Người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành chăn nuôi khó có thể phát triển và khó kiểm soát dịch bệnh… Quá nhiều lý do để thấy chủ trương của Nhà nước là đúng đắn. Thực tế đã có những bài học kinh nghiệm cho thấy việc xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là khả thi.
Sự quyết liệt của các cơ quan chức năng sẽ là phương pháp mấu chốt để giải quyết vấn đề. Nhưng nếu sự quyết liệt ấy nếu chỉ thể hiện ở những buổi kiểm tra, xong rồi để đấy thì vấn nạn này sẽ không thể dẹp bỏ.
Xử lý triệt để các cơ sở giết mổ động vật không có giấy chứng nhận
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản số đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y, trong đó ưu tiên kiện toàn hệ thống thú y cơ sở.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật còn nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập.
Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận chuyển và kiểm soát giết mổ động vật, chưa ban hành kế hoạch xây dựng mạng lưới giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y (đến tháng 5/2023, cả nước có 18 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch), chưa ban hành văn bản quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 02 ngày 14/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đối với địa phương đã sáp nhập trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện với các đơn vị khác thuộc UBND cấp huyện thì khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, khẩn trương thành lập lại trạm thú y cấp huyện thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với địa phương đang giữ ổn định hệ thống trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục, tiếp tục duy trì thực hệ thống tổ chức theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, sớm ban hành kế hoạch của địa phương và có lộ trình xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02.
Rà soát, ban hành chính sách của địa phương để kêu gọi, khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; giải pháp triệt để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung; kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; ban hành chính sách đặc thù nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng dây chuyền giết mổ động vật treo, hiện đại.
Về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị ban hành chính sách đặc thù nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng dây chuyền giết mổ động vật treo, hiện đại; chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động sau khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công.
Đồng thời, cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt 80 - 100% công suất.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; xử lý triệt để theo quy định pháp luật đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung không có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.