Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024 | 10:11

Quảng Nam: Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm quy định IUU

Tháng 4 tới, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam để kiểm tra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU). Nhưng, hiện nay, rất nhiều chủ tàu cá Quảng Nam vi phạm ngắt kết nối giám sát hành trình tàu cá trên biển.

Tồn tại nhiều vi phạm

Ông Nguyễn Công Chất (xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu cá kiêm thuyền trưởng tàu câu mực khơi QNa-91522 cho biết, khi xuất cảng để đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa được 3 ngày thì tàu cá đột nhiên mất kết nối giám sát hành trình (GSHT). Đến 5 ngày sau thì tàu được kết nối GSHT trở lại.

Tuy vậy, 5 ngày sau đó lại bị mất kết nối GSHT thêm lần nữa. Ông Chất thay vì vào bờ để sửa chữa, kết nối GSHT theo quy định thì vẫn tiếp tục thực hiện chuyến biển trong vòng gần 3 tháng.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác gỡ

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác gỡ "thẻ vàng" thủy sản của Quảng Nam.

“Tàu câu mực của tôi có 54 lao động. Nghề câu mực khơi kéo dài gần 3 tháng nên rất khó bỏ chuyến biển. Tôi sẽ sửa chữa GSHT để đảm bảo kết nối trong các chuyến biển tiếp theo” - ông Chất nói.

Ngư dân Huỳnh Quốc Việt (xã Tam Giang) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90749 trình bày, quá trình đánh bắt hải sản, do thời tiết xấu nên tín hiệu của máy GSHT chập chờn, sau đó máy hỏng và mất tín hiệu hoàn toàn.

“Chi phí chuyến biển quá lớn nên tàu không thể trở về đất liền ngay để khắc phục, kết nối lại GSHT cho chuyến biển theo quy định” - ông Việt nói.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, trước mắt, cập nhật 44 chủ tàu cá thường xuyên mất kết nối GSHT, tiếp tục cập nhật thêm các tàu cá khác để xử lý.

Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi hoạt động trên biển, máy GSHT có được kết nối hay không đều được cán bộ ngành thủy sản tỉnh và cán bộ của Trung tâm Thông tin thủy sản và dữ liệu giám sát tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) nắm rõ.

Ở Quảng Nam, các tàu câu mực khơi và lưới chụp thường xuyên vi phạm mất kết nối GSHT nhiều lần. Thực tế hiện nay, nhiều tàu cá Quảng Nam khai thác hải sản ở vùng khơi, khi đến gần ranh giới biển thì ngắt kết nối GSHT qua vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản.

Cần xử lý mạnh tay, đưa vào nề nếp

Tại buổi gặp mặt các chủ tàu cá vi phạm mất kết nối GSHT trình trên biển và có dấu hiệu vi phạm ranh giới vùng biển không được phép khai thác hải sản vừa qua, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, Luật Thủy sản 2017 đã quy định khi ở trên biển, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải kết nối GSHT.

Việc này đảm bảo quyền lợi cho chính ngư dân bởi qua GSHT, tàu cá của ngư dân nhận được cảnh báo về thời tiết cũng như được cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố. Đó là cách để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá trách nhiệm, phát triển bền vững.

“Tháng 4 tới, EC sẽ sang nước ta kiểm tra chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU), ngư dân cần tuân thủ quy định kết nối GSHT và các quy định khác để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản” - ông Ngô Tấn nói.

Có nhiều khó khăn trong xử lý chủ tàu cá ngắt kết nối GSHT. Đa số nhà cung cấp dịch vụ kết nối GSHT như VNPT, Viettel, Vishipel… bảo vệ khách hàng nên ngành thủy sản khó xác nhận nguyên nhân mất kết nối là do tự ý hay vô ý, do nguyên nhân bất khả kháng. Rất nhiều trường hợp chủ tàu “chấp nhận” mức phạt 20 - 30 triệu đồng do vô ý, bất khả kháng nên mất kết nối GSHT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, phải chấm dứt tình trạng tàu cá Quảng Nam đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Đề nghị Công an tỉnh, lực lượng biên phòng phối hợp điều tra, ngăn chặn, xử lý nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Quảng Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Yêu cầu Sở NN&PTNT xử lý nghiêm các tàu cá mất kết nối GSHT trên biển.

Về vấn đề này, ông Ngô Tấn cho biết, giao nhiệm vụ Chi cục Thủy sản Quảng Nam trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà mạng để xác minh rõ mất kết nối GSHT do nguyên nhân cố ý hay vô ý. Nếu xác định rõ ngư dân cố tình ngắt kết nối GSHT thì mức phạt sẽ rất lớn, lên đến 700 triệu đồng.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top