Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2023 | 21:10

Phát hiện 2 cá thể voi rừng ở Vườn quốc gia Vũ Quang

Chiều 3/3, ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, hệ thống điểm bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học trên diện tích rừng do đơn vị quản lý đã ghi lại được hình ảnh của 2 voi rừng, trong đó có 1 voi đực có ngà nhỏ và 1 voi cái trưởng thành.

Hệ thống điểm bẫy ảnh ở Vườn quốc gia Vũ Quang ghi lại hình ảnh 2 cá thể voi

Được biết, hai con voi này đã sinh sống từ lâu trên địa Vườn quốc gia Vũ Quang và được đơn vị giám sát thường xuyên, năm 2019 cũng đã từng phát hiện chúng qua hệ thống điểm bẫy ảnh. Hiện hai cá thể voi này đang ở trên một hòn đảo rộng khoảng 400ha tại hồ Ngàn Trươi.

Trước đó, Vườn quốc gia Vũ Quang đã triển khai lắp đặt hệ thống 25 điểm bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học trên diện tích rừng do đơn vị quản lý. Mỗi điểm bẫy ảnh gồm 2 máy cảm biến hồng ngoại, khoảng cách giữa mỗi điểm là 2,5km. Các máy cảm biến chạy bằng pin và hoạt động liên tục trong thời gian 3 tháng.

Năm 2019, hai cá thể voi này cũng đã từng được phát hiện qua hệ thống điểm bẫy ảnh

Theo đó, khi có cảm ứng nhiệt và cảm ứng chuyển động của các loài động vật hoang dã, động vật móng guốc quý hiếm, máy cảm biến sẽ tự động chụp hoặc quay lại hình ảnh trong phạm vi di chuyển. Thông qua bẫy ảnh sẽ giúp đơn vị quản lý xác định rõ hơn về tài nguyên đa dạng sinh học; phân tích, xử lý, công bố đa dạng sinh học nhằm phục vụ hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ, nghiên cứu, phát triển…

Việc triển khai lắp đặt điểm bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học lần này nằm trong hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án VFBC do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Vườn quốc gia Vũ Quang thực hiện, dự kiến đến khoảng tháng 5/2023 sẽ hoàn thành lắp đặt tổng cộng 88 điểm bẫy ảnh...

Hai voi rừng vừa được phát hiện khoẻ mạnh bình thường

Lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang cũng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi các cá thể voi rừng và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác tại khu vực do đơn vị quản lý để xây dựng các giải pháp bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt. Qua đó, xây dựng các biển cấm, biển báo các khu vực có voi rừng sinh sống; tổ chức tuyên truyền đến người dân trong khu vực biết để tránh xung đột và có giải pháp bảo vệ đàn voi rừng tránh bị các đối tượng săn bắn…

 

Khánh Trình
Ý kiến bạn đọc
Top