Vật tư nông nghiệp trong ngành trồng trọt có nhiều loại sản phẩm để phục vụ cho sản xuất, trong đó có 3 loại sản phẩm chính gồm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, trong quá trình trồng trọt không thể không có 3 loại sản phẩm này.
Do đó, nếu không quản lý tốt hoạt động kinh doanh sẽ là cơ hội cho thuốc trừ sâu, phân bón chất lượng thấp, hàng giả len lỏi bày bán trên thị trường, làm ảnh hưởng rất lớn đến người làm vườn.
Tràn lan nạn kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng
Nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn, vì thế không khó để đi tìm những đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở các địa phương.
Chính vì có nhu cầu lớn về những loại sản phẩm này, nên có rất nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp đã bất chấp các quy định của pháp luật, của các nhà sản xuất, đưa vào những sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng, vật tư giả để đáng lừa người tiêu dùng bán kiếm lời.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một đại lý.
Mới đây tại tỉnh Tây Ninh các lực lượng chức năng đã phát hiện và phạt nhiều đại lý bán hàng gian dối cho nông dân, thu lời bất chính. Cụ thể: Tại đại lý vật tư nông nghiệp Hữu Nghị, ở ấp Xóm Khách, xã Long Giang, huyện Bến Cầu phát hiện có hành vi "Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả về giá trị sử dụng, công dụng". Sản phẩm vi phạm là 30 chai thuốc trừ sâu DUGAMITE 27.5 EC Bò tót đỏ có ngày sản xuất 11/12.2021 và hạn sử dụng 02 năm của Công ty TNHH PTNN VINAGRI. Với hành vi trên cửa hàng Hữu Nghị bị phạt 8 triệu đồng, buộc nộp lại 480 nghìn đồng số tiền thu bất chính, buộc thu hồi tiêu hủy lô hàng vi phạm.
Tại Công ty TNHH MTV Thiện Thanh Vinh, ở ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cũng bị phát hiện hành vi "Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng" (kém chất lượng). Sản phẩm vi phạm là 80 chai Thuốc trừ cỏ Acvipas 50 EC có ngày sản xuất 1/10/2022, hạn sử dụng 2 năm của Công ty CP BMC Việt Nam. Với vi phạm trên Công ty Thiện Thanh Vinh bị phạt 1,5 triệu đồng.
Đặc biệt, tại cơ sở Nguyễn Văn Hồng, KP 4, đường 781, thị trấn Dương Minh Châu cũng có hành vi Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đối với 400 gói sản phẩm Thuốc trừ cỏ Glyphosan 757SG có ngày sản xuất 1/4/2021, hạn sử dụng 2 năm; 25 chai thuốc trừ cỏ Paride 276SL có ngày sản xuất 27/10/2021, hạn sử dụng 2 năm của Công ty cổ phần BVTV Kiên Giang. Với hành vi vi phạm trên cơ sở Nguyễn Văn Hồng bị phạt 7,5 triệu đồng.
Trước đó, lực lượng chức năng kiểm tra Đại lý vật tư nông nghiệp Nguyễn Thị Châu Pha ở số 203A, đường Nguyễn Lương Bằng, ấp Trường Đức, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, Tây Ninh do bà Nguyễn Thị Châu Pha làm chủ.
Tại đây, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu phân bón đi phân tích chất lượng. Kết quả phân tích cho thấy, đại lý vật tư nông nghiệp Nguyễn Thị Châu Pha đã có hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng.
Kiểm tra tại đại lý vật tư nông nghiệp Nguyễn Phúc Thành có địa chỉ tại ấp Tân Dũng, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, Tây Ninh do ông Nguyễn Phúc Thành làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện có hành vi buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (phân bón kém chất lượng) với tổng giá trị hàng hóa là 22 triệu đồng.
Thiệt hại cho người nông dân
Việc người nông dân mua các loại vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón kém chất lượng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, hậu quả năng suất của các sản phẩm nông sản không cao, chất lượng nông sản kém, thậm chí không những không diệt được tận gốc các loại côn trùng phá hoại mà trở thành dịch lây lan.
Phân bón giả làm đất đai trở nên chai cứng, tác động xấu đến môi trường sống của cây trồng.
Chị Nguyễn Thị Toan ở Tàm Xá (Đông Anh) cho biết: Nông dân trồng quất cảnh chúng tôi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, nếu dùng phân bón giả sẽ làm cho cả ruộng quất không phát triển được, cây sẽ không ra hoa, đậu quả theo như mong muốn. Bên cạnh đó cây ra hoa, đậu quả đúng thời vụ nhưng bị sâu bệnh mà dùng thuốc bảo vệ thực vật giả không những không diệt được côn trùng mà còn lây lan sang các ruộng khác. Thiệt hại về kinh tế rất lớn cho những người nông dân chúng tôi.
Còn theo chị Nguyễn Thị Tố Như ở Đông Hội thì chia sẻ, nhà có mấy sào ruộng trồng lúa, hàng năm cứ đến mùa gieo cấy điều làm cho chị lo lắng nhất là giống lúa. “Mình làm nông nghiệp, đến vụ gieo trồng phải đi mua giống lúa ở các đại lý kinh doanh. Nếu mua đại lý nào kinh doanh có đạo đức bán cho giống lúa tốt, chất lượng, năng suất cao thì coi như đã được mùa được 50%, còn nếu mua phải giống lúa không đảm bảo chất lượng thì coi như công sức gieo trồng bỏ đi cả”, chị Như nói.
Cũng theo chị Như, tiền để mua giống lúa cũng không phải là nhiều tuy nhiên nếu mua phải giống lúa kém chất lượng ngoài việc mất công chăm sóc ra còn dẫn đến năng suất lúa không cao, thậm chí không có để thu hoạch. Hay nếu như mua nhầm phải thuốc trừ sâu, phân bón giả, kém chất lượng thì cũng coi như năm đó mùa màng thất thu.
Nếu như phân bón đạt chuẩn chất lượng và được sử dụng đúng theo quy định sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp đất màu mỡ, cây trồng phát triển. Ngược lại, phân bón giả, phân bón kém chất lượng là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và năng suất cây trồng. Trên thực tế, cây trồng bị suy kiệt sức sống, dễ bị sâu bệnh tấn công, người nông dân mất thêm chi phí phòng và trừ sâu bệnh làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế…
Phân bón giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và môi trường tại nơi sản xuất. Trên thực tế, nhiều nhà máy sản xuất phân bón không đảm bảo quá trình xử lý môi trường, xả thải sang các khu vực lân cận dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước xung quanh, gây chết hàng loạt các loại động, thực vật.
Ngoài ra, việc sử dụng phân bón giả với số lượng lớn có thể tác động lên sự nóng lên toàn cầu. Phân bón chứa các chất như metan, carbon dioxide, ammoniac, nito làm tăng lượng khí nhà kính. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nito oxit là khí nhà kính quan trọng thứ ba sau carbon dioxide, metan, phá hủy tầng ozon bảo vệ trái đất khỏi các tia cực tím có hại của mặt trời.
Mỗi năm, có hàng triệu người nông dân phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua phân bón mà chính họ không thể xác định đó là phân bón giả hay thật. Hậu quả do nạn phân bón giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp. Vì thế, không thể buông lỏng trong quản lý Nhà nước đối với các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp này.
Kiểm soát chặt cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp
Để hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp theo đúng các quy định của pháp luật và để bà con nông dân không mua nhầm phải giống, thuốc trừ sâu, phân bón giả, kém chất lượng, các địa phương đã triển khai và ra quân quyết liệt để kiểm soát các cơ sở kinh doanh này.
Lực lượng chức năng thông qua lấy mẫu đã phát hiện nhiều sản phẩm phân bón giả kém chất lượng.
Tại Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh kiểm soát cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ nguồn “đầu vào” cho sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần quan trọng bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó lập danh sách được 13.747 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra, xếp loại 125 lượt cơ sở (trong đó có 1 cơ sở được xếp loại A, 116 cơ sở xếp loại B, 5 cơ sở xếp loại C, 3 cơ sở không đánh giá do không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đúng địa điểm, không thuộc đối tượng quản lý); cấp 116 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nhiều, hình thức nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng.
Theo Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương thanh, kiểm tra chất cấm, kháng sinh, thuốc thú y, thức ăn trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, các đơn vị kiểm tra 94 cơ sở và phát hiện 2 cơ sở vi phạm, phạt hành chính số tiền gần 40 triệu đồng về hành vi bán thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.
Trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), toàn tỉnh Hưng Yên có hàng nghìn cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp và có hàng trăm cửa hàng “di động” khi vào vụ sản xuất. Theo quy định về điều kiện kinh doanh thuốc BVTV đối với các cửa hàng, đại lý phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan chức năng cấp, được tập huấn kiến thức về thuốc BVTV, có kho chứa, cửa hàng thuốc BVTV riêng biệt.
Tuy nhiên, thực tế nhiều cửa hàng bán thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện các điều kiện về kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV, không ít cửa hàng chưa được cấp phép, thiếu trình độ chuyên môn, điều kiện bảo quản thuốc không bảo đảm… Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong tỉnh, qua kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính hàng chục cơ sở vi phạm. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra đã góp phần hạn chế việc buôn bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đúng quy định, từng bước ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, hàng giả thâm nhập thị trường.
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ tính riêng lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở sản xuất, hơn 880 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh khoảng 85.000 ha, nhu cầu sẽ sử dụng khoảng 100 tấn thuốc bảo vệ thực vật và 70.000 tấn phân bón các loại.
Từ đấu năm đến nay Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh đã kiểm tra 173 cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, tiến hành kiểm tra hơn 100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản... ; thực hiện công tác hậu kiểm tại 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và lấy 32 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo hồ sơ tự công bố an toàn thực phẩm của cơ sở. Qua kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 17 vụ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 100 triệu đồng.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra theo định kỳ, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Cũng cần hướng dẫn người dân mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Khuyến cáo nông dân sau khi mua sắm vật tư nông nghiệp cần giữ lại bao bì, ghi chép nhật ký sử dụng, khi phát hiện có dấu hiệu hàng giả, kém chất lượng cần báo cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Có quản lý chặt chẽ các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp thì người làm vườn nói chung, nông dân nói riêng sẽ không bị thiệt hại và ảnh hưởng đến kinh tế.
Điều 195 Bộ luật Hình sự quy định: Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... có thể bị phạt tiền thấp nhất 100 triệu đồng, cao nhất 1 tỷ đồng hoặc tùy theo tính chất, mức độ, giá trị hàng hóa vi phạm có thể bị phạt tù từ 1 - 20 năm. Pháp nhân vi phạm bị phạt thấp nhất 1 tỷ đồng, cao nhất 15 tỷ đồng; ngoài ra còn bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, ở mức nghiêm trọng không thể khắc phục hậu quả gây ra có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.