Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 11 năm 2023 | 15:12

Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Tại phiên họp sáng 22/11, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 6, theo đó điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội.

Việc chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của Quốc hội đối với ý kiến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng đối với dự án Luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Quyết định này của Quốc hội được cử tri, Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 22/11.

Định giá đất, thu hồi đất là những vấn đề hệ trọng

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội góp ý nhiều nhất và liên tục phải chỉnh sửa qua các lần dự thảo là Nhà nước thu hồi đất (các điều 79, 126 và 128).

Với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, Ban soạn thảo thiết kế hai phương án. Một, quy định các dự án này thuộc diện Nhà nước thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Hai, các dự án phải gắn tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đề xuất chọn phương án một, Chính phủ cho rằng việc đấu giá quyền sử dụng đất giúp việc giao đất, cho thuê đất minh bạch, tăng thu ngân sách. Việc đấu thầu giúp lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thực hiện dự án có tính lan tỏa, tạo động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường), đại biểu Phạm Văn Thịnh (Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang) chọn phương án một vì Nhà nước cần kiểm soát địa tô chênh lệch thông qua thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu. Việc này giúp Nhà nước có nguồn lực để đền bù; đồng thời tránh tình trạng mỗi người bị thu hồi đòi một giá khiến dự án đình trệ, kéo theo bất bình đẳng trong đền bù.

Ngược lại, ông Bế Minh Đức (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) và Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, nên áp dụng cơ chế tự thỏa thuận để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất và đạt được sự đồng thuận với chủ đầu tư. Phương án này cũng phù hợp với Nghị quyết 18 về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tránh tình trạng thu hồi đại trà làm lợi cho chủ đầu tư.

Phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159) cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Ban soạn thảo thiết kế hai phương án. Một là, quy định tại luật về nội dung phương pháp và giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng. Hai là, quy định ngay trong luật nội dung, trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi. Chính phủ đề xuất phương án một và đưa ra 4 phương pháp định giá đất là so sánh, thặng dư, thu nhập và hệ số điều chỉnh.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm (Điều 34), Ban soạn thảo thiết kế phương án một: các đơn vị này khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hàng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Phương án hai: cho phép bán, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6 đang diễn ra.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, khi thảo luận tại hội trường, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; 6/22 ý kiến nhận định cần sớm thông qua dự thảo luật nhưng phải bảo đảm chất lượng; 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự luật thấu đáo, cân nhắc cẩn trọng và đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng chất lượng của dự luật phải được đặt lên hàng đầu, “tránh trường hợp luật sau khi ban hành có bất cập sẽ gây nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân”. Ngoài ra, dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với luật, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất.

Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Tại phiên họp sáng 22/11, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 6, theo đó điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, do đây là dự án luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, vì vậy, sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội. Việc này để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trao đổi với báo chí, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quyết định chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi lần này của Quốc hội là cần thiết, bởi đến thời điểm này, Ban soạn thảo phải đưa ra phương án và phải bảo vệ bằng được phương án đã đề ra, chứ không phải đến bây giờ vẫn còn đưa ra hai phương án để lựa chọn.

Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, qua hai kỳ họp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, dự thảo luật từng bước được hoàn thiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa.

Tuy nhiên, ý kiến của các đại biểu về nhiều nội dung chính sách lớn còn khác nhau. Đồng thời chưa có điều kiện rà soát kỹ các nội dung cần có điều kiện chuyển tiếp, việc rà soát và hoàn thiện cần có thời gian, thận trọng và kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Nhiều nội dung vẫn còn các phương án khác nhau. Vì vậy, việc dời để thông qua vào kỳ họp gần nhất là hoàn toàn cần thiết, thể hiện sự thận trọng của Quốc hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân.

Trăn trở với những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, cho biết :  “Luật Đất đai sửa đổi là đạo luật rất quan trọng nên phải hết sức thận trọng”.

Có thể nói, sau nhiều năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai,  khiếu kiện của nhân dân chiếm tỷ lệ cao liên quan đến đất đai. 

Việc chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của Quốc hội đối với ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng và là quyết định hoàn toàn đúng đắn, một lần nữa cho thấy Quốc hội  thực sự là của Dân, do Dân và vì Dân.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top