Sau khi kết thúc năm học là thời điểm nhiều gia đình tổ chức những chuyến đi cắm trại, dã ngoại ngoài trời, nhiều hoạt động tập thể được diễn ra trong đó có tổ chức ăn những đồ nướng ngoài trời và những thức ăn khác. Đây là một trong những nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm nếu như chúng ta không biết cách phòng chống.
Ngộ độc thực phẩm từ những chuyến đi dã ngoại, thức ăn ngoài đường
Chiều 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Các món ăn vặt lề đường thường rất dễ có nhiều tác nhân gây độc
Sau khi ăn trưa gồm: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô và trở về đến trường, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng.
Sau chuyến tham quan, có 56 em có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Trong số các em đau bụng, có 41 học sinh được đưa đi khám sàng lọc tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Xây dựng. Số học sinh còn lại được theo dõi tại phòng y tế của trường.
Nguyên nhân ban đầu của vụ việc ngộ độc tập thể của học sinh Trường tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân) phải vào viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng, nhiễm vào thịt gà trong suất ăn của các học sinh.
Ngộ độc thực phẩm không chỉ diễn ra trong các bữa ăn tập thể tại các nhà trường hay các đơn vị có tổ chức bếp ăn tập thể, ngộ độc thực phẩm còn xảy ra ở những chuyến đi dã ngoại làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Vụ ngộ độc của trường Tiểu học Kim Giang chỉ là một ví dụ rất nhỏ về ngộ độc từ chuyến đi dã ngoài đã xảy ra, ngoài ra còn có những vụ ngộ độc do người tiêu dùng mua thức ăn bên ngoài không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng dẫn đến ngộ độc.
Các loại thực phẩm cần được nướng - đun chín kỹ trước khi ăn.
Những chuyến đi dã ngoại thường được các gia đình tổ chức cắm trại và ăn uống bên ngoài, thực phẩm sử dụng cho những cuộc dã ngoại này thường là những món nướng hoặc đồ ăn sẵn được chế biến từ trước để mang theo. Tuy nhiên dụng cụ để bảo quản thực phẩm đều không đảm bảo để bảo quản thực phẩm trong thời gian dài, nên rất dễ gây ra những phản ứng khi nhiệt độ tăng cao, vì thế tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.
Theo TS.BS. Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong mùa hè khi thời tiết nắng nóng do đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển mạnh.
Đặc biệt, khi ăn uống ngoài trời hoặc các buổi picnic, cắm trại dễ có nguy cơ ngộ độc hơn do các điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn. Bên cạnh đó các phương tiện vệ sinh và rửa tay không đầy đủ và không phải lúc nào cũng có sẵn nước sạch, thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn từ côn trùng, động vật gây hại, động vật và bụi.
Để bảo đam an toàn cho những chuyến đi dã ngoại và những thức ăn bên ngoài cần phải có biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Cách bảo đảm an toàn thực phẩm cho những bữa ăn ngoài trời
Nếu bạn tổ chức các bữa ăn ngoài trời hoặc các buổi dã ngoại, hãy lưu ý một số phương pháp thiết thực để giữ thực phẩm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm được khuyến cáo dưới đây.
Các món chế biến sẵn trong thời gian dài rất dễ gây ngộ độc.
Khâu chuẩn bị thực phẩm
- Chọn thực phẩm tươi mới, đảm bảo an toàn. Tốt nhất là nên mua thực phẩm tươi sống mới được chế biến trong ngày.
- Bảo quản bất kỳ loại thịt sống nào luôn phải tách biệt với các thực phẩm khác. Luôn bảo quản thịt sống và thịt gia cầm riêng biệt với đồ nấu chín và bên dưới thực phẩm khác để nước thịt sống không làm nhiễm bẩn thực phẩm khác.
- Trước khi đi nên sơ chế trước tất cả các loại thịt và salad để giảm bớt thao tác xử lý thực phẩm ở ngoài trời.
- Hãy chắc chắn rằng tất cả các thực phẩm đã nấu chín đều được làm nguội hoàn toàn trước khi cho vào ngăn mát để mang theo.
- Chia thức ăn thành các phần vừa ăn và đóng gói theo thời điểm dự định ăn để có thể lấy được thứ mình cần một cách nhanh chóng.
- Nên bảo quản thịt trong nhiệt độ tiêu chuẩn nhiều nhất có thể. Khi di chuyển có thể dùng thùng đá giữ mát. Khi tới nơi dự định cắm trại hoặc dã ngoại, tốt nhất là tìm được chỗ có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm.
Đảm bảo an toàn thực phẩm khi chế biến
- Luôn chú ý nấu thức ăn ở nhiệt độ ít nhất là 75°C. Nên trang bị nhiệt kế thực phẩm để kiểm tra nhiệt độ cuối cùng. Sử dụng nhiệt kế là cách tốt nhất để đảm bảo thịt được nấu chín đúng cách. Nếu không có nhiệt kế, bạn nên nấu thịt gia cầm cho đến khi thịt có màu trắng, không nên ăn khi thịt còn màu hồng.
- Sử dụng đĩa sạch cho tất cả các loại thịt đã nấu chín. Tuyệt đối không sử dụng lại đĩa hoặc hộp đựng thịt sống. Không sử dụng cùng một thiết bị dùng để nấu thức ăn sống (chẳng hạn như kẹp hoặc nĩa) để xử lý thức ăn đã nấu chín.
- Chỉ mang salad, pate, nước chấm và các món dễ hỏng khác ra ngoài khi cần và cho vào thùng lạnh khi bữa ăn đã kết thúc.
- Đậy thức ăn để tránh tiếp xúc với chim, côn trùng và động vật. Khi thực phẩm đã để ra ngoài ở nhiệt độ thường sau hơn 4 giờ thì không nên sử dụng nữa.
- Luôn đun sôi nước uống trước khi sử dụng hoặc dùng nước đóng chai tiệt trùng.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người nhất là sức khỏe của trẻ em trong những ngày hè này rất quan trọng, các gia đình cần chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm để có những chuyến đi da ngoại thật vui tươi, bổ ích cho các cháu sau một năm học là điều không thể không quan tâm của những người làm cha, làm mẹ.