“Lừa đảo trên mạng” không chỉ xảy ra ở các đô thị hay thành phố lớn, các vùng nông thôn là địa bàn mà các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Thủ đoạn của bọn chúng là lập trang web bán vật tư nông sản, giống cây trồng, để nông dân mua phải giống giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, dẫn đến năng suất cây trồng thấp, mùa màng thất thu...
Sử dụng mạng xã hội để bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng
Phải thừa nhận, sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là Internet đã đem lại nhiều tiện ích cho con người, xã hội. Thông qua Internet, những kinh nghiệm trong việc trồng trọt, chăn nuôi, những mô hình sản xuất hay, giống vật nuôi - cây trồng cho năng suất, hiệu quả cao được nhiều nông dân biết đến.
Bên cạnh tiện ích, Internet cũng là công cụ để các đối tượng sử dụng để lừa đảo, bán vật tư nông nghiệp, giống cây trồng kém chất lượng cho nông dân. Hậu quả là “tiền mất, tật mang”, không những không cho năng suất cao mà còn gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.
Trong một lần trò chuyện với chị Nguyễn Thị Tố Như ở thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội (Đông Anh - Hà Nội), tôi được nghe chị bức xúc kể lại việc mua phải lúa giống kém chất lượng trên mạng xã hội cho vụ mùa năm 2023.
Theo chị Như, do bận nhiều công việc nên không có thời gian để đi mua lúa giống nên chị đã nhờ con trai lên mạng xã hội để tìm địa chỉ cung cấp lúa giống ThaiBinh Seed, Vinaseed… Sau khi liên hệ qua số điện thoại, đơn vị cung cấp hẹn sẽ mang lúa giống theo yêu cầu đến đúng địa chỉ cho người mua. Tin tưởng vào đơn vị cung cấp, chị đã mua lúa giống ThaiBinh Seed để gieo cấy, tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc chị mới biết mình mua phải lúa giống giả.
“Mất tiền không tiếc bằng mất công sức mấy tháng trời chăm sóc nhưng không thu hoạch được do lúa khi trổ bông đều bị lép, tôi đành phải bỏ cả ruộng để cho trâu, bò ăn”, chị Như kể.
Ông Trần Văn Hân so sánh lúa giống bán tại đại lý và trên mạng.
Để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2024, anh Trần Văn Hân, ở thôn 1, xã Quảng Đức (Quảng Xương - Thanh Hóa) đặt mua 3kg giống lúa lai Thái Xuyên 111 có giá 100.000 đồng/kg trên mạng, trong khi tại các cửa hàng đại lý đang có giá 152.000 đồng/kg. Nhưng khi nhận giống, so sánh hai loại, thì anh Hân phát hiện mình mua phải giống giả.
Anh Hân cho biết: “Bỗng dưng 1 kg đang mua 152 nghìn, nay chỉ có giá 100 nghìn, mua 5 kg lại tặng 1 kg, miễn ship. Vì thế, tâm lý người mua hàng là muốn mua giá rẻ”. Đây chính là cơ hội để các đối tượng lừa đảo qua mạng có “đất” để tồn tại.
Tại Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam” do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2023, ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nhận định, khi nhu cầu về giống cây ngày càng cao thì xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng cũng để lại nhiều hậu quả, hệ lụy. Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân.
Trang mạng rao bán giống lúa.
“Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu đa cấp. Phần lớn nông dân ở vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân”, ông Định cho hay.
Không chỉ có giả mạo các giống lúa có chất lượng cao, các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng cũng được rao bán trên các trang mạng. Đối tượng lừa đảo còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người nông dân. Để người dân nhận biết được các hình thức lừa đảo, Bộ Công an đã đưa ra những cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, không mắc bẫy lừa đảo trên không gian mạng.
Nhận diện 3 nhóm lừa đảo và 24 hình thức lừa đảo
Theo Bộ Công an, hiện có ba nhóm lừa đảo chính, gồm: giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên Zalo, Facebook và các hình thức kết hợp. 24 hình thức lừa đảo chính, gồm:
- Combo du lịch giá rẻ: Các cuộc gọi mời đến dự giới thiệu về khu nghỉ dưỡng và tặng miễn phí vé đi nghỉ; mời mua các gói du lịch có thể đi được nhiều nơi, dễ dàng, tiêu chuẩn cao với mức giá đóng trước rất hời...
- Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice: Dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền...
- Lừa đảo là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
- Lừa đảo giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu...
- Lừa đảo tuyển người mẫu nhí; Nhờ bình chọn cho cháu, người quen tham gia một cuộc thi nào đó...
- Lừa đảo giả danh các công ty tài chính, ngân hàng thay mật khẩu, cho vay lãi suất cao...
- Lừa đảo giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... nói người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh...
- Lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công - với các dịch vụ mua hàng trực tuyến...
- Lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm...
- Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận
- Lừa đảo tuyển cộng tác viên online cho các dịch vụ đa cấp rất đơn giản, ví dụ như: chỉ cần nghe/click vào 1 số nội dung trên youtube, tik-tok theo link gửi sẵn sẽ có thu nhập 200.000 -300.000 đồng/ngày.
- Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền...hoặc lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
- Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook, tăng like trên Facebook.
- Lừa đảo tình cảm, làm quen, rồi dẫn dụ đầu tư tài chính.
- Lừa đảo có người gửi bưu kiện, hoặc trúng thưởng, hoặc có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến... cần có tiền ứng trước để lấy ra.
- Lừa đảo cho số đánh đề/mua xổ số trăm phát trăm trúng.
- Lừa đảo rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử...
- Lừa đảo gửi link nội dung hấp dẫn về vụ việc giật gân, hoặc có nội dung nhạy cảm sẽ xóa ngay sau vài phút để cài cắm các ứng dụng ăn cắp thông tin cá nhân sử dụng cho mục đích chiếm đoạt tài sản, cài link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen...
Ngoài ra còn là các hình thức lừa đảo: SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo “bẩn” trên Facebook ...
Để không mắc bẫy lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng. Không đặt niềm tin trước những trang thông tin trên mạng xã hội quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm, vật tư nông nghiệp với mức giá ưu đãi khủng, mà ở đó các thông tin liên quan đến địa chỉ giao dịch không rõ ràng.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.