Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 4 năm 2023 | 13:49

Nhiều vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt giữ

Lợi dụng sự nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu Trung Quốc trên các tuyến biên giới Lạng Sơn, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách vận chuyển thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Ồ ạt nhập lậu thực phẩm

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Lạng Sơn, chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng (công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường...) đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ 29 vụ buôn lậu, vận chuyển thực phẩm nhập lậu, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Nổi bật là năm vụ vận chuyển nội tạng động vật với số lượng lớn đã bị ngăn chặn. Cụ thể, tại khu vực thôn Lăng Xè, xã Đồng Bục (huyện Lộc Bình), Đội Quản lý thị trường số 6 (đội cơ động của Cục Quản lý thị trường tỉnh) chủ trì, phối hợp với lực lượng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) và các lực lượng chống buôn lậu của huyện Lộc Bình đã kiểm tra một xe ô-tô tải đang trên đường vận chuyển gần 10 tấn sản phẩm thịt trâu đông lạnh.

Qua kiểm tra ban đầu, lô hàng này không có chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa này trên bao bì không có thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ, không có tài liệu kèm theo hoặc bất cứ thông tin nào khác. Tại thời điểm kiểm tra, Đỗ Văn T (sinh năm 1992) trú tại thôn Trại Trang, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) là người trực tiếp điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ gì liên quan đến hàng hóa được vận chuyển trên xe.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Công an huyện Tràng Định tiến hành kiểm tra, kiểm soát tại khu vực thôn Nà Nưa, xã Quốc Khánh (huyện Tràng Định), phát hiện xe ô-tô đông lạnh biển kiểm soát 29H-275.65 dừng tại lề đường có biểu hiện nghi vấn. Quá trình kiểm tra cho thấy hàng hóa trên xe là chân gà rút xương đông lạnh được hút chân không đóng trong hộp các-tông, với tổng trọng lượng 2.000kg, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa...

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, thu giữ gần 10 tấn sản phẩm thịt trâu đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Anh Cao Xuân Đoàn, cán bộ Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) chia sẻ: Lạng Sơn là điểm thu hút du khách thập phương tham gia các lễ hội đầu năm, do vậy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm tăng cao. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã liên tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát… Nếu để số thực phẩm không rõ nguồn gốc này được đưa ra lưu thông trên thị trường thì rất nguy hiểm.

Do đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối tắt, nên các đối tượng đã lợi dụng, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ biên giới vào nội địa tiêu thụ. Những loại thực phẩm “bẩn” như nội tạng lợn, thịt gia cầm... bên Trung Quốc có giá rất rẻ, thậm chí họ vứt bỏ, nên khi vận chuyển trót lọt qua biên giới sẽ mang lại lợi nhuận cao.

Hiện nay, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vận chuyển thực phẩm “bẩn” rất tinh vi, như thuê cư dân biên giới vận chuyển qua đường mòn, nếu trót lọt sẽ tập kết tại các xã giáp biên, sau đó dùng xe máy hoặc ô-tô vận chuyển vào khu vực thành phố, rồi xé lẻ, tìm cách găm hàng vào ô-tô chở khách, ô-tô du lịch, ô-tô chở hàng, để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ.

Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ đầu năm 2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, các đồn biên phòng tăng cường lực lượng ở các tổ chốt, trạm kiểm soát nhằm siết chặt công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu ở khu vực cửa khẩu, cùng các đường mòn, lối mở trên biên giới.

Các đồn biên phòng hiện đã duy trì 49 lán, chốt dọc tuyến biên giới. Qua tuần tra, lực lượng biên phòng đã ngăn chặn tám vụ vận chuyển các mặt hàng thực phẩm nhập lậu...

Ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm “bẩn”

Trước những diễn biến phức tạp nêu trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành kế hoạch gửi Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố và các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh về việc tăng cường ngăn chặn thực phẩm nhập lậu. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường và công an tăng cường kiểm tra trên khâu lưu thông, nhất là sử dụng biện pháp trinh sát để nắm rõ những xe ô-tô có dấu hiệu hoạt động vận chuyển hàng từ khu vực biên giới về khu vực nội địa, để kịp thời ngăn chặn.

Các loại nội tạng động vật như lòng, nầm, gan, cuống họng, tràng, dạ dày… tới các loại hải sản như hàu, mực, bạch tuộc… với giá cả phải chăng, tất cả đều được tẩm ướp gia vị để phục vụ nhu cầu của thượng đế. Nhưng ít ai biết được nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của những loại thực phẩm này?

Theo dự báo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian tới, tình hình buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu sẽ tiếp tục gia tăng, bởi những loại thực phẩm như: nội tạng lợn, sản phẩm gia cầm, các loại bánh kẹo, gia vị… nhập từ Trung Quốc rất rẻ, nếu vận chuyển trót lọt vào nội địa thì sẽ mang lại lợi nhuận cao.

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để tiếp tục ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, ngày 3/3, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành Công văn số 09 về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép các loại gia súc, gia cầm và các sản phẩm thực phẩm gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo này, thời gian tới, lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan sẽ quyết liệt, tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà các cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các tuyến đường mòn trọng yếu nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm qua biên giới.

Bên cạnh đó, lực lượng trong khu vực nội địa như công an, quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra trên khâu lưu thông, tổ chức kiểm tra đột xuất các khu vực tập kết hàng, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong khu vực nội địa.

Thức ăn chăn nuôi kém chất lượng xuất hiện khắp nơi

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương liên tục phát giác nhiều vụ việc sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng. Riêng tại tỉnh Tây Ninh, cơ quan chức năng của tỉnh này đã kiểm tra, phát hiện hàng loạt sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y giả, kém chất lượng đang bán cho bà con nông dân.

Tại Công ty TNHH Gold BioFeed, ở khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, lực lượng chức năng phát hiện hành vi vi phạm sản xuất 40 bao thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà đẻ trứng GB4104G có hàm lượng protein thấp hơn mức tối thiểu (từ 5% đến dưới 15%), trong khi hàm lượng chất xơ cao hơn mức tối đa (từ 30% trở lên) so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.

Công ty TNHH Gold BioFeed còn sản xuất 20 bao thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dùng cho heo thịt từ 20kg đến 60 kg GB5103H có hàm lượng xơ cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên và can-xi cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa. Với 2 hành vi vi phạm Công ty TNHH Gold BioFeed bị ngành chức năng phạt 130 triệu đồng.

Tại cơ sở kinh doanh của Đỗ Văn Hiếu, thị trấn Tân Biên, cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm mua bán 23 bao thức ăn hỗn hợp cho gà thả vườn có hàm lượng Can-xi cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Cơ sở Thành Luân ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành đã có hành vi vi phạm là mua bán sản phẩm thức ăn hỗn hợp cho gà thịt từ 1 ngày tuổi có hàm lượng lysine tổng số thấp hơn mức tối thiểu từ 15% đến dưới 30%, hàm lượng xơ cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên và hàm lượng Can-xi cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.

Kiểm tra phát hiện hàng loạt vụ vi phạm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.

Với hành vi vi phạm này cơ sở Thành Luân bị phạt gần 30 triệu đồng và buộc thu hồi và tái chế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm.

Tại Cơ sở Thúy Hằng, ở khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu lực lượng chức năng phát hiện có hành vi vi phạm buôn bán sản phẩm thuốc Thú y ETS GENTA- của Công ty Cổ phần Đầu tư liên doanh Việt Anh là hàng giả về giá trị công dụng.

Tại cơ sở Thành Huệ, thị trấn Hòa Thành đã có hành vi vi phạm Buôn bán sản phẩm thuốc Toi-Thương Hàn (sản xuất ngày 26/7/2022, hạn sử dụng đến 26/7/2024) của Công ty TNHH Thuốc Thú y Á Châu có hàm lượng Oxytetracycline HC1 thấp hơn 90% so với hàm lượng ghi trên nhãn.

Tại Cơ sở Nguyễn Văn Xông, phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, qua kiểm tra lấy mẫu phân tích, cơ quan chức năng kết luận đã có hành vi vi phạm buôn bán sản phẩm thuốc Tiêu chảy đen do Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Phú Thịnh Vét sản xuất ngày 26/7/2022 có hạn sử dụng đến 26/7/2024 là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh Nguyễn Minh Trị, ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, lực lượng chức năng phát hiện có tới... 3 hành vi vi phạm. Đó là, mua bán 10 bao thức ăn chăn nuôi gia cầm cao cấp hỗn hợp có hàm lượng xơ cao hơn mức tối đa từ 2% đến dưới 5% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; mua bán 14 bao thức ăn gia cầm cao cấp hỗn hợp dạng viên có hàm lượng Protein thấp hơn mức tối thiểu từ 2% đến dưới 5% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Tại cơ sở Ân Trang, ở phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh đã có hành vi buôn bán sản phẩm thuốc VB-Asperplus có hàm lượng Nystatin thấp hơn 90% so với hàm lượng trên nhãn. Đáng chú ý, kiểm tra Cơ sở Lâm Thành Nhân, ở số 655, ấp Thanh Đông, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, lực lượng chức năng còn phát hiện có hành vi kinh doanh sản xuất thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Người chăn nuôi thua thiệt đủ đường

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi không thể tự xác định được chất lượng thức ăn nên chỉ chọn mua theo thương hiệu cũng như thói quen lâu nay. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi quá cao, chăn nuôi đang thua lỗ, thì nhiều nông dân đã chọn mua những loại thức ăn có giá bán rẻ hơn, những mong giải được bài toán “hạ giá thành”. Chỉ khi sử dụng mới biết mua nhầm hàng kém chất lượng.

Thông thường, lợn ăn 2,2-2,4 kg thức ăn hỗn hợp, sẽ tạo ra 1 kg lợn hơi tăng trưởng, nên giá thành sản xuất hiện tại lên tới gần 50.000 đồng/kg lợn hơi. Mua phải thức ăn kém chất lượng, tuy giá bán thấp hơn 15-20% so với hàng thông thường, nhưng phải mất tới 4-5 kg thức ăn với tạo ra được 1 kg tăng trọng, khiến giá thành sản xuất 1 kg lợn hơi lên tới 70-75 nghìn đồng. Nông dân càng thua lỗ nặng nề hơn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết từ 2 năm nay, giá nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Vì mục tiêu lợi nhuận, không ít cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã "rút ruột" các chất dinh dưỡng trong thức ăn, thay vào đó là các chất ít có giá trị dinh dưỡng.

Lẽ ra, phải đảm bảo hàm lượng các nguyên liệu như khô đậu tương, bột đậu tương, bột ngô, bột cá, dầu cá, bột thịt xương… để đảm bảo hàm lượng protein đạt tiêu chuẩn, thì nhiều cơ sở sản xuất đã giảm các tỷ lệ các nguyên liệu này xuống, tăng hàm lượng bột lông vũ, bột đất sét, vỏ trấu, lõi ngô, bột đá…Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp còn đưa cả phân urê vào thức ăn để nâng cao tỉ lệ protein thô trong nguyên liệu (bột cá) nhưng thực chất giá trị dinh dưỡng bằng không.

Heo, gà, vịt là động vật dạ dày đơn nên những chất trên không có giá trị, không có khả năng tiêu hóa. Vì vậy, vật nuôi sẽ chậm lớn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

"Đối tượng chịu thiệt thòi nhất do thức ăn chăn nuôi bị "rút ruột" chính là người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi vừa và nhỏ, bởi không có điều kiện kết nối với hệ thống cung cấp thức ăn chăn nuôi uy tín”, ông Dương nói.

Trong Bộ luật Hình sự quy định rất rõ về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, ngoài việc xử phạt hành chính, nếu hàng giả có số lượng rất lớn… thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nếu sản xuất thức ăn từ đất, đá, hay các chất “phi hữu cơ”, thì mới coi là hàng giả.

Hành vi vi phạm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là vẫn sử dụng nguyên liệu là chất hữu cơ – tức là vẫn có dinh dưỡng, chỉ có kém hoặc không đạt chất lượng thôi. Vì vậy, phần lớn các vụ vi phạm không thể quy kết là hàng giả, mà chỉ quy kết được “tội” sản xuất hàng kém chất lượng. Do đó, không thể kết án tù, mà chỉ phạt tiền với số lượng tiền không lớn, nên không đủ sức răn đe.

Một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chân chính bị “vạ lây” về chuyện thức ăn giả đặt vấn đề, nếu công tác kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng thức ăn được các cơ quan chức năng trung ương và địa phương thực hiện thường xuyên, khách quan và khoa học hơn thì chắc chắn sẽ còn phát hiện nhiều “thức ăn giả” nữa.

Ngoài ra, có một thực tế là sau khi xử phạt, lẽ ra cơ quan chức năng nên công khai tên tuổi, địa chỉ doanh nghiệp vi phạm cho cơ quan báo chí nhằm bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi, thì có một số doanh nghiệp thức ăn lại tìm cách đối phó dư luận, bưng bít thông tin xấu nên không ai biết, cuối cùng sự việc chỉ dừng lại ở mức “phạt cho tồn tại” rồi thôi. Dẫn đến, cả người chăn nuôi và những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chân chính đều phải chịu ảnh hưởng lớn.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top