Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 10 năm 2023 | 16:7

Những biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong chế biến thủy sản

Những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất này đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường, đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương cần có các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững.

Tỷ lệ cơ sở có hệ thống xử lý nước thải còn thấp

Cục Thủy sản cho biết, công nghiệp chế biến thủy sản đã làm thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu và làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, ngành xác lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy). Tuy nhiên, ngành chế biến thủy sản đã có những tác động nhất định đến môi trường.

Theo ThS. Nguyễn Công Thành, Viện Nghiên cứu Hải sản, trọng tâm của phát sinh ô nhiễm trong chế biến thủy sản là vấn đề nước thải. Qua điều tra cho thấy, tỷ lệ các cơ sở chế biến thủy sản có hệ thống xử lý nước thải đến nay còn rất thấp so với yêu cầu. Do nhiều nguyên nhân, chất lượng nước sau khi xử lý, của một số hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa đạt các tiêu chuẩn môi trường.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đưa các cơ sở chế biến thủy sản vào Mục III danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (Ảnh minh hoạ).

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết, tỉnh có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất khoảng 170.000 tấn nguyên liệu/năm. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đã lập hồ sơ, thủ tục về môi trường; đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động theo nội dung đã cam kết trong hồ sơ, thủ tục về môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đúng, đủ các biện pháp bảo vệ môi trường; chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hoặc có xây dựng nhưng không đúng tiêu chuẩn, công suất xử lý; chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để trước khi ra môi trường. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở, doanh nghiệp còn kém, vì chạy theo lợi nhuận nên chưa chú ý đến công tác xử lý chất thải.

Phơi cá khô ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài ra, ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường vẫn còn ở mức thấp. Phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Việc kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa thường xuyên, công tác thanh, kiểm tra chỉ được thực hiện 1 lần/năm theo quy định...

Hải Phòng hiện có 156 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản và muối. Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không lớn do quy mô, sản lượng nhỏ. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tích tụ chất thải của các cơ sở sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường nếu không có các biện pháp thu gom, xử lý chất thải phù hợp, theo đúng quy định.

Để ngành chế biến thủy sản phát triển bền vững

Nhằm hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp về công nghệ xử lý nước thải, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành khảo sát hiệu quả xử lý các thành phần ô nhiễm trong nước thải chế biến thủy sản bằng một số mô hình thực nghiệm. Viện cũng đang áp dụng mô hình quản lý tổng hợp môi trường tại làng nghề chế biến hải sản khô xã Gio Việt, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; làng nghề chế biến nước mắm xã Phong Hải, Phong Điền, Thừa Thiên Huế...

Để ngành chế biến thủy sản phát triển bền vững, ông Thành đề xuất cần triển khai hiệu quả Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục định kỳ đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đánh giá nguồn và lượng thải trong chế biến thủy sản. Nghiên cứu tạo các sản phẩm giá trị gia tăng từ các phế phụ phẩm chế biến thủy sản.

Sơ chế làm cá khô tại Làng nghề khai thác sơ chế, chế biến thuỷ sản thị trấn Mỹ Long. Ảnh minh họa: Thanh Hoà - TTXVN

Đồng thời, hướng dẫn và nhân rộng thực hiện các giải pháp quản lý, biện pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường trong các làng nghề chế biến thủy sản, cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, an toàn thực phẩm. Xây dựng và hỗ trợ cơ sở chế biến thủy sản giảm thiểu nguồn thải, áp dụng những công nghệ xử lý tiên tiến, tăng hiệu quả xử lý, giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

Về phía địa phương, tỉnh Thanh Hóa đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, chủ trương phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, xem xét di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, việc triển khai, thúc đẩy các đề án chế biến thủy sản và bảo vệ môi trường thủy sản là yêu cầu tất yếu. Chính vì vậy, các đơn vị cần cụ thể hóa các bước trong đề án triển khai thực hiện tại cơ sở. "Xây dựng được những nhà máy, làng nghề xanh, sạch, đẹp sẽ giúp hình ảnh thủy sản Việt Nam được nâng cao, tiếp tục khẳng định được uy tín, vị thế", ông Luân nói.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top