Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 1 năm 2023 | 15:57

Nông thôn mới Hà Giang bền vững, đi vào chiều sâu

Tỉnh Hà Giang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng (NTM), với quan điểm xuyên suốt, NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; từng bước, đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2011, trong phạm vi 175 xã/11 huyện, thành phố. Bước đầu xây dựng NTM, trung bình toàn tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người/năm ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, khó huy động được sự tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp, suất đầu tư cho cơ sở hạ tầng lớn.

Toàn cảnh thành phố Hà Giang (Hà Giang) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, chương trình MTQG xây dựng NTM đã tạo nên sự chuyển biến, thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 1 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (thành phố Hà Giang); 47/175 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Phương Thiện – thành phố Hà Giang); 11 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí NTM; 115 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 2 xã đạt dưới 9 tiêu chí.

Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Giang cho biết: Giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Hà Giang tiếp tục xây dựng thôn NTM và thực hiện kế hoạch tăng tiêu chí xã NTM; tức là lập kế hoạch xây dựng các xã đạt chuẩn NTM cho cả giai đoạn, không ấn định thời gian hoàn thành số xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch từng năm như trước đây mà tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành theo từng nhóm tiêu chí đối với từng xã.

Cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân xã Việt Lâm (Vị Xuyên) nâng cao thu nhập.

Tiếp đó, tổ chức đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm cuối của giai đoạn, đảm bảo hết giai đoạn hoàn thành mục tiêu đề ra. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng NTM bền vững, đi vào chiều sâu, tránh được “bệnh thành tích” khi thực hiện xây dựng NTM ngay từ cấp thôn và thực hiện chắc chắn từng tiêu chí. Năm 2022, toàn tỉnh hoàn thành 26/34 tiêu chí NTM, đạt 76,5% so với kế hoạch đề ra; có 8 tiêu chí (liên quan đến thủy lợi, điện, trường học) của 4 xã thuộc huyện Quang Bình không hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang có thêm 22 thôn đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn NTM toàn tỉnh lên 91 thôn.

Đặc biệt, nhằm tạo đột phá về kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu ứng tích cực. Trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù T.Ư chưa giao vốn, song UBND tỉnh đã phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh (50 tỷ đồng) để tổ chức đấu thầu mua xi măng cung ứng cho các huyện, thành phố thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Không những vậy, việc phân bổ nguồn lực và hỗ trợ xi măng còn được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh trong tổ chức thực hiện, tạo sự chủ động trong điều hành, tổ chức thực hiện của cấp huyện và xã. Được nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân tích cực đóng góp ngày công, vật liệu, hoàn thành trên 370 km đường bê tông các loại (giá trị trung bình khoảng 700 triệu đồng/km).

Người dân thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) vận chuyển vật liệu làm đường giao thông. 

Trước đó, giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng NTM theo cơ chế nhà nước, nhân dân cùng làm. Điều này góp phần quan trọng trong việc bê tông hóa hơn 1.900 km đường các loại; trong đó, nhân dân tự nguyện hiến trên 1,6 triệu m2 đất, đóng góp gần 2 triệu ngày công và tiền với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng...

Nối tiếp kết quả trên, Nghị quyết 28, ngày 25.7.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về lãnh đạo triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình đạt chuẩn huyện NTM (nâng tổng số đơn vị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM là 3 đơn vị), 35 xã đạt chuẩn NTM (nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 82 xã), 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao toàn tỉnh lên 7 xã) và xây dựng 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, phấn đấu 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn thôn NTM (tương đương khoảng 800 thôn); 100% thôn biên giới có điện và đường giao thông đạt tiêu chí NTM.

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) khang trang, sạch đẹp khi nhìn từ trên cao.

Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, hiện nay, tỉnh Hà Giang tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xây dựng NTM; tập trung thực hiện 11 nội dung thành phần thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM với 5 nhóm nhiệm vụ về: Đột phá, cốt lõi, nền tảng, then chốt và nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

 Trên cơ sở đó, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa. Đồng thời, xây dựng hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top