Hơn 3.000ha nuôi ngao tự phát trên khu vực ven biển quận Hải An và huyện Kiến Thuỵ nằm trong vùng quy hoạch đã được UBND TP. Hải Phòng cấp phép khai thác khoáng sản. Hoạt động nuôi ngao tự phát chồng lấn lên các quy hoạch đã được duyệt dẫn đến việc phải cưỡng chế, di dời buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Việc này gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế của người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của các cấp chính quyền địa phương.
Tự phát nuôi ngao trái phép
Theo thông tin từ UBND TP. Hải Phòng, các hộ nuôi ngao trên khu vực ven biển thuộc quận Hải An và huyện Kiến Thụy là tự phát, ban đầu các hộ nuôi ngao với quy mô, diện tích nhỏ. Năm 2011, UBND xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) rà soát chỉ có 32 hộ nuôi ngao với diện tích 147 ha. Sau đó, các hộ dân tự mở rộng diện tích, lấn ra phía ngoài biển, chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được thành phố giao, cho thuê khai thác cát.
Khu vực nuôi ngao trái phép ở Hải An (Hải Phòng).
Trên địa bàn quận Hải An hiện có 28 hộ nuôi ngao trên tổng diện tích 726,36ha; huyện Kiến Thụy có 89 hộ nuôi ngao trên tổng diện tích 2.557,5ha nằm trong vùng quy hoạch và đã được UBND TP. Hải Phòng cấp phép khai thác khoáng sản để phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn thành phố.
Việc các hộ dân nuôi ngao tự phát đã vi phạm các quy định pháp luật về sản xuất nông nghiệp. Để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biển do thành phố quản lý, UBND TP. Hải Phòng ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép phải di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản trước ngày 30/11/2021.
Sau gần 1 năm UBND TP. Hải Phòng ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân di dời toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực biển đã được giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản, các hộ dân vẫn chưa chịu di dời, UBND TP. Hải Phòng đã chỉ đạo UBND quận Hải An và huyện Kiến Thụy thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các hộ dân tự nguyện di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm.
Tuy nhiên, vẫn còn 12/28 hộ chưa chịu di dời, do đó, trong 3 ngày 8 - 10/9, UBND quận Hải An tiến hành cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 12 hộ dân, tại 13 vị trí vi phạm nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển quận Hải An, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Kiên quyết “xoá” vùng nuôi ngao tự phát
Lý giải cho tình trạng các hộ dân nuôi ngao tự phát từ nhiều năm nay mà không bị xử lý nghiêm vi phạm, theo các địa phương cũng như cơ quan chức năng, chủ yếu do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện tuần tra, kiểm soát, nhất là ca nô, tàu, thuyền dẫn đến hiệu quả quản lý thấp. Cùng với đó, theo như báo cáo của UBND quận Hải An, còn có một phần lỗi của các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng đất và mặt nước. Đó là không có mốc giới xác định chính xác diện tích được cấp phép, không quản lý tốt mốc giới...
Để lập lại trật tự, kỷ cương tại khu vực hộ nuôi ngao không phép chồng lấn với các quy hoạch, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng, cho biết, trên cơ sở luật pháp, quan điểm của thành phố là tập trung xử lý triệt để, quyết liệt nhằm thiết lập kỷ cương, an ninh trật tự trên biển. Trong quá trình giải quyết, thành phố luôn quan tâm đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện hết mức cho người dân thực hiện di dời, thu hoạch nguồn lợi đã nuôi trồng. Thành phố cũng không xem xét các hộ nuôi ngao phải nộp số lợi bất hợp pháp có được do hành vi sử dụng diện tích nuôi ngao bất hợp pháp từ trước đến nay mà có. Thành phố đang xin ý kiến lập vùng quy hoạch nuôi ngao 3.000ha để giao cho các hộ dân tiếp tục có nhu cầu sau khi bị di dời, giải toả.
Sau khi hoàn thành việc cưỡng chế đối với 12 hộ nuôi ngao trên khu vực biển quận Hải An (ngày 8-10/9), TP. Hải Phòng tiếp tục rà soát phương án di dời đối với các hộ nuôi ngao không phép tại khu vực biển trên địa bàn các huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng. Mới đây (19/9), Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các ngành chức năng, địa phương liên quan kiểm tra tiến độ xử lý vi phạm hành chínhh và việc triển khai kế hoạch, phương án cắm phao tiêu khu vực di dời các hộ nuôi ngao không phép tại 2 địa phương trên.
Theo lãnh đạo huyện Kiến Thụy, huyện đã xác định lại phạm vi ranh giới, diện tích khu vực và vị trí cắm phao tiêu – giai đoạn 1, dự kiến thả 5 phao khoanh vùng 1.500 ha đối với 38 hộ nuôi ngao cùng 47 chòi canh. Từ ngày 22/9/2022, huyện sẽ thực hiện cắm phao tiêu, dựng chòi bảo vệ phục vụ công tác di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép xung quanh 4 mỏ cát. Giai đoạn 2, huyện sẽ thả 17 phao khoanh vùng các mỏ khi tổ chức cưỡng chế.
Đối với huyện Tiên Lãng, dự kiến thả 10 phao trên khu vực biển khoảng 3.000 ha đang lập quy hoạch để nuôi nhuyễn thể với 41 hộ cùng 76 chòi.
Các hộ dân nuôi ngao tự phát không được cấp có thẩm quyền cấp phép dẫn đến việc phải thực hiện giải tỏa di dời, vừa gây thiệt hại về kinh tế, vừa gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với người dân cũng như các cấp chính quyền, ngành chức năng trong quản lý đất đai, mặt biển cũng như quy hoạch trên địa bàn.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.