Vụ ngộ độc xảy ra ngày 9/5 ở xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), nguyên nhân từ món sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thức ăn qua thực phẩm trong mùa hè, cần nắm chắc cách phòng ngừa ngộ độc trong mùa nóng đang đến gần.
Hơn 70 trẻ mầm non nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm
Trước đó, vào chiều 9/5, tại Trường Mầm non xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, sau khi trẻ ăn nhẹ bữa chiều, hơn 70 cháu từ 3-5 tuổi có triệu chứng nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Các trẻ nhập viện đều có chung triệu chứng nôn mửa, đang được bù nước điện giải, không có trường hợp chuyển biến xấu.
Cấp cứu cho trẻ mầm non bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Chi cục ATVSTP Nghệ An
Sau đó, các cháu được giáo viên chuyển đến Trạm Y tế xã Thuận Sơn để chăm sóc, điều trị; trên 50 trẻ được phụ huynh đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương thăm khám, điều trị do nhiều cháu bị ngộ độc.
Theo cơ quan chức năng huyện Đô Lương, các cháu đều bị ngộ độc nhẹ, không có trường hợp nào nguy kịch. Đến sáng 10/5, đa số trẻ sẽ làm thủ tục ra viện về nhà theo dõi sức khỏe. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân ngộ độc là do trẻ ăn sữa chua vào lúc 15 giờ. Nhận định này có cơ sở khi có nhiều trẻ 2 tuổi ở trường không ăn và không xuất hiện triệu chứng của ngộ độc.
Báo cáo điều tra của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết: 76 trường hợp ngộ độc ngày 09/5 ở xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương đều là các cháu mẫu giáo ăn món sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều. Các cháu nhà trẻ trong bữa ăn giữa chiều không ăn món sữa chua và không ghi nhận có triệu chứng bất thường. Trước đó, các cháu (nhà trẻ và mẫu giáo) đều ăn bữa ăn trưa tại trường và không ghi nhận có triệu chứng bất thường.
Lưu mẫu thực phẩm sữa chua của Trường Mầm non Thuận Sơn. Ảnh: Chi cục ATVSTPNA
Về quá trình chế biến món sữa chua của nhà trường: Sữa chua được các cô nuôi tự chế biến (nguyên liệu làm sữa chua sử dụng sữa đặc, sữa chua và nước giếng khoan qua lọc) ủ từ 17 giờ ngày 08/5/2023, đến 15 giờ 30 phút ngày 09/5/2023 đem ra để cho các cháu ăn. Trong quá trình chế biến, sữa chua được ủ và bảo quản ở nhiệt độ thường, không bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh.
Kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thực tế tại Trường Mầm non Thuận Sơn cho thấy: Ở thời điểm điều tra, cơ sở cơ bản chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm như nơi chế biến sạch sẽ, đảm bảo tách biệt giữa các khu vực; thu gom rác thải hàng ngày, thùng rác có nắp đậy kín; có trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm đầy đủ, đảm bảo tách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; nhân viên chế biến không mắc các bệnh truyền nhiễm.
Một số tồn tại của nhà trường tại thời điểm điều tra là: Thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm còn một vài bước chưa đúng quy định; chế biến, bảo quản sữa chua tự ủ chưa đảm bảo.
Hiện nay, đã bắt đầu vào mùa hè, theo các chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết nhiệt độ của mùa hè năm nay sẽ cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm do ảnh hưởng của hiện tượng El nino. Nhiệt độ cao là môi trường để cho các vi khuẩn phát triển trên thực phẩm tươi sống và chế biến, nguy cơ xảy ra ngộ độc là rất cao. Do đó việc bảo quản thực phẩm và phòng ngừa không để xảy ra ngộ độc là rất quan trọng
Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng, nóng
Giữ vệ sinh
Giữ vệ sinh bằng cách rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi chế biến và sau khi xử lý thực phẩm. Nên rửa sạch thực phẩm và rau quả bằng nước sạch, có thể ngâm nước muối để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Bảo quản thực phẩm thô riêng biệt, đúng cách
Thực phẩm thô là thực phẩm tươi sống không qua chế biến như nướng, salat…loại thực phẩm này thường dễ bị nhiễm bẩn, trường hợp ô nhiễm chéo cũng có thể xảy ra nếu thịt sống, hải sản và gia cầm …không được bảo quản đúng cách. Vì vậy cần bọc cẩn thận thực phẩm, đặt và phân biệt chúng trong một ngăn riêng biệt để bảo quản.
Giữ vệ sinh khi chế biến thực phẩm (ảnh minh họa)
Nấu chín kỹ thức ăn
Nấu chín thức ăn là cách khử độc tố trong thực phẩm, luôn ăn chín, uống sôi để giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, nhất là trong mùa nóng.
Giữ lạnh và giã đông đúng cách
Làm tan thực phẩm đông lạnh kỹ lưỡng. Không rã đông thực phẩm nhiều lần, nhất là khi đi du lịch mùa hè. Cần chọn một dụng cụ làm mát cách nhiệt chứa đầy đá để bảo quản đồ ăn; Nên tránh ánh nắng trực tiếp và dùng hộp đựng thức ăn và đồ uống riêng biệt.
Ăn ngay thức ăn vừa được nấu chín
Ăn thức ăn sau nấu chín trong vòng 2 giờ đầu vì điều kiện chế biến, bảo quản không tốt, thời tiết nóng ẩm sẽ làm thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật và vi khuẩn sẽ phát triển rất nhanh theo thời gian, có thể sinh ra độc tố nên nguy cơ gây nên ngộ độc thực phẩm là rất lớn.
Lựa chọn thực phẩm tươi sạch an toàn
Nên lựa chọn thịt có màu hơi hồng (thịt heo) hoặc đỏ tươi (thịt bò), thớ thịt săn chắc không có mùi lạ. Chọn cá tươi có mang đỏ hồng, thịt cá săn chắc không vỡ bụng, không có mùi hôi.
Không sử dụng rau lạ, rau bị dập nát, úng. Ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Không sử dụng rau, củ dập nát, gãy vụn, sùng, hôi thối mốc meo hoặc bị sâu bọ xâm nhập.
Đối với sản phẩm thực phẩm có bao gói, người tiêu dùng cần có thói quen xem kỹ nhãn mác. Các thông tin trên nhãn sản phẩm cần lưu ý bao gồm tên và địa chỉ thương nhân, thành phần nguyên liệu, phụ gia, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất…
Tránh mua sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được che đậy hay bao gói hợp vệ sinh, sản phẩm có màu sắc lòe loẹt, dòn dai bất thường, sử dụng giấy báo, giấy có chữ viết, mực in để bao gói thực phẩm,… vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính, mãn tính trên nhóm thực phẩm này là rất cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để một mùa hè không còn những vụ việc ngộ độc xảy ra đối với mọi người, mọi gia đình và đặc biệt là đối với các học sinh đang ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục, cần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra bằng các nguyên tắc trên