Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 10 năm 2022 | 13:32

Phát hiện số lượng lớn thực phẩm nhập lậu đang được vận chuyển đi tiêu thụ

Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn về việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Ðội Quản lý thị trường số 6 chủ trì, phối hợp cùng Đội 3, Phòng PC03 Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 12C-087.13.

Tại thời điểm kiểm tra, xe ô tô biển kiểm soát 12C-087.13 đang dừng đỗ tại lề đường Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Khéo Khoác, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn do ông Nguyễn Xuân Nhượng, có địa chỉ tại Khối 10 phường Tam Thanh TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang điều kiển, vận chuyển 2 loại hàng hóa thuộc nhóm hàng thực phẩm.

Cụ thể gồm chân gà tẩm ướp gia vị đóng túi ăn liền, loại 32 gam/túi, số lượng 4.800 túi; chân vịt tẩm ướp gia vị đóng túi ăn liền, loại 31,8 gam/túi, số lượng 960 túi có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc được nhập khẩu hợp pháp và chưa được kiểm nghiệm y tế theo quy định; tổng trị giá số hàng hoá trên gần 29 triệu đồng.

Lô hàng nhập lậu bị quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra và phát hiện. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Qua xác minh làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan vụ việc, xác định bà Đỗ Thị Thoan, địa chỉ phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là chủ sở hữu của số hàng hoá nêu trên. Số hàng hóa này do bà Thoan mua trôi nổi trên thị trường với mục đích mang đi tiêu thụ kiếm lời.

Đội Quản lý thị trường số 6 đã lập Biên bản vi phạm hành chính, ban hành Quyết định xử phạt VPHC đối với bà Đỗ Thị Thoan với số tiền là 16 triệu đồng, buộc bà Đỗ Thị Thoan tiêu hủy toàn bộ hàng hóa thực phẩm không đủ điều kiện lưu thông ra thị trường nêu trên.

Thời gian tới Đội Quản lý thị trường số 6 sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn sử dụng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát hiện 91 kg nội tạng động vật đã bốc mùi

Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với Đội cảnh sát giao thông số 1 - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành dừng kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 19C-024.63 do ông Nguyễn Văn Việt là lái xe - chủ hàng hóa, hộ khẩu thường trú tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Tại buổi làm việc ông Nguyễn Văn Việt thừa nhận có mua số hàng hóa trên của một người đàn ông không biết tên, tuổi, địa chỉ  từ chợ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đem về tỉnh Yên Bái  bán lại cho các quán ăn ven đường và người dân, đến địa phận tại km 3+ 400, Quốc lộ 32C đường tránh thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì bị Tổ tuần tra của Đội Cảnh sát giao thông số 1 – Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra.

\

Lực lượng chức năng Phú Thọ đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số nội tạng vi phạm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thời điểm kiểm tra trên phương tiện ô tô BKS 19C-024.63 có vận chuyển số hàng hóa gồm nội tạng động vật lợn (lòng, gan, dạ dày…) có trọng lượng 91 kg, toàn bộ hàng hóa không có giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Qua kiểm tra thực tế, toàn bộ số hàng hóa gồm nội tạng động vật lợn (lòng, gan, dạ dày…) có trọng lượng 91 kg được đựng trong 2 thùng xốp đã bốc mùi hôi thối và biến dạng về màu sắc, không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

Đội Quản lý thị trường số 8 đã lập hồ sơ vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng về hành vi vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh. Đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ số nội tạng động vật (lòng, gan, dạ dày…) có tổng trọng lượng 91 kg.

Tàng trữ hơn 9 tấn nội tạng lợn không rõ nguồn gốc

Trước đó, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Biên Hòa phối hợp với Công an phường Tân Biên bất ngờ kiểm tra Công ty Trách nhiệm thực phẩm Thuận Phương do bà Nguyễn Thị Dung làm Giám đốc.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe tải 72M-9606 do Nguyễn Hữu Thọ điều khiển, chở khoảng 0,5 tấn lòng lợn đến giao hàng. Bên trong trụ sở doanh nghiệp, 10 công nhân đang thực hiện sơ chế hàng tấn nội tạng heo trên nền nhà, nước thải không được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, ba kho đông lạnh của công ty đang chứa khoảng 9 tấn nội tạng lợn.

Số nội tạng được chế biến trước khi đưa vào kho đông lạnh. Ảnh: TTXVN phát

Bước đầu, lái xe Nguyễn Hữu Thọ cho biết, số nội tạng lợn trên thu gom từ một số đối tượng không rõ địa chỉ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, rồi vận chuyển về bán lại kiếm lời.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Dung cho biết, toàn bộ sản phẩm nội tạng heo được mua lại từ lái xe Thọ, sau đó sơ chế bán lại cho người có nhu cầu.

Cơ quan chức năng xác định, toàn bộ số nội tạng đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y. Số nội tạng chứa trong ba kho đông lạnh để từ tháng 4 đến nay.

Buôn bán, tiêu thụ nội tạng bẩn có thể bị phạt tù đến 20 năm

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung - thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có ý kiến như sau:

Nước ta có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ về các hành vi vi phạm và chế tài xử lý các hành vi đó trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, Luật an toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như sau:

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung - thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Điều 5. Những hành vi bị cấm

1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.

2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

5. Sản xuất, kinh doanh:

a) Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

c) Thực phẩm bị biến chất;

d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép;

đ) Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;

e) Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;

g) Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;

h) Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy;

i) Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.

Như vậy, thực trạng thực phẩm "bẩn, không rõ nguồn gốc” đang tràn lan trên khắp mọi miền đất nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi buôn bán, tiêu thụ nội tạng bẩn là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Nếu tổ chức hay cá nhân thực hiện hành vi đó thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

I. Xử lý hình sự:

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi buôn bán, tiêu thụ nội tạng bẩn sẽ bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

đ) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

đ) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù lên đến 20 năm hoặc bị phạt tiền lên đến 500.000.000 đồng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

II. Xử lý hành chính:

Nếu tính chất, mức độ của hành vi Buôn bán, tiêu thụ nội tạng bẩn gây ra chưa đủ để xử lý hình sự thì cá nhân hay tổ chức sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm như sau:

Điều 4. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm

1. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;

b) Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

c) Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.”

Điều 3. Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định này.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; các khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6 Điều 26 Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”

Như vậy, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều 4 trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại Điều 2 Nghị định 115/2018/NĐ-CP như: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01 tháng đến 06 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng,... Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 2 Nghị định 115/2018/NĐ-CP như: Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm;...

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top