Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 12 năm 2022 | 11:56

Nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa bị xử lý

Thực trạng về vi phạm xây dựng nhà ở, nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp hiện nay đang “như nấm mọc sau mưa” nhưng chưa bị xử lý triệt để, khiến người dân bức xúc. Trước những tồn tại này, liệu chính quyền địa phương có đang buông lỏng quản lý?

Nhà kiên cố xây dựng trên đất nông nghiệp

Phản ánh của bà Nguyễn Thị Hoa, người dân ngụ quận Tân Bình (TP.HCM) về việc khu đất ao (đất nông nghiệp) rộng hơn 5.000 m2, tại hẻm 92 đường Phạm Đức Sơn, phường 16, quận 8, bà là người đứng tên chủ sở hữu. Lạ thay, trong vị trí đất do bà làm chủ sở hữu lại xuất hiện những công trình nhà ở riêng lẻ, kiên cố và ngang nhiên đi vào hoạt động một cách “vô thiên, vô pháp”.

Hẻm 92 đường Phạm Đức Sơn, phường 16, quận 8 có nhiều công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng kiên cố.

Cụ thể, theo bà Hoa, giữa năm 2017, bà nhận chuyển nhượng của người khác hơn 5.000 m2 đất tại đường 44 khu Trương Đình Hội, nay là hẻm 92 đường Phạm Đức Sơn, phường 16, quận 8, TP.HCM. Diện tích đất nêu trên được UBND quận 8 công nhận tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T558606 (diện tích 3.123 m2), số vào số 00818QSDĐ 560/QĐ-UB do UBND Quận 8 cấp ngày 18.1.2002, cập nhật thay đổi ngày 5.9.2017 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T558607 (diện tích 2.507 m2), số vào số 00817QSDD/561/QĐ-UB do UBND Quận 8 cấp ngày 18.1.2002, cập nhật thay đổi ngày 8.8.2017. Cả hai giấy chứng nhận nêu trên đều có mục đích sử dụng là đất ao và thời hạn sử dụng đến hết ngày 21.9.2018.

Hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hoa.

“Thời gian gần đây, khi tôi liên hệ chính quyền địa phương để làm thủ tục gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp thì mới phát hiện ra đã có hàng chục căn nhà được xây dựng trên đất đó. Trong khi sổ đỏ tôi còn đang cầm trong tay thì không biết hàng chục hộ dân này giao dịch mua bán đất với ai. Tôi không hiểu vì sao trong khi đất chưa chuyển đổi mục đích lên đất thổ cư mà vẫn có hàng chục căn nhà kiên cố được dựng lên?”, bà Hoa chia sẻ.

Theo đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất tại 2 khu đất của bà Hoa, ngày 10/8/2020, UBND phường 16, quận 8 xác nhận: “Thửa đất trên chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan thẩm quyền; hiện có đơn tranh chấp, khiếu nại; hiện trạng có nhà ở, hẻm xi măng”.

Ghi nhận thực tế, khu đất trên nằm trong con hẻm 92 đường Phạm Đức Sơn, một phía giáp với rạch, trên đất có nhiều căn nhà kiên cố được xây dựng, bên cạnh vẫn còn những lô đất đang bỏ trống, có đường bê tông ra vào.

Người đại diện của bà Hoa khẳng định, khi phát hiện nhiều người xây dựng trái phép trên đất của bà Hoa thì nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến Quận ủy quận 8, UBND quận 8, Thanh tra quận 8, Đảng ủy và UBND phường 16 (quận 8) từ cuối năm 2019 nhưng đến nay chưa nhận được trả lời.

Để làm rõ việc có hay không hành vi vi phạt trật tự xây dựng, xây dựng trái phép hoặc buông lỏng quản lý đất đai, chậm xử lý đơn khiếu nại của công dân. Thiết nghĩ, Chủ tịch UBND quận 8 cần sớm có ý kiến chỉ đạo vào cuộc kiểm tra và sớm có câu trả lời thoả đáng cho người dân.

Trước đó, Thanh tra TP.HCM có kết luận thanh tra về "Trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND quận 8 trong các năm 2018, 2019".

Thanh tra TP.HCM chỉ rõ, việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, xử lý đơn tại quận 8 còn nhiều thiếu sót, sai phạm.

Cụ thể, việc phân định về thẩm quyền xử lý đơn còn lúng túng: có 181 đơn thuộc thẩm quyền của UBND quận nhưng Ban tiếp công dân quận phân loại là đơn không thuộc thẩm quyền. Tại UBND các phường (phường 1, 2, 4, 6, 10, 11, 14, 15, 16) của quận việc giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị còn nhiều thiếu sót: có 108 vụ việc có tiếp nhận đơn nhưng không có văn bản trả lời cho công dân. Cá biệt tại phường 16 còn làm mất hồ sơ một vụ việc…

Kết luận thanh tra cũng cho thấy việc thực hiện pháp luật khiếu nại tố cáo tại các đơn vị vẫn còn nhiều chậm trễ, thiếu sót. Một số vụ việc chậm giải quyết, trễ hạn từ 139 ngày 530 ngày: Phòng Quản lý đô thị có 6 vụ, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng 1 vụ… nhưng không ban hành "thư xin lỗi" công dân theo quy định.

Thanh tra TP.HCM kiến nghị và được Chủ tịch UBND TP.HCM kết luận, chỉ đạo: Chủ tịch UBND quận 8 phải tổ chức kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có thiếu sót, hạn chế như đã nêu trong kết luận; chấn chỉnh công tác xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị… tại các đơn vị liên quan; thực hiện "thư xin lỗi" đến công dân theo quy định đối với các vụ việc trễ hạn trong thời gian tới.

Nhiều công trình xây trên đất nông nghiệp không bị xử lý

Bức xúc trước công tác quản lý và sử dụng đất đai, cũng như việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là công tác vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan trên đất nông nghiệp tại xã Vân Côn chưa hợp lòng dân của chính quyền địa phương; mới đây, ông V.Đ.T, người dân tại xã Vân Côn, đã gửi đơn tố cáo vi phạm trong công tác quản lý đất đai của UBND xã Vân Côn đến các cơ quan chức năng và báo chí.

Theo nội dung đơn, tại địa bàn xã Vân Côn hiện tình trạng "hô biến" đất nông nghiệp thành đất ở, đất thương mại, dịch vụ đang diễn ra ngày một nhiều. Trong đó, do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, nhiều nhà ở, nhà xưởng đã được xây dựng kiên cố trên đất công, đất nông nghiệp, nhiều công trình vi phạm xây dựng trái phép trên vùng đất phân lũ giáp đê sông Đáy.

Cụ thể, tại thôn Phương Quan, trên phần đất công giáp đê sông Đáy thuộc vùng phân lũ, hiện tồn tại nhiều công trình xây dựng từ 2 - 5 tầng khang trang và đang hoạt động kinh doanh dịch vụ. Cùng đó, tại khu đất thôn Sướng Mạ và khu đất Sôi thôn Cát Thuế, hay thôn Quyết Tiến, Vân Côn, Phương Quan tồn tại những công trình xây dựng nhà xưởng, nhà cấp 4 tràn lan trên đất nông nghiệp…

Các công trình xây dựng kiên cố tại khu vực Bãi Bầu, thôn Cù Sơn, xã Vân Côn.

Thực trạng tại xã Vân Côn là hoàn toàn đúng theo những gì người dân phản ánh, hàng loạt công trình nhà ở kiên cố, nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng “ngang nhiên” mọc lên trên đất nông nghiệp. Tại khu vực Bãi Bầu, đội 15, thôn Cù Sơn, trên khu vực đất cánh tác trồng màu được làm đường bê tông kiên cố, hai bên đường mọc lên nhiều căn nhà cấp 4, nhà tầng kiên cố, khang trang. Có công trình đang tiếp tục được xây dựng trong khi, dường như chính quyền địa phương “không hề hay biết”...

Không chỉ ở thôn Cù Sơn, mà ngay tại thôn Linh Thượng, khu vực ngay sát với trụ sở UBND xã Vân Côn cũng xuất hiện hàng loạt công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Thậm chí, thời điểm phóng viên ghi nhận có công trình đang san lấp ao, xây móng nhà, có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng…

Người dân cho biết, tại khu vực Bãi Bầu (thôn Cù Sơn), việc một số gia đình xây trên đất nông nghiệp tại khu Bãi Bầu là do “không có đất” ở nên họ mới ra khu vực này xây dựng nhà. Bình thường các hộ gia đình khi xây dựng nhà ở phải xây đúng trên đất thổ cư và phải có nguồn gốc đất rõ ràng nhưng không hiểu vì lý do gì, những ngôi nhà này lại được xây dựng trên đất trồng màu mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý.

Nhiều nhà dân xây dựng nhà ở kiên cố tại đội 15, thôn Cù Sơn, xã Vân Côn.

Thông tin báo chí về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã, ông Nguyễn Tiến Hạ - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Côn, thừa nhận về thực trạng vi phạm trên. Tuy nhiên, đây là những “tồn tại cũ” do “lịch sử” để lại. Cũng theo ông Hạ, tại các thôn Cát Thuế, Quyết Tiến, Vân Côn… một số công trình xây dựng sai phép xây trên đất mua bán trái thẩm quyền đã lâu.

Đối với công trình xây dựng tại thôn Linh Thượng, ông Hạ cho biết, người dân xây dựng trên “đất trồng nhãn” của gia đình. Trong khi đó tại khu vực vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp khu vực Bãi Bầu, đội 15, thôn Cù Sơn, ông Hạ cho biết các công trình này được xây dựng “từ năm trước”, duy nhất chỉ có một công trình vi phạm mới là của gia đình bà Năm Lan. Nhưng do gia đình này có người ốm và không có đất xây dựng do con trai sắp cưới vợ, nên gia đình bà Năm Lan đã ra khu vực này xây dựng nhà ở.

Đối với một số công trình xây dựng mới và đang trong quá trình đổ cột, xây tường và có dấu hiệu phân lô, tách thửa xây dựng nhà ở kiên cố… tại khu vực Bãi Bầu, ông Nguyễn Tiến Hạ cho biết: "Xã sẽ cho người xác minh công trình vi phạm này"...

Liên quan nào đến các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp trên địa bàn xã Vân Côn, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này, đồng thời có hình thức xử lý đối với lãnh đạo, người được giao quản lý địa bàn vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm mà không kịp thời phát hiện, báo cáo xử lý theo quy định pháp luật.

Buộc cưỡng chế "biệt phủ" xây dựng trên đất nông nghiệp

Mới đây, UBND TP Pleiku (Gia Lai) đã có quyết định cưỡng chế, buộc phá dỡ “biệt phủ” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 1.353 m2 xảy ra trên đường Nguyễn Bá Lại (thuộc làng Do – Quăh, xã Chư Á, TP Pleiku).

Theo đó, UBND TP Pleiku buộc ông Nguyễn Tuấn Khanh (46 tuổi, ngụ phường Thắng Lợi, TP Pleiku) là chủ “biệt phủ” xây dựng trái phép khắc phục hậu quả, phá dỡ công trình xây dựng vi phạm và khôi phục tình trạng ban đầu, thời hạn thực hiện 10 ngày kể từ ngày 5/12. Ông Khanh phải hoàn trả chi phí cho UBND xã Chư Á là đơn vị thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Trước đó, ngày 30/9, UBND TP Pleiku đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 87/QĐ-XPHC với mức phạt 22,5 triệu đồng và buộc ông Khanh tháo dỡ công trình vi phạm, thời hạn khắc phục là 15 ngày.

Công trình "biệt phủ" xây dựng trên đất nông nghiệp. Ảnh: LK

Tuy nhiên, ông Khanh không thực hiện khắc phục theo đúng quy định. Tiếp đó, ông Khanh đã làm đơn kiện Chủ tịch UBND TP Pleiku ra tòa, yêu cầu giải quyết hủy quyết định số 87/QĐ-XPHC ngày 30-9-2022 của Chủ tịch UBND TP Pleiku về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

UBND TP Pleiku đã chỉ đạo phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với với các đơn vị liên quan kiểm tra trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Đến nay, UBND xã Chư Á chưa chấp hành việc tham mưu, đề xuất xử lý theo chỉ đạo.

Như báo chí đã phán ánh trước đó, năm 2021, UBND xã Chư Á phát hiện việc xây dựng cụm công trình trái phép trên đất nông nghiệp nói trên và xử phạt hành chính đối với ông Khanh bốn triệu đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thiếu giám sát, để cho ông Khanh hoàn thành công trình.

Mới đây, UBND xã Chư Á xác định lại, ông Khanh đã dựng nhiều hạng mục vi phạm như: Nhà chòi bát giác bằng gỗ nền lát gạch, rộng 15 m2; nhà chòi lục giác khung sắt lợp tôn, nền lát gạch 134 m2; nhà gỗ nền lát gạch, diện tích 86,5 m2… với tổng diện tích vi phạm 1.353 m2.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top