Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 7 năm 2023 | 9:35

Nông dân cần nhận thức rõ về hành vi giăng điện bẫy chuột bảo vệ hoa màu

Những án mạng thương tâm xảy ra do người dân giăng dây điện bẫy chuột để bảo vệ nông sản. Mặc dù, bảo vệ nông sản là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để bảo vệ nông sản bằng những biện pháp an toà và không vi phạm pháp luật vẫn là bài toán khó của người nông dân.

Nhiều cái chết thương tâm do giăng điện bẫy chuột

Mới đây nhất, tại Thanh Hóa đã xảy ra vụ việc giăng giây điện xung quanh ruộng lúa để bẫy chuột cắn phá hoa màu. Cụ thể, người đàn ông tên N. V. L. (SN 1991) và anh N. V. Y. (SN 1993) là hai anh em ruột và đều ở thôn Đại Đồng 2, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), khi đi kích cá tại khu vực ruộng lúa nhà ông Đinh Xuân Thịnh (SN 1948, trú tại thôn Đại Đồng 2, xã Đồng Thắng) đã vướng phải dây thép loại 1mm do ông Thịnh giăng xung quanh khu vực ruộng, ao để bảo vệ.

Hậu quả, anh N. V. L. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh, TP. Thanh Hóa thì tử vong. Anh N. V. Y. bị bỏng độ 2, 3, 4 bàn tay phải, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Hiện trường vụ giăng dây điện bẫy chuột khiến 2 anh em thương vong

Kết quả điều tra bước đầu xác định, để ngăn chặn chuột vào phá hoại ruộng lúa, ông Đinh Xuân Thịnh đã giăng dây thép li xung quanh khu vực bờ ruộng rồi cắm điện 220 V vào hai dây thép nên khi anh L. và anh Y. đi kích cá thì vướng vào đường dây điện và bị điện giật. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đinh Xuân Thịnh để điều tra về hành vi giết người.

Tương tự trước đó tại huyện Nông Cống (Thanh Hoá), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Tình (SN 1978, ở thôn Phượng Đoài, xã Trường Trung, huyện Nông Cống) về hành vi giết người.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Công an, liên quan tới việc “để bảo vệ ruộng lúa của gia đình khỏi bị chuột cắn phá, Tình đã sử dụng máy bơm rút nước, sau đó sử dụng dây thép 1 ly giăng xung quanh ruộng lúa. Sau đó, Tình dùng dây viễn thông có lõi đồng nối một đầu vào dây thép (không có vỏ bọc), một đầu vào phích cắm điện để truyền dẫn điện với mục đích diệt chuột.”

Đối tượng Nguyễn Văn Tình tại cơ quan Công an. (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

Tuy nhiên, Tình đã không làm biển, đèn cảnh báo, cũng không thông báo cho các hộ dân có ruộng xung quanh và chính quyền địa phương biết việc mình giăng dây điện. Sau khi làm xong, Tình cũng không trông coi mà về nhà ngủ.

Sáng hôm sau, Tình rút nguồn điện và ra thăm ruộng lúa thì phát hiện N.M.C (SN 1992) và N.V.C (SN 2000), đều ở cùng thôn Phượng Đoài, xã Trường Trung, huyện Nông Cống đã tử vong do bị điện giật. Biết mình gây ra hậu quả nghiêm trọng, Tình đã đến Công an xã Trường Trung đầu thú.

Cũng vào hồi tháng 5 vừa qua, trên địa bàn thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) cũng đã xảy ra sự việc đau lòng tương tự, khi một người đàn ông được phát diện tử vong ở ruộng lúa do vướng phải bẫy chuột bằng điện.

Cụ thể, tối (4/5), ông Bùi Ngọc Bốt (SN 1951), trú tại đội 6, thôn Cúc Bồ (xã Kiến Quốc) ra ruộng lúa của gia đình thuộc cánh đồng Nghĩa Trang (nằm tiếp giáp đường 396 thuộc địa phận thôn Cúc Bồ). Khi ra đến nơi, ông dùng dây điện đấu vào điện lưới 220V để bẫy chuột xung quanh ruộng lúa.

Sau khi cắm điện và thấy bẫy chuột hoạt động, ông đi về nhà. Tuy nhiên, rạng sáng nay (5/5), ông Bốt ra ruộng lúa của gia đình để kiểm tra bẫy chuột thì bất ngờ phát hiện một người đàn ông nằm úp mặt xuống ruộng lúa, bên cạnh dây điện ông dùng để bẫy chuột.

Xác định người đàn ông tử vong do tiếp xúc với bẫy chuột bằng điện của mình cho nên ông Bốt đã ngắt điện khỏi bẫy chuột và chạy về nhà báo sự việc cho gia đình; đồng thời ông đến Công an xã Kiến Quốc tự thú. Qua xác minh, danh tính người đàn ông tử vong do vướng phải bẫy diệt chuột bằng điện là ông B.V.C. (SN 1960), cùng trú tại đội 6, thôn Cúc Bồ.

Gia đình nạn nhân xấu số đang tổ chức lo hậu sự cho ông C. Ảnh: Đ.Tùy

Nhận được tin báo, Công an xã Kiến Quốc cùng chính quyền sở tại nhanh chóng có mặt tại nơi xảy ra vụ việc, cấp báo về Công an huyện Ninh Giang cùng cơ quan chức năng tiến hành công tác khám nghiệm, thụ lý giải quyết.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết, thi thể ông C. được bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Được biết, nạn nhân làm nghề thợ mộc, vào đêm qua trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, ông C. đi soi cá, soi ốc ở cánh đồng và không may vướng phải bẫy chuột bằng điện dẫn đến tử vong.

Thông qua 3 vụ án này, mặc dù thủ phạm chỉ vô tình nhưng lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sự vô tình đó xuất phát từ nhận thức thấp kém của người sử dụng điện. Biết điện đặc biệt nguy hiểm, nhưng vẫn cố tình dùng vào những mục đích trái với quy định, không có biện pháp canh gác hay cảnh báo.

Từ đó, mỗi cá nhân, công dân cần chủ động học tập, nâng cao hơn nữa kiến thức sử dụng điện an toàn, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, tuyệt đối không được dùng xung kích điện đánh bắt cá, sử dụng điện đánh bẫy các đối tượng gây hại, bảo vệ hoa màu.

Mặt khác, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng điện an toàn, đúng mục đích, hướng dẫn người dân thực thi các biện pháp bảo vệ thực vật, tài sản đúng cách…

Biện pháp diệt chuột an toàn và thiết thực

Về vấn đề này, ông N.V.C làm nghề nông, ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh (Nam Định) cho biết: Để ngăn chặn chuột phá hoại lúa, chúng tôi đã sử dụng nhiều biện pháp, tuy nhiên hiện nay chuột sinh sản mạnh và tăng nhanh số lượng, diệt bằng cách thủ công không xuể, nên bất đắc dĩ phải dùng bẫy điện. Biết việc này nguy hiểm nên tôi phải thường xuyên canh chừng người qua lại.

Còn nông dân Nguyễn Trần Việt, ở xã Lê Hồ, Kim Bảng (Hà Nam) thì chia sẻ: Lúa mới gieo cấy đang đà đứng cây, chuột vào cắn như ngả rạ. Chúng tôi đã dùng thuốc và các kiểu bẫy, nhưng không hiệu quả. Sau mỗi đêm, chuột cắn diện tích bằng cả chục cái nong nên đành phải dùng bẫy điện giăng bốn bề. Tôi có lắp bóng báo đỏ nguy hiểm và kết hợp trông nom người qua lại, khi nào lúa cứng cây thì thôi.

Giăng điện bẫy chuột còn diễn ra khá nhiều ở các địa phương mặc dù việc này pháp luật nghiêm cấm từ lâu. (Chụp tại cánh đồng Mậu Chử, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Ảnh: Kim Chiến 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng dùng bẫy điện diệt chuột không chỉ diễn ra ở một vài địa phương đơn lẻ. Dù việc làm này pháp luật đã nghiêm cấm và liên tục được chính quyền địa phương tuyên truyền, cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn làm.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục cho các hộ nông dân có biện pháp diệt chuột bảo vệ mùa màng thiết thực, hiệu quả và an toàn. Đồng thời, ngành điện cũng phải tuyên truyền sâu rộng, để người sử dụng điện nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn.

Thời gian qua, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến như: Xây dựng, hình thành các tổ, nhóm đánh bắt chuột chuyên nghiệp, an toàn. Trong mỗi mùa vụ thường tổ chức phát động đợt cao điểm diệt chuột đồng loạt bằng biện pháp hóa học, sinh học kết hợp với thủ công, mà không cần dùng tới phương thức bẫy chuột bằng việc giăng điện.

Nông dân cần nhận thức rõ hành vi của mình

Một lần nữa phải nhắc lại và nhấn mạnh rằng, những vụ việc vô ý dùng điện làm chết người đã được truyền thông thông tin cảnh báo rộng rãi. Việc dùng điện vào mục đích phi sản xuất và đời sống cũng bị pháp luật nghiêm cấm. Thế nhưng những vụ việc đau lòng từ điện vẫn cứ diễn với mật độ dày hơn, khiến chúng ta không khỏi xót xa và bất bình.

Đằng sau những cái chết thương tâm do giăng điện bẫy chuột cho thấy vẫn còn đó một khoảng trống về pháp luật, khoảng trống thông tin, khoảng trống nhận thức, và cả khoảng trống trong hành động. Người chết thì đã chết, những người đáng bị phạt rồi sẽ bị xử phạt một cách nghiêm khắc, vấn đề còn lại đó là phải nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn để những mạng người không còn phải ra đi một cách tức tưởi và oan uổng.

Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Tại mục 12, Phần I, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao về việc “Giải đáp, hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ”, để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc, TAND Tối cao hướng dẫn như sau:

Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

Trường hợp người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.

 Hiện trường nơi xảy ra vụ bẫy chuột bằng điện gây chết người 

Như vậy, với các quy định trên, nếu chủ tài sản sử dụng điện trái phép để bảo vệ tài sản (trong đó có việc sử dụng điện để chống trộm, bẫy chuột) bất luận thuộc trường hợp nào mà làm chết người thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội danh và hình phạt phụ thuộc vào ý thức, động cơ của người phạm tội cũng như mức độ hậu quả đã gây ra.

Ngoài ra, hành vi phạm tội sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng chống trộm cắp tài sản, bẫy chuột phá hoại mùa màng mà không có cảnh báo an toàn là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, dù đối tượng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên lỗi của đối tượng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được qui định tại khoản 2, Điều 10, Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”, luật sư Lê Lưu Phú cho biết.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top