Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 10 năm 2022 | 13:58

Phát hiện bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn" chuẩn bị tuồn ra thị trường

Trong những ngày vừa qua, lực lượng chức năng các tỉnh đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn", không rõ nguồn gốc đang trên đường đi tiêu thụ… buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối theo đúng quy định của pháp luật.

Liên tiếp bắt giữ nhiều vụ…

Thông tin từ Tổng cục quản lý thị trường cho biết, liên tiếp trong những ngày vừa qua, lực lượng chức năng các tỉnh miền núi phía Bắc đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn", không rõ nguồn gốc đang trên đường đi tiêu thụ.

Tại Phú Thọ: đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với Đội cảnh sát giao thông số 2 - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành dừng kiểm tra xe ô tô tải Biển kiểm soát 75B-006.61 tại quốc lộ 32, thuộc khu 20, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. 

Số hàng hóa gồm nội tạng động vật bò (lòng, gan, dạ dày…) có trọng lượng 172 kg

Chủ hàng, lái xe là ông Hoàng Văn Liễu trú tại Xóm Đường 2, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là lái xe - chủ hàng hóa vận chuyển số hàng hóa gồm nội tạng động vật bò (lòng, gan, dạ dày…) được đựng trong 3 thùng xốp màu trắng có tổng trọng lượng 172 kg đã bốc mùi hôi thối và biến đổi về màu sắc, đang trên đường đi tiêu thụ.

Tại buổi làm việc ông Hoàng Văn Liễu thừa nhận có mua số hàng hóa trên của một người đàn ông không biết tên, tuổi, địa chỉ từ chợ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đem về tỉnh Yên Bái  bán lại cho các quán ăn ven đường và người dân, đến địa phận tại km 81+ 400, Quốc lộ 32 thuộc Khu 20, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ thì bị Tổ tuần tra của Đội Cảnh sát giao thông số 2 – Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra trên phương tiện ô tô BKS 75B-006.61 có vận chuyển số hàng hóa gồm nội tạng động vật bò (lòng, gan, dạ dày…) có trọng lượng 172 kg, toàn bộ hàng hóa không có giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Qua kiểm tra thực tế, toàn bộ số hàng hóa gồm nội tạng động vật bò (lòng, gan, dạ dày…) có trọng lượng 172 kg được đựng trong 3 thùng xốp đã bốc mùi hôi thối và biến dạng về màu sắc, không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

Đội Quản lý thị trường số 8 đã lập hồ sơ vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10.000.000 đồng đối với ông Hoàng Văn Liễu về hành vi vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh

Buộc tiêu hủy toàn bộ số nội tạng động vật bò (lòng, gan, dạ dày…) có tổng trọng lượng 172 kg. Đồng thời, tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện, giám sát tiêu huỷ toàn bộ số hàng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tại Sơn La: Cùng ngày, đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy và Công an xã Tông Lạnh (Công an huyện Thuận Châu, Sơn Lan) tiến hành khám xe ô tô BKS 27F-00014 do ông Lò Văn Khương điều khiển, đang xuống hàng tại địa chỉ xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Tại thời điểm khám, phát hiện trên phương tiện có vận chuyển 215 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hoá 15.050.000 đồng. Ông Lò Văn Khương (lái xe kiêm chủ hàng) khai nhận có mua số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ và giấy kiểm dịch, đang trên đường vận chuyển vào địa bàn để tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Lực lượng chức năng thực hiện tiêu hủy số thực phẩm "bẩn"

Qua làm việc, ông Lò Văn Khương đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình, Đội QLTT số 5 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và trình Đội trưởng Đội QLTT số 5 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5,5 triệu đồng đối với hành vi trên, đồng thời chuyển giao cho Chi cục Thú y tỉnh Sơn La và phối hợp giám sát việc buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Lạng Sơn: Ðội Quản lý thị trường số 6 chủ trì, phối hợp Đội 2 Phòng PC03 Công an tỉnh Lạng Sơn khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 98H-3522 đang dừng đỗ bên lề đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Tại thời điểm khám phương tiện, phát hiện trên xe ô tô có 5.940 túi Chân gà tẩm ướp gia vị ăn liền, loại 32 gam/túi có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa được nhập khẩu hợp pháp và hàng hóa chưa được kiểm nghiệm của cơ quan y tế.

Lực lượng chức năng Lạng Sơn kiểm tra số hàng hóa vi phạm. Ảnh: Phú Thành

Chủ hàng là ông Nguyễn Ngọc Anh có địa chỉ tại Khối 7 phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn khai nhận số thực phẩm trên được ông Anh mua lại bán trôi nổi trên thị trường tại thị trấn huyện Lộc Bình với mục đích vận chuyển về thành phố Lạng Sơn tìm mối tiêu thụ bán kiếm lời.

Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Ngọc Anh về hành vi Kinh doanh hàng hóa nhập lậu và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 16.000.000 đồng, đồng thời buộc ông Nguyễn Ngọc Anh thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tiêu hủy toàn bộ hàng hóa thực phẩm không đảm bảo an toàn sử dụng vi phạm trên có tổng trị giá 29.700.000 đồng.

Tại Hà Nội: Đội 4 thuộc Phòng cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội quản lý thị trường số 17 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ khoảng 5 tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ,  khi bất ngờ tiến hành kiểm tra đột xuất một xe ôtô tải biển kiểm soát 29H-787.77 khi xe đang dừng đỗ trước số nhà 7, đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm như vú heo, trứng non, lườn vịt, nội tạng động vật do nước ngoài sản xuất được bảo quản trong hàng trăm thùng carton đang có dấu hiệu bị hư hỏng, ẩm mốc. Bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt cùng hạn sử dụng rõ ràng.

Gần 5 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc chuẩn bị tuồn ra thị trường để tiêu thụ

Lái xe tải là Nguyễn Văn Minh, SN 1987, trú tại tỉnh Lào Cai, khai được chủ hàng là Nguyễn Văn Mạnh, trú tại tỉnh Hà Nam thuê vận chuyển lô hàng này từ Lào Cai về Hà Nội. Làm việc với cơ quan chức năng, Mạnh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc  xuất xứ số thực phẩm trên.

Qua khai thác nhanh, Mạnh khai nhận với lực lượng chức năng, số hàng này được Mạnh thu mua trôi nổi tại biên giới, với giá khoảng 100.000 đồng/kg, và chở từ Lào Cai về Hà Nội và đang chờ người đến lấy đi tiêu thụ thì bị phát hiện, thu giữ.

Theo trung tá Nguyễn Thành Trung - phó đội trưởng Đội 4, Phòng cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội, lợi dụng thời điểm sau Tết, nhu cầu ăn uống của người dân tăng cao, các đối tượng đã tìm cách đưa thực phẩm "kém chất lượng" vào thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng sẽ nhập hàng và di chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi cung đường. Nếu không kịp thời xử lý, số thực phẩm này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa vi phạm, đồng thời tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Buôn bán thực phẩm bẩn phải được coi là tội ác

Theo Trung tá Nguyễn Thành Trung - Phó Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, lợi dụng nhu cầu ăn uống của người dân tăng cao, các đối tượng đã tìm cách đưa thực phẩm kém chất lượng vào thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng sẽ nhập hàng và di chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi cung đường. Nếu không kịp thời xử lý, số thực phẩm này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn phải được coi là tội ác khi nó trực tiếp hủy hoại sức khỏe cộng đồng. Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh với thực phẩm bẩn để có được môi trường sống an toàn hơn.

Để đấu tranh với thực phẩm bẩn, chúng ta vẫn đánh vào nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Nguyên nhân đầu tiên, đó là lực lượng thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý hoạt động sản xuất buôn bán thực phẩm còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh càng khó để kiểm soát hết hoạt động kinh doanh thực phẩm diễn ra hằng ngày, từ nhà hàng, quán ăn đến chợ cóc chợ tạm. Việc xử lý, đấu tranh với thực phẩm bẩn ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Một nguyên nhân khác, người tiêu dùng hiện nay còn khá “dễ tính” khi lựa chọn sử dụng thực phẩm. Nhiều người không quá quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, các yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của thực phẩm mà mình sử dụng. Do đó, để đấu tranh với thực phẩm bẩn cần có sự chung tay của cả cộng đồng, cả cơ quan quản lý và từ phía người dân.

Về quy định pháp luật, pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài đối với người có hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn. Về xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã đặt ra mức xử phạt đối với cá nhân tổ chức có hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn có thể lên đến 100 triệu đồng.

Về quy định của Bộ luật Hình sự, người có hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn trong trường hợp được xác định là thực phẩm giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự.

Người phạm tội này có thể chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người có hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn có thể phạm vào tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top