Hàng trăm hộ dân tại thôn Tân Bắc (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã gửi đơn kiến nghị lên huyện nhờ can thiệp vì bị mất mã vùng trồng mà không hay biết.
Từ khi Trung Quốc chính thức nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, những vùng trồng được cấp mã số bán được giá cao hơn nhiều so với vùng không có mã số, nên đã xảy ra nhiều vấn đề về quản lý mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.
Được cấp mã vùng trồng mà không biết?
Ông Bùi Đình Lục, tổ trưởng tổ VietGAP xã Ea Kênh (trú thôn Tân Bắc), cho biết nhiều hộ dân tại thôn đang hết sức hoang mang khi biết mã vùng trồng sầu riêng VN-ĐLOR 0072 của thôn lại được cấp cho Công ty TNHH thương mại nông sản Thiện Tâm quản lý và sử dụng.
Thương lái kiểm tra từng trái sầu riêng để nhập hàng, đem đi xuất khẩu
Theo ông Lục, toàn thôn có khoảng 200ha sầu riêng, sản lượng khoảng 600 tấn với 100ha đạt tiêu chuẩn VietGAP - điều kiện được cấp mã vùng trồng.
Hai năm trước đây người dân trong thôn được thông báo đi làm thủ tục cấp mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu nhưng đến khi xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc thì "tên xóm, tên làng" của họ lại do doanh nghiệp sở hữu...
Theo ông Lục, người dân trong thôn đang lo lắng vì mùa sầu riêng đã kết thúc nhưng doanh nghiệp đang sở hữu mã số này rất dễ xảy ra trường hợp trộn sầu riêng nơi khác vào để xuất khẩu.
"Lỡ doanh nghiệp mua sầu riêng trôi nổi từ nơi khác rồi tự ý gắn mã vùng trồng của chúng tôi, rồi bị phát hiện mã bị xóa thì ai chịu trách nhiệm?", ông Lục đặt vấn đề.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Minh Tâm, giám đốc Công ty TNHH thương mại nông sản Thiện Tâm, khẳng định mã vùng trồng VN-ĐLOR 0072 của thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh do doanh nghiệp nông sản Thiện Tâm quản lý, sử dụng. Bởi ba năm trước, ông Tâm đã lập danh sách nhà vườn, chuẩn bị thủ tục để làm hồ sơ cấp mã vùng trồng tại thôn Tân Bắc cho trái sầu riêng.
Việc thôn có mã vùng trồng thì giá bán sầu riêng sẽ cao hơn, dân được hưởng lợi.
Vì vậy, theo ông Tâm, "người dân phải mang ơn ông" nhưng người dân lại quay ra kiện ông "cướp mã" khiến ông rất buồn.
Có tình trạng mua quyền sử dụng mã vùng trồng
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá mua sầu riêng loại 1 không có mã vùng trồng khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng nếu có mã sẽ từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Khi xuất khẩu chính ngạch, giá bán cho đối tác Trung Quốc sẽ khoảng 240.000 đồng/kg trở lên.
Khi được hỏi về việc doanh nghiệp vừa sở hữu mã vùng trồng, vừa sở hữu mã đóng gói thì việc "độn hàng, đổi mã" có xảy ra, ông Tâm nói quy trình kiểm duyệt rất chặt chẽ, rất khó để gian dối. Khi được đề nghị cung cấp danh sách những nông hộ thuộc mã vùng trồng ở thôn Tân Bắc, ông Tâm nói sẽ làm việc sau.
"Khi Trung Quốc chính thức cho trái sầu riêng của Việt Nam bán vào nước họ thì mùa vụ ở thôn Tân Bắc đã gần kết thúc. Chúng tôi chỉ mua, xuất khẩu được 30% sản lượng tại thôn Tân Bắc. Vậy nên có người được mua, người không nên họ khiếu nại", ông Tâm nhận định.
Không chỉ mất mã vùng trồng vào tay doanh nghiệp, tại Krông Pắk còn có tình trạng "mã đã đóng, hàng vẫn đi chính ngạch".
Ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch Hợp tác xã trái cây Krông Pắk, cho biết để sầu riêng đi chính ngạch thì doanh nghiệp phải mua trong các vườn đã có mã vùng trồng; nông hộ phải có giấy ủy quyền cho hợp tác xã để đóng dấu. Sau đó, doanh nghiệp làm bảng kê, đến UBND xã có mã vùng trồng làm thủ tục xác nhận rồi mới đưa về cơ sở có mã đóng gói để dán tem, mã QR để xuất khẩu.
Nhưng khi gần 1.020ha sầu riêng với sản lượng khoảng 20.000 tấn của đơn vị được cấp mã vùng trồng (16 mã) thì thời vụ đã hết. Vậy nên các thành viên ban quản lý đã quyết định đóng mã vùng trồng mùa vụ năm 2022.
Cũng theo ông Tuấn, dù được cấp mã tới 20.000 tấn nhưng năm nay hợp tác xã chưa xuất khẩu chính ngạch được ký sầu riêng nào sang Trung Quốc nên khi biết quota (hạn ngạch số lượng) của hợp tác xã còn nhiều, một số doanh nghiệp muốn mượn mã để xuất khẩu.
"Họ tìm đến chúng tôi, sẵn sàng mua mã nhưng chúng tôi đoạn tuyệt để bảo vệ mã vùng trồng. Bởi nếu gian dối được năm nay, cả quá trình xây dựng mã vùng trồng nhiều năm qua đổ sông đổ bể. Đó là chưa kể phải đối mặt với tù tội, tiếng đời.
Thế nhưng có trường hợp, sầu riêng không mua ở hợp tác xã nhưng vẫn dán mã vùng trồng. Khi phát hiện chúng tôi đã làm văn bản, yêu cầu ngăn chặn việc gian lận này", ông Tuấn nói.
Mã vùng trồng là tài sản của người dân Bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết đã nắm thông tin về việc người dân khiếu nại, tuy nhiên qua tuần mới có thể họp, giải quyết vì bà đang đi công tác. Theo bà Trinh, mã vùng trồng là tài sản của người dân, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Bà cho rằng do việc này còn mới nên các nông hộ, người đại diện chưa nắm rõ, quản lý chặt. Mỗi mã vùng trồng đều có diện tích, sản lượng, khi hết vụ sẽ khóa lại, muốn làm giả cũng không được. "Tới đây huyện sẽ mở lớp tập huấn thêm về việc quản lý mã vùng trồng cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phối hợp với một doanh nghiệp công nghệ. Việc quản lý mã vùng trồng bằng công nghệ sẽ triệt tiêu nạn độn hàng, đổi mã", bà Trinh phân tích. |
Theo tuoitre.vn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.