Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV và thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh vấn đề bồi thường khi thu hồi đất, khung giá đất... Đây cũng là những vấn đề mà cử tri đóng góp nhiều nhất khi góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai trong thời gian qua.
Mạnh dạn phân cấp, phân quyền
Phát biểu thảo luận tại tổ với tư cách là đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng nên các đại biểu cần rà soát xem luật bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và góp phần tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn hay chưa?
Khẳng định, với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo chứng tỏ sự quan tâm của Nhân dân và rất nhiều việc cần giải quyết, ông mong Luật khi được Quốc hội ban hành góp phần quan trọng trong giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: VGP
Thủ tướng cho rằng, có việc hiện qua quy trình nhiều bước nên mất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội. “Phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới làm được. Việc này phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng thực thi của đơn vị được phân cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát có khi lại đi chệch hướng, không đi đúng mục tiêu”, đại biểu Phạm Minh Chính nói.
Khẳng định nhiều thủ tục hành chính vì quy định quá nhiều tầng nấc, ông Chính mong các đại biểu Quốc hội từ báo cáo thẩm tra và tờ trình của Chính phủ tiếp tục rà soát trên tinh thần cắt giảm.
Điều chỉnh chặt chẽ điều kiện chuyển nhượng đất nông nghiệp
Với việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Chính phủ đã có Báo cáo giải trình nhưng mới chỉ đề cập đến việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sau khi tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, chưa làm rõ được về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc cho phép chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng như dự thảo Luật dẫn đến tình trạng trên diện tích đất trồng lúa sẽ có nhiều đối tượng khác nhau có quyền sử dụng đất. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp thực sự lại đầu cơ đất, cản trở việc tích tụ, tập trung đất đai để đưa vào sản xuất, kinh doanh…
Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế.
Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, tránh tình trạng có thể bị lợi dụng để hợp thức hóa các sai phạm trong việc sử dụng đất; xem xét và làm rõ sự cần thiết, làm rõ đây chỉ là quy định giải quyết trường hợp cá biệt hay là quy định chung của Luật.
Đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra, thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, cần thể hiện chặt chẽ hơn để tránh tiêu cực, phòng ngừa việc lợi dụng để đầu cơ đất nông nghiệp.
Về đề xuất cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu, nữ đại biểu đề nghị quan tâm vấn đề kiểm soát và quá trình đánh giá.
“Họ đưa ra phương án phê duyệt như thế mà sau này không hiệu quả thì chế tài thế nào, có thu hồi không?”, bà Lan đặt vấn đề, đồng thời nhất trí nghiên cứu thí điểm trước khi áp dụng rộng hơn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn (Hà Nội) đánh giá, quy định cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu là phù hợp, đồng thời nên có thí điểm trước khi nhân rộng.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ đồng tình với cơ quan thẩm tra. Ông cho biết, tại báo cáo bổ sung đánh giá tác động chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, nếu mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể dẫn đến một bộ phận nông dân sẽ không có đất sản xuất (mất tư liệu sản xuất), làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và có nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là những lúc thiên tai, dịch bệnh.
Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để giảm thiểu những tác động.
Người dân chỉ quan tâm sau khi thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn
Phát biểu trong buổi thảo luận cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chừng nào thu hồi đất còn tư duy mua bán thì còn thất bại”.
Bộ trưởng lấy ví dụ người bị thu hồi đất được hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhưng có gia đình 2 vợ chồng gần 80 tuổi thì không thể chuyển đổi nghề được. Một trường hợp khác rất phổ biến là số tiền đền bù không đủ để người dân mua nhà tái định cư, hoặc nhà ở tái định cư không phù hợp với nếp sống văn hóa của một số cộng đồng dân tộc thiểu số...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chừng nào thu hồi đất còn tư duy mua bán thì còn thất bại”.
“Chúng ta làm tốt rồi chứ không phải không chăm lo cho người dân, nhưng tại sao người dân lại phản ứng lại để trở thành hiện tượng xã hội, xung đột giai tầng?”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề, cho biết nhiều lúc chính ông cũng thấy xót ruột thay bà con trong việc giải quyết đền bù thu hồi đất.
Bộ trưởng cho rằng: “Người dân chỉ quan tâm làm sao sau khi thu hồi đất cuộc sống của họ bằng hay tốt hơn. Chúng ta phải chuẩn bị như một kế hoạch, làm lại cho kỹ. Mất thời gian mà sau này đỡ khổ. Ban đền bù điều tra khảo sát, phân biệt từng trường hợp, lãnh đạo ngồi nghe, cho ý kiến rồi hãy bắt đầu đi vào áp đơn giá, định mức.
Đây không chỉ là thu hồi đất mà còn là phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xuôi cái này thì đầu tư công sẽ nhanh hơn rất nhiều”.
Ưu tiên bồi thường bằng tiền khi thu hồi đất
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Đặng Quốc Khánh, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu nại, khiếu kiện, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.
Người bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở.
Đồng thời, được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền. Giá đất bồi thường là giá cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự thảo luật quy định khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các nội dung được Nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với trên 1,23 triệu lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với trên 1 triệu lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với trên 1,03 triệu lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với trên 1 triệu lượt ý kiến. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân để hoàn thiện dự án Luật được Chính phủ thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.
Việc lấy ý kiến của Nhân dân đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp tục cho đến khi Luật được Quốc hội thông qua và ban hành.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.