Mất vệ sinh an toàn thực phẩm có thể diễn ra ở các công đoạn từ chăn nuôi đến giết mổ và tiêu thụ hay từ các khâu trong quá trình chế biến thưc phẩm. Do đó, muốn giảm thiểu được ngộ độc thực phẩm phải giám sát chặt chẽ các quá trình này.
Khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Với trên 24.000 cơ sở giết mổ động động vật nhỏ lẻ, chưa đảm bảo cơ sở vật giết mổ trên phạm vi cả nước đang hoạt động, thì có thể thấy ngay việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được bày bán tại các chợ dân sinh khó như thế nào.
Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 112 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 435 chợ với khoảng 18.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Trong đó, hệ thống chợ là kênh phân phối chủ lực, cung ứng khoảng 60% nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hương Giang
Nếu 435 chợ với khoảng 18.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lấy thịt gia súc, gia cầm được giết mổ từ những cơ sở giết mổ hỏ lẻ, chưa đảm bảo cơ sở vật chất giết mổ kia, thì 60% người dân tiêu thụ thực phẩm của Thủ đô liệu có đam bảo an toàn sức khỏe, khi có sự cố xảy ra các cơ quan chức năng sẽ truy xuất nguồn gốc như thế nào.
Một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Xanh (quận Hà Đông) cho biết, hằng ngày cửa hàng bán khoảng 50-80kg thịt lợn được nhập từ các lò mổ trên địa bàn, nhưng cũng chỉ có hóa đơn thanh toán tiền, chứ chưa có hồ sơ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định bảo đảm an toàn, thực phẩm, như: Kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát, tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng còn dễ dãi trong sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Hiện nay, cả nước vẫn còn 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ 7.362 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số còn lại 17.292 cơ sở (trên 70%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Với trên 70% cơ sở giết mổ không có giấy chứng nhận nhưng vẫn thực hiện việc giết mổ gia súc, gia cầm cung cấp cho các chợ mới thấy việc truy xuất nguồn gốc khó khăn như thế nào đối với lực lượng chức năng và cả người tiêu dùng nữa.
Tăng cường giám sát từ sản xuất đến tiêu thụ
Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm dịch thú y để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến tận bàn ăn của người, đang được các tỉnh thành chú trọng.
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y.
Giết mổ tập trung sẽ tạo thuận lợi trong công tác kiểm dịch, quản lý an toàn thực phẩm
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung quy mô nhỏ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ động vật, các cơ sở kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm theo phân công, phân cấp.
Tại Hà Nội, để quản lý hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ đáp ứng yêu cầu của Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” (ban hành kèm Quyết định số 4727/QĐ-UBND ngày 5-11-2021 của UBND thành phố) và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và cơ bản đáp ứng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương triển khai tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy hoạch giết mổ; nhân rộng các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ, khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở và xử lý, công khai cơ sở vi phạm theo quy định. Cùng với đó, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các hộ không kinh doanh buôn bán hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh.
Tại Đồng Tháp các đơn vị quản lý nhà nước về ATTP theo lĩnh vực phân công đã thành lập 161 đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm tra 2.429 cơ sở; đối với những trường hợp vi phạm đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Trong đó, có 7 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 19 triệu đồng do vi phạm các lỗi như: sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không duy trì bảo đảm vệ sinh nơi kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến; kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng. Ngoài ra, có 8 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng do có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng không đúng đối tượng; sản xuất thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đã công bố; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hiệu lực; không lưu trữ hồ sơ theo dõi sản xuất để truy xuất nguồn gốc; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc...
Cán bộ thú y huyện Mường Khương kiểm soát và đóng dấu tại cơ sở giết mổ tập trung.
Tại Lào Cai, UBND tỉnh đã có văn bản 2681/UBND-NLN về việc tăng công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất, giới thiệu vị trí địa điểm cụ thể và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung công nghiệp, hiện đại hoặc cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong thời gian chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung tiến hành xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; rà soát, sắp xếp những hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ tại các cụm xã, trung tâm thị trấn để thực hiện nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cơ bản đảm bảo yêu cầu, tiêu chí theo quy định; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan thú y...
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sức khỏe cho người dân, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh này.