Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2023 | 10:11

Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn ở Hải Phòng: Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tại TP. Hải Phòng từ năm 2018 đến nay, đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng giá trị hàng hoá nông sản, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, xóa đói giảm nghèo. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới có chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Thay đổi tư duy sản xuất

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chính thức triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 2018. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, TP. Hải Phòng đã chỉ đạo thực hiện và cụ thể hóa bằng việc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020; giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Sản phẩm OCOP của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thuỵ Hương tham gia quảng bá sản phẩm OCOP tại địa phương.

Đối tượng chủ yếu của Chương trình OCOP ở Hải Phòng được tập trung vào phát triển 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và phát triển du lịch. Việc thực hiện Chương trình OCOP ở Hải Phòng được coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao giá trị hàng hoá nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Khi những người nông dân, chủ thể được tiếp cận Chương trình OCOP, đồng nghĩa với sự thay đổi tư duy sản xuất để có được một thành quả cao trong sản xuất, cả về chất lượng sản phẩm lẫn cách thức quản lý quy trình sản xuất, tư duy bán hàng và chịu trách nhiệm xuất xứ hàng hóa. Các chủ thể chỉ cần thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, thì sản phẩm làm ra sẽ có một lối đi “bằng phẳng” hơn so với trước đây.

Sản phẩm OCOP của Hải Phòng thu hút khách hàng tại các hội chợ xúc tiến thương mại.

Là một trong những sản phẩm đầu tiên của TP. Hải Phòng tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm “Gạo ruộng rươi” đã được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019. Từ khi sản phẩm của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thuỵ Hương (xã Thuỵ Hương, huyện Kiến Thuỵ) được gắn sao giúp sản phẩm tăng sức tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, cửa hàng thực phẩm sạch tại nhiều địa phương. Do nhu cầu của thị trường ngày càng cao, thậm chí có thời điểm HTX Thuỵ Hương không đủ sản phẩm để cung ứng cho các đơn hàng.

Từ 1 mẫu  (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) trồng khảo nghiệm tại xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thuỵ), đến nay HTX đã mở rộng mô hình trồng lúa trên ruộng rươi lên 200ha tại các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào (huyện Kiến Thụy); các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo; và huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương). 

Sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty TNHH Song Hải tham gia hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại Cát Bà, Hải Phòng.

Năm 2022, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thuỵ Hương  có 5 sản phẩm OCOP được đánh giá lại và 3 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP. Kết quả, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đánh giá 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao.

Từ việc đánh giá lại chất lượng các sản phẩm OCOP của HTX nông nghiệp Thuỵ Hương có thể thấy OCOP là chương trình quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Giúp các chủ thể thay đổi tư duy sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Phía sau mỗi sản phẩm OCOP của Hải Phòng là những câu chuyện về văn hoá, truyền thống, về con người, tình yêu với quê hương và hơn cả là những khát vọng, nỗ lực đưa sản phẩm quê hương ra thị trường.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Song Hải, người khai sinh ra nước mắm Song Hải (thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải) cho biết, được truyền nghề từ đời ông cha để lại, là lớp kế cận nên tôi luôn trăn trở với việc làm thế nào để sản phẩm truyền thống của quê hương vươn ra thị trường, chinh phục những khách hàng khó tính.

Hơn 30 năm lăn lộn với nghề làm nước mắm, có thời điểm tôi phải theo tàu ra ngư trường thu mua cá; có khi phải gồng gánh, vận chuyển cá vào bờ… Gian nan vất vả là thế, nhưng ý chí lúc nào cũng nhắc nhủ, không được bỏ cuộc.

Nỗ lực đó được ghi nhận khi sản phẩm nước mắm Song Hải đã vượt qua những thủ tục khắt khe về quy định và chất lượng kiểm định, 5 sản phẩm gồm: nước mắm cá thu; nước mắm chắt nguyên cốt; nước mắm cao cấp hương vị cổ xưa; nước mắm cao đạm; nước mắm cá quẩn đã được UBND TP. Hải Phòng cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.

Sản phẩm của công ty sau khi được công nhận giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tiến xa hơn vào thị trường tiêu thụ. Hiện nay, ngoài tiêu thụ tại Hải Phòng, sản phẩm nước mắm của công ty đang có mặt trên thị trường các tỉnh, thành như Hà Nội,  Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh…. Sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm đạt trên 100.000 lít nước mắm các loại, doanh thu khoảng 6-7 tỷ đồng/năm.

Có thể thấy, Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Hình thành chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm từ các khâu: nuôi, trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm.

Để OCOP vươn tầm thương hiệu

Qua 5 năm triển khai Chương trình OCOP tại Hải Phòng (2018-2023), các sản phẩm OCOP đã cơ bản phát huy được giá trị sản xuất, lợi thế của mỗi địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đến nay, TP. Hải Phòng đã có 184 sản phẩm OCOP, trong đó: Giai đoạn 2018-2022, có 174 sản phẩm được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (trong đó 117 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 57 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 5 sản phẩm đạt trên 90 điểm đã được gửi tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia).

Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và thành phố đã công nhận 184 sản phẩm OCOP của Hải Phòng.

Từ đầu năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng 10 sản phẩm OCOP của 8 chủ thể. Hội đồng đã trình UBND cấp huyện ban hành quyết định, cấp Giấy chứng nhận cho 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Cùng với việc chú trọng phát triển sản phẩm OCOP mới, Hải Phòng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quảng bá thương hiệu, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa.

Việc quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp mang tính chiến lược để mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua hệ thống các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp đơn vị, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường mà còn giúp người dân tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian trên kênh phân phối mới hiện đại và bền vững.

Phía sau mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện về tình yêu, khát vọng đưa nông sản quê hương ra thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng, từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, Sở đã kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản xuất sản phẩm OCOP với các đơn vị có hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử như: Bưu điện Hải Phòng và Công ty TNHH F24.

Đồng thời in và phát hành 10.000 tờ gấp, 6.000 kẹp file, 2.000 poster, 300 sổ tay tuyên truyền về Chương trình OCOP…; tổ chức các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại các chương trình kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Thời gian tới, TP. Hải Phòng tiếp tục xác định triển khai thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đây cũng được xem là giải pháp để TP. Hải Phòng hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn  nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy) đạt chuẩn  nông thôn mới nâng cao và tiếp tục thực hiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Có thể nói, Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn TP. Hải Phòng là cơ hội và cũng là lợi thế để các địa phương, các chủ thể khai thác triệt để thế mạnh, sản phẩm của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top