Tỉnh Phú Yên sẽ tổng à soát và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Toàn tỉnh Phú Yên hiện có khoảng 1.930 tàu cá, trong đó 658 tàu có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác hải sản xa bờ. Đến nay, đã có 654 tàu cá từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn lại 4 tàu chưa lắp đặt vì bị hư hỏng, đang nằm bờ.
Thời gian qua công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều nỗ lực khi từ năm 2019 đến nay, tỉnh này không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên tồn tại, hạn chế hiện nay khi một số địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép).
Theo đó, qua rà soát tại thị xã Sông Cầu có 641 tàu cá “3 không”. Mặt khác, thị xã Sông Cầu còn để xảy ra tình trạng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định mà cập các bến cá truyền thống để bốc dỡ thủy sản trái quy định. Ngoài ra, thị xã Sông Cầu cũng chưa xử lý triệt để các trường hợp mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện đúng quy định ra vào cảng cá chỉ định.
Phú Yên đang rà soát và xử lý nghiêm tàu cá "3 không". Hình minh họa
Tương tự tại huyện Tuy An cũng có 267 tàu cá “3 không” và các tàu cá từ 15m trở lên vẫn có tình trạng không cập cảng cá chỉ định mà thường cập bến cá truyền thống ở xã An Ninh Đông để bốc dỡ thủy. Mặt khác, từ năm 2023 đến nay, tại huyện này có 38 lượt tàu cá mất kết nối VMS trên biển và nhiều lượt tàu không thực hiện đúng quy định về xuất, nhập cảng cá chỉ định.
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Phú Yên cho biết, đã đề nghị các địa phương ven biển khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khai thác IUU và phải hoàn thành trước tháng 4/2024. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường cần cử cán bộ phối hợp với Văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá để kịp thời lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp vi phạm hoặc chuyển cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt theo quy định.
Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, trong năm qua, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 6 cuộc thanh tra chuyên ngành thủy sản trên biển. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 16 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; 162 tàu cá mất kết nối VMS trên biển, trong đó có 7 tàu cá mất kết nối trên 10 ngày.
Các cơ quan chức năng đã xử phạt 65 trường hợp hơn 900 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu như không duy trì hoạt động của thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển; không đăng ký tàu cá theo quy định; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không thông báo các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi vào cảng…
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, đã chỉ đạo các xã, phường có tàu cá tiếp tục phối hợp với các đồn, trạm kiểm soát biên phòng kiểm tra, nhất là bến cá Xuân Cảnh và điểm lên cá Xuân Hải.
Bên cạnh đó, UBND thị xã cũng đã chỉ đạo phòng Kinh tế, các địa phương có tàu cá tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm, triệt để những trường hợp vi phạm trong khai thác IUU, nhất là tàu cá 3 không; tàu cá không thực hiện đúng quy định ra vào cảng cá chỉ định và các hành vi vi phạm về thiết bị VMS.
Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý tàu cá. Nếu để phát sinh tàu cá không rõ nguồn gốc hoặc đóng mới mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng, cũng như còn tàu cá “3 không” thì người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm.
Song song đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, phân loại, đánh giá cụ thể, công khai danh sách các tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể cho chủ tàu cá hoàn tất các hồ sơ, giấy tờ liên quan để thực hiện đăng kiểm, đăng ký theo quy định và sẽ hoàn thành trong tháng 3/2024.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các sở, ngành, địa phương ven biển tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong công tác IUU. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.