Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 11 năm 2023 | 12:29

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”: Thúc đẩy thi đua sản xuất (Bài 2): Phát triển kinh tế VAC

Xác định kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) là chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn ở địa phương, huyện A Lưới và Nam Đông đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết và chú trọng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn chuyển đổi số.

>> Bài 1: Thi đua sản xuất trong mỗi gia đình, mỗi người dân

Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Thực hiện giảm nghèo bền vững, chủ trương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nghiên cứu các mô hình hay, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm qua, huyện Nam Đông thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại cây chủ lực như: Cam và cây ăn quả có múi, chuối, dứa liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; người dân đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất quy mô lớn theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp tỉnh, huyện Nam Đông đã xây dựng 10 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mỗi mô hình thực hiện với kinh phí đầu từ 1 đến 2 tỷ đồng, mỗi hộ dân thực hiện được nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng.

Mô hình trồng dưa lê trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Lê Lơi ở xã Hương Xuân, huyện Nam Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T. Thành

Mô hình trồng dưa lê trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Lê Lơi ở xã Hương Xuân, huyện Nam Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T. Thành

Trong đó, tiêu biểu phải kể đến như mô hình trồng dưa lê kim hoàng hậu trong nhà màng của hộ gia đình ông Lê Lơi ở xã Hương Xuân, huyện Nam Đông. Từ nguồn vốn hỗ trợ 500 triệu đồng, gia đình ông Lơi đã bỏ thêm 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trên diện tích đất hơn 1.000 mét vuông. Mô hình nhà màng được ông Lơi thiết kế, xây dựng bài bản, xung quanh bao bọc bằng lưới chống côn trùng, bên trong có hệ thống thông gió, điện chiếu sáng, phun tưới tự động… Theo ông Lơi, mỗi năm cho thu hoạch 4 vụ dưa và mỗi vụ mang lại thu nhập cho gia đình ông gần 100 triệu đồng.  Với 2 nhân công thường xuyên tại vườn, ngoài việc trồng dưa lê gia đình ông Lơi còn phát triển thêm hơn 2 ha cây ăn quả, hứa hẹn sẽ mang thu nhập cao trong những năm tới.

“Mô hình dưa lê trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao khắc phục được điều kiện khí hậu thời tiết thất thường ở khu vực miền núi Nam Đông, chống lại nguồn sâu bệnh từ các sinh vật gây ra. Đặc biệt, sản phẩm đạt chất lượng, an toàn với người sử dụng. Dưa lê kim hoàng hậu trồng trong nhà màng ăn giòn, thơm ngon, ngọt mát phù hợp với khẩu vị của người Huế nên được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Lơi vui vẻ cho biết.

Mô hình trồng cây ăn quả trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được huyện Nam Đông và A Lưới quan tâm triển khai và đang mang lại thu nhập cao cho người dân. Huyện A Lưới cũng đã phối hợp các xã triển khai thực hiện phát triển kinh tế vườn theo hướng vườn mẫu; mỗi năm địa phương này phát triển thêm 50 vườn mẫu, ngoài trồng các loại cây chủ lực của địa phương như chuối già lùn, ổi, bưởi da xanh… thì mô hình trồng hoa, rau hữu cơ cũng được địa phương quan tâm đầu tư.

Mô hình trồng dưa lê trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao mở ra triển vọng ở vùng gò đồi của huyện Nam Đông. Ảnh: T. Thành

Mô hình trồng dưa lê trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao mở ra triển vọng ở vùng gò đồi của huyện Nam Đông. Ảnh: T. Thành

Mô hình trồng hoa tuylip kết hợp trồng các loại rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới của gia đình bà Lê Thị Nga ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở địa phương, với thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Theo bà Nga, trước đây gia đình bà trồng rau, hoa ngoài trời mùa mưa lạnh cây khó phát triển, thường xuyên bị mất mùa. Từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia đình bà Nga đầu tư thêm 600 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động trên diện tích gần 2000m2 để trồng hoa tuylip và rau hữu cơ các loại. Ngoài phục vụ rau và hoa tết ở địa phương, bà Nga còn cung ứng hoa tuylip ra thị trường các tỉnh lận cận.

Ông Trần Công Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đông cho hay, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến nay toàn huyện Nam Đông đã có 16 hộ sản xuất theo mô hình trồng dưa lê, nhiều loại cây ăn quả khác trong nhà lưới, nhà màng trên diện tích 13.500 m2. Các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa lưới nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, tạo sản phẩm mới phục vụ nhu cầu tiêu dùng, đồng thời làm tiền đề nhân rộng sản xuất ông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái ở địa phương. Huyện Nam Đông đang tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo định hướng của địa phương. 

Sản xuất theo chuỗi liên kết gắn chuyển đổi số

Theo anh Hồ Văn Phúc, thôn A Đâng, xã Hồng Thái, trước đây, cứ đến mỗi dịp Tết gia đình anh tiến hành thu hoạch đồng loạt cá nuôi, thương lái tìm đến tận nơi để mua cá, do cá được bán tại chỗ nhiều khi bị thương lái ép giá nên lời lãi không cao. Những năm gần, gia đình anh Phúc đã sử dụng khoa học công nghệ bằng việc bán lẻ theo nhu cầu qua điện thoại di động và trên mạng xã hội facebook, zalo.

“Mình báo giá hàng ngày trên facebook, zalo, hay là khách liên hệ qua điện thoại để nhận báo giá, sau khi đồng ý khách có thể tới tận hồ bắt cá hoặc là mình shíp (giao hàng- PV) tận nơi. Có nhiều đơn đặt hàng cả yến cá từ các xã A Roàng, Hương Lâm, A Ngo, thị trấn A Lưới… mình cũng không còn phụ thuộc vào thương lái nữa", anh Phúc cho hay.

Mô hình trồng hoa tuylip kết hợp trồng rau hữu cơ trong nhà lưới của gia đình Lê Thị Nga tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới. Ảnh: T. Thành

Mô hình trồng hoa tuylip kết hợp trồng rau hữu cơ trong nhà lưới của gia đình bà Lê Thị Nga tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới. Ảnh: T. Thành

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021- 2025, huyện Nam Đông đang phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô tập trung gắn với bảo quản, chế biến; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, huyện Nam Đông có khoảng 47,8 ha cam và cây ăn quả có múi, hơn 10 ha cây chuối, dứa và các loại cây trồng khác trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn huyện Nam Đông có 5 hộ trồng cam và cây ăn quả có múi đạt quy mô trang trại nhỏ.

Nhờ triển khai theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nên các sản phẩm cam, chuối và dứa Nam Đông luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập. Trong đó, cam Nam Đông đạt sản phẩm OCOP 3 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận "Nhãn hiệu tập thể cam Nam Đông".

Cùng với đó, Nam Đông đang mở rộng diện tích cam và cây ăn quả có múi lên 500 - 550 ha, 230 - 250 ha chuối, 250 - 300 ha dứa... Sản xuất theo quy trình VietGAP,  quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm nên chất lượng vượt trội; huyện Nam Đông cũng đang rà soát các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, mang đặc trưng địa phương để ưu tiên hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ.

 

Huyện A Lưới và Nam Đông cũng đang đẩy mạnh kinh tế VAC kết hợp với du lịch cộng đồng. Ảnh: T. Thành

Huyện A Lưới và Nam Đông đang đẩy mạnh kinh tế VAC kết hợp với du lịch cộng đồng. Ảnh: T. Thành

Cùng với việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao giá trị, huyện A Lưới đang đồng thời thực hiện phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, gia trại áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ đảm bảo môi trường, phát triển nuôi cá lồng khu vực lòng hồ thủy điện kết hợp với du lịch cộng đồng. Và đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn ở A Lưới đã được công nhận là OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao như: Sản phẩm “Vải Dèng A Lưới”, “Chuối Già lùn A Lưới”, “Thịt bò vàng A Lưới” hay sản phẩm “Du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr”.

Cùng với đó, A Lưới cũng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết hàng hóa bằng việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết bao tiêu, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo quy mô hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay nông thôn mới toàn huyện đạt bình quân 15,5 tiêu chí; trong đó có 3 xã Hương Xuân, Hương Lộc và Hương Phú đạt nông thôn mới nâng cao và 3 thôn ở xã Hương Lộc và Hương Phú được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chia sẽ về việc thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” ở địa phương. Ảnh: T. Thành

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chia sẽ về việc thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” ở địa phương. Ảnh: T. Thành

Huyện Nam Đông cũng đã tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và làm vườn tại các xã để vận động người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển kinh tế hợp tác đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cũng theo ông Lê Thanh Hồ, để ngành nông nghiệp địa phương phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, cần có sự chung tay, chung sức của “5 nhà” là Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và ngân hàng. Mỗi nhà cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của mình, phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với 4 nhà còn lại để tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, kết nối cung cầu nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, người nông dân cũng cần tự định hình sản phẩm của mình theo hướng chất lượng, cải tiến mẫu mã. Trên cơ sở đó, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác làm “đầu tàu” liên kết với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm nông nghiệp địa phương đi xa hơn.

 

Bài 3: Thay đổi nếp nghĩ - cách làm

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top