Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 12 năm 2022 | 11:26

Nhận diện, phòng tránh những hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội có xu hướng gia tăng, chúng dùng thủ đoạn tinh vi, nhằm vào người già, người thiếu thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đâu là giải pháp để không bị kẻ xấu lừa đảo?

Muôn kiểu lừa, nạn nhân sập bẫy rất “khó tin”

Cuối tháng 8 vừa qua, Công an quận 8 (TP. HCM) nhận được trình báo của anh Chu Văn C. (32 tuổi) bị lừa 450 triệu đồng vì “tin” lời dụ hoa hồng khủng trên mạng. Theo đó, anh được Công ty Lazada Group mời làm việc trên mạng bằng hình thức mua đơn hàng quảng cáo sản phẩm để nhận hoa hồng của sàn thương mại điện tử Lazada.

Thông qua mạng, có người hướng dẫn anh C. truy cập vào tài khoản trên trang “http://Lazadaapp.fun” để mua đơn quảng cáo cho 60 sản phẩm trên một ngày, anh phải đóng số tiền theo thời gian để mua đơn hàng. Chúng chiêu dụ, khi anh C. mua đủ đơn hàng, hệ thống sẽ hoàn tiền và kèm theo hoa hồng. Vì hám lợi, anh C. đã chuyển vào một tài khoản chỉ định hơn 450 triệu đồng, gồm 8 lần mua hàng trong hai ngày 23 và 24/8, sau đó anh mới phát hiện bị lừa.

Theo cơ quan công an, một thủ đoạn lừa đảo bùng phát trong giai đoạn gần đây là giả mạo tin nhắn của ngân hàng, gửi đường link (đường dẫn) kèm thông báo giả mạo trừ tiền do đăng ký gói dịch vụ nào đó. Do sợ bị mất tiền, nạn nhân truy cập vào link trong tin nhắn, website giả mạo giống web của ngân hàng yêu cầu nhập số tài khoản, mật khẩu, từ đó bọn chúng nắm được thông tin và rút hết tiền trong tài khoản của bị hại.

Mới đây, anh Phạm Phương D. (40 tuổi, ngụ phường 4, quận 8, TP. TP.HCM) nhận được tin nhắn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo, tài khoản ngân hàng của anh có đăng ký chương trình quảng cáo trên Tiktok, hàng tháng bị mất phí 2,6 triệu đồng, rồi yêu cầu anh truy cập vào link “https://scb.com.vn.ii3.icu” để kiểm tra. Do lo bị mất tiền, anh làm theo hướng dẫn.

Trang mạng này yêu cầu anh D. phải nhập mật khẩu tài khoản banking online, rồi điền mã OTP mà điện thoại vừa nhận được. Anh D. làm theo thì thấy tiền ở các tài khoản được rút về một tài khoản chính, tổng cộng 322 triệu đồng trong tài khoản này được chuyển sang tài khoản của các đối tượng lừa đảo.

Nhận diện những thủ đoạn tinh vi

Qua các sự việc xảy ra, cơ quan công an khuyến cáo, người dân không công khai thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Khi chia sẻ thông tin, cần chọn lọc  thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.

Từ những vụ lừa đảo điển hình xảy ra gần đây, cơ quan chức năng đã chỉ ra một số thủ đoạn mà các đối tượng đã sử dụng để lừa đảo:

Thứ nhất, các đối tượng giả mạo cơ quan công an, Viện Kiểm sát, Toà án thông báo người bị hại liên quan đến một vụ án bất kỳ hoặc bị xử phạt nguội vi phạm giao thông và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra, xử lý, bảm đảm.

Thứ hai, các đối tượng giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã pin hoặc thông tin thẻ tín dụng, thông tin công dân để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Tương tự như trường hợp của anh Phạm Phương D. (40 tuổi, ngụ phường 4, quận 8, TP. TP.HCM) kể trên.

Thứ 3, thông qua mạng xã hội, Facebook, Zalo…, các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, nhằm tán tỉnh, yêu đương rồi nói đã chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm và số lượng lớn ngoại tệ qua đường hàng không về Việt Nam để tặng. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, tiếp theo, đối tượng sẽ giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ 4, đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng.

Thứ 5, các đối tượng lập tài khoản hội Facebook, Zalo, sau đó tìm kiếm những người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội và nhắn tin mua hàng. Các đối tượng yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ internet banking, số điện thoại và thông tin của chủ tài khoản. Sau khi nhận được thông tin, đối tượng sẽ sử dụng sim rác nhắn tin đến số điện thoại của chủ tài khoản với nội dung: “Tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận được tiền bạn hãy truy cập vào trang website có đường dẫn ở cuối tin nhắn và nhập đầy đủ thông tin như tên tài khoản, số tài khoản, mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền”. Khi bị hại nhập thông tin và mã OTP thì các đối tượng chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng đó và rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại chuyển đến tài khoản khác để chiếm đoạt.

Thứ 6, các đối tượng lừa đảo sử dụng sim điện thoại khuyến mại hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn thông báo khách hàng trúng các phần thưởng có giá trị rồi yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng bọn chúng chuẩn bị từ trước hoặc mua các thẻ cào điện thoại để chuyển tiền cho chúng làm thủ tục nhận thưởng.

Thứ 7, các đối tượng giả danh các tổ chức tín dụng quảng cáo cho vay tiền dễ, sau đó yêu cầu người bị hại chuyển tiền “phí bảo hiểm khoản vay” trước khi nhận được tiền vay để chiếm đoạt tài sản.

Cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, để đảm bảo an toàn trên không gian mạng, người dân cần có những kiến thức, kỹ năng nhất định và hơn hết là nâng cao cảnh giác. Hơn nữa, người sử dụng cần trang bị cho mình những kiến thức, cách chúng vận hành, các chuẩn mực quy tắc của nền tảng mạng xã hội.

Thông thường, khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội, truy cập vào các website, những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của nạn nhân. Trong trường hợp này người dùng, nhất là các nền tảng mạng xã hội hãy dành thời gian và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu.

Nếu nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy tra cứu số ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đến và liên hệ lại trực tiếp. Và luôn luôn ghi nhớ không một cá nhân hoặc cơ quan nào yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy giao dịch này không đáng tin, hãy dừng lại vì nó chỉ có thể là lừa đảo.

Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhà, không trao đổi qua tin nhắn...

 

 

Phú Sỹ
Ý kiến bạn đọc
Top