Theo số liệu cập nhật mới nhất về vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mỳ tại tiệm bánh mì Băng có địa chỉ khu phố 2, P.Xuân Bình (TP.Long Khánh, Đồng Nai), đến nay đã có khoảng gần 500 người phải nhập viện. Từ vụ ngộ độc này và nhiều vụ ngộ độc xảy ra trong thời gian vừa qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo việc quản lý thức ăn đường phố đang có nhiều bất cập.
Hàng loạt vụ ngộ độc xảy ra
Trong thời gian vừa qua liên tiếp đã có những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các tỉnh khu vực phía Nam như Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM với số lượng lên tới hàng trăm người.
Điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mỳ Băng có địa chỉ khu phố 2, P.Xuân Bình (TP.Long Khánh, Đồng Nai) mới xảy ra ngày 30/4 vừa qua, đến nay đã có khoảng trên 500 người phải nhập viện.
Hiện nay, đã có trên 500 người nhập viện do bị ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai.
Trước đó vào chiều ngày 30/4 nhiều người ăn bánh mỳ thịt tại cơ sở bánh mỳ Băng (phường Xuân Bình, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Sau đó, các bệnh nhân này xuất hiện các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng... các bệnh nhân này đã được chuyển đến nhập viện tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Một số người đã mua thuốc để điều trị nhưng vẫn không khỏi nên đã nhập viện vào sáng 1/5. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột và đã được xử lý kịp thời.
Đến chiều ngày 2/5 số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mỳ đã lên đến hơn 300 người, được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực TP. Long Khánh và Bệnh viện nhi Đồng Nai.
Theo Sở Y tế Đồng Nai đến trưa ngày 4/5 đã có 529 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Hai bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và Cao su Đồng Nai ghi nhận tổng cộng 529 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ. Trong đó, đang điều trị 375 ca, chuyển viện 11 ca, xuất viện 38 ca và cấp toa về nhà điều trị 105 ca. Ngoài ra, Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa cũng điều trị cho 12 ca.
Riêng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục điều trị 12 ca bệnh được chuyển viện từ tuyến dưới (9 ca) và tự nhập viện (3 ca). Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong số 12 bệnh nhi có 2 ca tiên lượng rất nặng, đang điều trị tích cực; các ca còn lại đang theo dõi sát. Hiện bệnh viện tiếp tục hội chẩn phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM điều trị cho các bệnh nhi.
Từ vụ ngồ độc do ăn bánh mỳ tại Đồng Nai vừa xảy ra chiều ngày 30/4 vừa qua đã cho chúng ta thấy một số bất cập trong quản lý thực phẩm đường phố, nếu như chúng ta không có ngay các biện pháp quản lý chặt chẽ thì nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc như trên sẽ còn diễn ra.
Công tác kiểm tra chưa chặt chẽ
Đánh giá về tình trạng pháp lý của tiệm bánh mì Băng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) cho hay, tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, P. Xuân Bình, TP. Long Khánh (tại vị trí thửa đất 192, tờ bản đồ số 10 thuộc P.Xuân Bình).
Bà N.T.K.B đã sử dụng Giấy phép kinh doanh số 47F8015343 cấp ngày 27/9/2021 do Phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND TP.Long Khánh) cấp cho bà N.T.K.P (con ruột của bà B., đã đi nước ngoài từ tháng 2/2023), làm chủ hộ kinh doanh có địa chỉ tại 148/18 Trần Quang Diệu, khu phố 2, P.Xuân Bình (TP.Long Khánh). Theo trình bày của bà N.T.K.B, hộ kinh doanh N.T.K.P vẫn đóng thuế môn bài và thuế khoán hằng tháng đầy đủ.
Ngoài ra, tiệm bánh mì Băng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; số người lao động 4 người, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.
Hệ thống kiểm tra của các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm có từ Trung ương đến tận địa phương, tuy nhiên, khi xảy ra vụ việc làm nhiều người bị ngộ độc các cơ quan kiểm tra mới phát hiện ra cơ sở này chưa đủ điều kiện kinh doanh.
Đây thực sự là một lỗ hổng trong công tác kiểm tra, quản lý ở tại địa phương này, mặc dù hàng năm chúng ta có hẳn một tháng an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai trên toàn quốc. Thậm chí công tác kiểm tra về thực phẩm cũng được địa phương triển khai thường xuyên, nhưng cơ sở này vẫn “lọt qua” khâu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Chất lượng và nguồn gốc thực phẩm cũng đang bị bỏ ngỏ
Thông tin từ ngành chức năng, tiệm bánh mì Băng là diện bán hàng nhỏ lẻ không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận ATTP. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến và theo nhận định của Sở Y tế, đây là vụ ngộ độc tập thể liên quan đến thức ăn đường phố có số người mắc lớn nhất từ trước đến nay.
Lỗ hổng quản lý từ những quán ăn đường phố sẽ dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm
Với nhận định của Sở Y tế vụ ngộ độc này liên quan đến thức ăn đường phố, như vậy có nghĩa là quán bánh mỳ này cũng giống như những quán bán hàng rong ngoài đường, cổng trường học, chợ, khu du lịch… bất cứ ở nơi nào thuận tiện cho việc bán hàng đồ ăn cho thực khách.
Vì thế người bán thì nhiều, người mua cũng không ít nhưng chất lượng, ATTP của thức ăn đường phố lại gần như bị bỏ ngỏ, bởi đây là loại hình kinh doanh tự do, người bán không cần đăng ký, không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất nhiên, đi cùng với thức ăn đường phố là tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao khi được bày bán, chế biến tại chỗ trên một chiếc xe đẩy, một góc vỉa hè trong điều kiện nước rửa hạn chế và dụng cụ chế biến không đủ vệ sinh; thức ăn không được che chắn; thực phẩm sống, chín để lẫn lộn… Người bán thoải mái dùng tay bốc thức ăn rồi lại cầm tiền và thao tác nhiều việc khác.
Nếu bỏ ngỏ không kiểm tra sát sao những điểm kinh doanh thức ăn đường phố kiểu như thế này, thì đây chính là một nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm là rất cao.
Không thể bỏ qua thức ăn đường phố
Từ vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mỳ ở thành phố Long Khánh cho thấy, nguy cơ ngộ độc của thức ăn đường phố hoàn toàn có thể xảy ra và với quy mô, mức độ thiệt hại không hề nhẹ.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (thuộc Sở Y tế) Nguyễn Đình Minh, riêng với thức ăn đường phố, trong hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, các đoàn kiểm tra liên ngành vẫn kiểm tra một số điểm bán thức ăn đường phố có địa chỉ cố định. Nhưng số lượng các điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn quá nhiều, nhiều xe đẩy, gánh hàng rong không cố định nên rất khó quản lý, dù ngành đã rất nỗ lực. Ngoài ra, quy định về thức ăn đường phố chưa thực sự chặt chẽ nên thiếu hành lang pháp lý để kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về ATTP ở các điểm bán thức ăn đường phố.
Cụ thể, Điều 31 Luật ATTP năm 2010 quy định chi tiết và cụ thể về điều kiện bảo đảm ATTP đối với nơi bày bán thức ăn đường phố; Điều 32 của luật này quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố… nhưng khoản 1, Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thì thức ăn đường phố lại là đối tượng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Điều này đồng nghĩa với việc người kinh doanh thức ăn đường phố không cần phải có giấy chứng nhận trên. Một khi thức ăn đường phố tự do kinh doanh thì sẽ rất khó quản lý.
Trước thực trạng các quy định pháp luật về thức ăn đường phố còn chưa chặt chẽ, lực lượng chuyên ngành còn mỏng, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn…, ông Nguyễn Đình Minh khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng việc ăn chín, uống chín; không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; không dùng thực phẩm đã biến đổi màu, mùi, vị, bị nấm mốc; hạn chế ăn thực phẩm tái sống; hâm nóng thức ăn sau 2h chế biến; rửa tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn. Đặc biệt, không ăn thức ăn bán ở lề đường, chế biến không hợp vệ sinh.
Theo Báo Tuổi trẻ; Báo An ninh Thủ đô; Báo VOV điện tử