Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 11 năm 2022 | 9:4

Quản lý chặt nguồn gốc, chất lượng vật tư nông nghiệp

Hiện nay, không chỉ giá thành tăng cao mà chất lượng của vật tư nông nghiệp cũng có nhiều vấn đề gây lo lắng cho người sản xuất.

Do đó, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm soát vật tư nông nghiệp trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Giá phân bón vẫn tăng

Từ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, nhiều đại biểu đã kiến nghị Bộ sớm có giải pháp bình ổn một số mặt hàng vật tư nông nghiệp.

“Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua khiến nhiều người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bộ trưởng có những giải pháp như thế nào trong thời gian tới”, bà Chu Thị Hồng Thái, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Những người nông dân ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng đã tự mình tuần hoàn những phế phẩm trong nông nghiệp để thay thế phần nào thức ăn cũng như chế phẩm sinh học trong lĩnh vực phân, thuốc. Tôi nghĩ rằng đây là chỉ dấu, không chỉ là để chúng ta đối phó với tình huống lâu dài, nó cũng là giải pháp để chúng ta hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp của chúng ta”.

Và tính đến tháng 11/2022, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng, một loạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt ra thông báo tăng giá bán sản phẩm 120-400 đồng/kg, tùy loại. Và nguyên nhân tăng được các công ty đưa ra là do tình hình giá nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí sản xuất thức ăn liên tục tăng cao, kèm theo đó là tỉ giá USD tăng chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Nhật cũng điều chỉnh giá bán các loại thức ăn chăn nuôi từ ngày 16/11/2022. Cụ thể, sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm thịt; cám cá tăng 200 đồng/kg; sản phẩm đẻ tăng 150 đồng/kg. Phương thức áp dụng là điều chỉnh trên bảng giá và công ty nhận đặt cọc, giữ giá cho đợt tăng này. Công ty Việt Nhật cũng mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng.

Công ty TNHH Haid Hải Dương cũng quyết định điều chỉnh tăng giá cám gia súc gia cầm thịt, gia cầm đẻ 300 đồng/kg, áp dụng cho tất cả các sản phẩm từ ngày 7/11/2022. Ngoài ra, nhiều công ty cũng báo tăng giá các loại thức ăn chăn nuôi như: Công ty CP Tập đoàn KINPLUS; Công ty TNHH Thiên Thành HD; Công ty cổ phần Nam Việt…

Kiểm soát nguồn gốc

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), qua các giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế càng trân trọng hơn sự đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp. Bởi, Việt Nam ít bị ảnh hưởng là do ngoài các yếu tố điều hành linh hoạt, thích ứng của Chính phủ và các yếu tố khác thì không thể không nhìn nhận vai trò to lớn quyết định của ngành nông nghiệp trong ổn định kinh tế - xã hội. Tuy có vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng các biến đổi về kinh tế luôn làm ảnh hưởng đến ngành.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đó, chi phí đầu vào của ngành luôn biến động ở mức cao như phân bón, vật tư nông nghiệp, vật tư nuôi trồng thủy sản, thức ăn chăn nuôi. Trong khi nhu cầu về vật tư nông nghiệp ngày càng cao do phải xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối lập với các yếu tố đầu vào tăng cao, giá cả đầu ra luôn ở mức thấp do điều kiện kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Sự đối lập này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp.

Do hiệu quả sản xuất thấp, thậm chí là lỗ nên đời sống của người dân gắn với sản xuất nông nghiệp bấp bênh, gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đại biểu Hận kiến nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Qua đó tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cạnh tranh về giá, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm để từ đó tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lan (Hậu Giang) đánh giá cao trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong việc tham mưu cho Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu lĩnh vực nhằm tạo mọi điều kiện để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có giá trị sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần quan tâm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng mặt hàng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón trên thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đến việc ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu trong công tác này. Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn lậu, buôn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn và gây ra nhiều ảnh hướng nặng nề.

Do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm và có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là đối với phân bón, vật tư nông nghiệp.

 

DT
Ý kiến bạn đọc
Top