Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 10 năm 2022 | 10:11

Quyết liệt “bài trừ vấn nạn” sử dụng trái mục đích đất nông nghiệp

Trước thực trạng đất nông nghiệp bị sử dụng trái mục đích, tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp và xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng kiến cố… ngành, chức năng quyết liệt xử lý dứt điểm, thậm trí là khởi tố hình sự đối với người đứng đầu được giao quản lý địa phương.

Cưỡng chế tháo dỡ nhiều hạng mục xây dựng trái quy định

Mới đây, ông Võ Phúc Ánh, Phó chủ tịch UBND TP Pleiku (Gia Lai) cho biết, UBND TP đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Tuấn Khanh (46 tuổi, ngụ phường Thắng Lợi, TP Pleiku) 22,5 triệu đồng. Lý do ông Khanh có hành vi vi phạm khi chuyển 1.353 m2 đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp.

Cũng theo quyết định trên, UBND TP Pleiku buộc ông Khanh khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất trước khi vi phạm. Thời hạn khắc phục là 15 ngày. Nếu quá thời hạn mà ông Khanh không chấp hành sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Khu "biệt phủ" trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Tuấn Khanh. Ảnh: LK.

Ông Khanh là chủ khu "biệt phủ" xây dựng không phép trên khu đất nông nghiệp rộng 2.287 m2 trên đường Nguyễn Bá Lại thuộc xã Chư Á, TP Pleiku.

Như PLO phán ánh, năm 2021, UBND xã Chư Á phát hiện việc xây dựng cụm công trình trái phép trên đất nông nghiệp trên, xử phạt hành chính đối với ông Khanh 4 triệu đồng. Tuy nhiên, chính quyền xã không yêu cầu tháo dỡ mà để cho ông Khanh xây dựng hoàn thành công trình.

Mới đây, UBND TP Pleiku yêu cầu UBND xã Chư Á hoàn thiện hồ sơ, lập biên bản rà soát bổ sung để UBND TP có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật do có hành vi vi phạm chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp.

UBND xã Chư Á xác định ông Khanh đã dựng nhà chòi bát giác bằng gỗ nền lát gạch, rộng 15 m2; nhà chòi lục giác khung sắt lợp tôn, nền lát gạch 134 m2; nhà gỗ nền lát gạch, diện tích 86,5 m2.

Ngoài ra, ông Khanh còn làm nhiều hạng mục như sân bê tông, sân lát gạch, cùng một số công trình tường rào, nhà vệ sinh… với tổng diện tích vi phạm 1.353 m2.

Một vụ việc tương tự diễn ra mới đây tại TP.Vũng Tàu. Qua đó, UBND phường 8 phối hợp với lực lượng chức năng TP.Vũng Tàu cưỡng chế công trình xây dựng chiếm đất  rừng đặc dụng với diện tích 47m2, tọa lạc tại 170/3 đường Bình Giã, phường 8 do ông Hồ Mộng Tú làm chủ.

Các lực lượng di dời đồ đạc ra ngoài để tiến hành cưỡng chế.

Công trình có kết cấu tường gạch, mái tôn kiên cố. Trước đó, UBND phường 8 đã vận động người xây dựng trái phép tự nguyện tháo dỡ nhưng không hợp tác nên lực lượng chức năng phải tổ chức cưỡng chế. Quá trình cưỡng chế diễn ra thuận lợi, không có sự chống đối của người vi phạm.

Xây dựng không phép trên đất nông nghiệp

Mặc dù Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo xử lý nhưng đến nay hàng loạt công trình xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp tại hẻm 41/184 Hoa Bằng, phường Yên Hòa vẫn tồn tại khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục triển khai dự án.

Văn bản truyền đạt  ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Cụ thể, ngày 24/5/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 3213/QĐ-UB, thu hồi 216.100m2 đất do phường Yên Hòa và phường Dịch Vọng quản lý, giao cho Lideco để đầu tư xây dựng Dự án khu đô thị mới Dịch Vọng.

Thực hiện theo quy định của pháp luật, Lideco đã tiến hành hỗ trợ 24/25 hộ dân, còn trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Liên chưa nhận tiền. Đến ngày 05/08/2020, Lideco đã hoàn tất hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Văn Liên có 2.160m2 đất bị ảnh hưởng bởi dự án với số tiền 41 tỷ đồng, hộ gia đình ông Liên đã ký biên bản bàn giao đất, biên bản giao nhận tiền.

Sau khi hoàn tất bồi thường, hỗ trợ, Lideco không triển khai tiếp được dự án, do ông Thành và một số người dân xây dựng nhà, công trình không phép trên khu đất thuộc quyền sử dụng của hộ ông Liên. Đại diện Lideco cho biết, đã nhiều lần vận động, thuyết phục di dời nhưng ông Thành và một số người dân không thực hiện mà yêu cầu phải thỏa thuận, bồi thường.

Về các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Thành, một số người dân với ông Liên, UBND phường Yên Hòa khẳng định, các giao dịch chuyển nhượng nói trên không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, không có giá trị pháp lý. Theo hồ sơ dự án, ông Thành và một số người dân không nằm trong phương án bồi thường, hỗ trợ dự án được UBND quận Cầu Giấy phê duyệt năm 2003, không có tên trong sổ bộ của phường Yên Hòa.

Như vậy, ông Thành và một số người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay của ông Liên không phải là đối tượng bị ảnh hưởng của dự án, không phải là đối tượng bị thu hồi đất.

Theo biên bản điều tra hiện trạng đất đai, hoa màu và tài sản lập ngày 19/04/2003, hộ ông Nguyễn Văn Liên có 5 thửa đất trên đó có 5 căn nhà cấp 4, 1 căn nhà tạm, 1 căn nhà khung sắt và 1 số công trình phụ. Nhưng đến hiện tại khu đất thuộc quyền sử dụng của hộ ông Nguyễn Văn Liên (hẻm 41/184 Hoa Bằng, phường Yên Hòa), lại tồn tại hàng chục công trình xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp.

Lideco không thể tiếp tục triển khai dự án do vướng mắc hàng chục công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng không phép.

Trước đó, vào ngày 25/01/2021, UBND phường Yên Hòa đã có báo cáo về khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phần còn lại của KĐTM Dịch Vọng. Trong báo cáo khẳng định, UBND phường đã mời ông Thành lên làm việc nhiều lần tuy nhiên ông Thành vắng mặt hoặc có mặt nhưng không cung cấp được giấy tờ chứng minh liên quan đến quyền sử dụng đất. Ông Thành không chấp hành việc di dời tài sản và tháo dỡ công trình vi phạm để bàn giao cho dự án… Từ đó UBND phường Yên Hòa đề xuất Hội đồng bồi thường hỗ trợ, tái định cư quận chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp cùng UBND phường và chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các tồn tại.

Đến ngày 03/02/2021, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy có Báo cáo số 05/BC-TTPTQĐ trong đó đề xuất UBND quận giao UBND phường phối hợp với Công ty Lideco và các đơn vị chức năng thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Như vậy, đối với việc xây dựng hàng loạt công trình trên đất nông nghiệp của ông Thành và một số người dân đã được chính quyền phường Yên Hòa và ngành chức năng quận Cầu Giấy chỉ ra rõ đồng thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền thiết lập hồ sơ vi phạm, cưỡng chế theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 27/02/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 1280/VPCP-V.I gửi UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị của công ty theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó, ngày 18/3/2021, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 693/PC-VP gửi UBND quận Cầu Giấy đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định và báo cáo về UBND TP Hà Nội trước ngày 31/03/2021. Đến ngày 09/8/2021, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Văn bản 8341/VP-GPMB truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị UBND quận Cầu Giấy khẩn trương giải quyết dứt điểm vướng mắc của công ty báo cáo kết quả trong tháng 8/2021 và đề nghị công ty chủ động phối hợp giải quyết vướng mắc, tồn tại.

Đến ngày 20/06/2022, Văn phòng UBND TP Hà Nội tiếp tục có Văn bản 5841/VP-TNMT, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, giao UBND quận Cầu Giấy chủ trì phối hợp với Lideco kiểm tra, rà soát có biện pháp kiên quyết xử lý tình trạng tái lấn chiếm (nếu có), đồng thời khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nốt phần còn tồn tại theo quy định…. Có phương án bảo vệ, chống tái lấn chiếm đối với những diện tích đã được giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Có thể thấy rằng, vấn đề giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp rất được quan tâm đặc biệt là UBND TP Hà Nội đã có 3 văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Đây là vấn đề rất “nóng” trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua, khi hàng loạt dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, đang được thành phố kiên quyết tháo gỡ, xử lý.

Căn cứ theo quy định tại Quyết định 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, cụ thể: Điểm d, khoản 2, Điều 5 về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện: “Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 29, Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.

Tại điểm d, khoản 2, Điều 6 về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã: “Chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hoạt động xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Trong trường hợp phát sinh vi phạm, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo cán bộ địa chính cấp xã phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo lĩnh vực đất đai”.

Quy định của pháp luật rất rõ ràng và sai phạm đã được chỉ ra,  UBND phường Yên Hòa, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy cần khẩn trương rà soát, thiết lập hồ sơ vi phạm và báo cáo UBND quận Cầu Giấy để thực hiện cưỡng chế, xử lý các công trình vi phạm nói trên.

Thiệt hại của doanh nghiệp khi dự án ách tắc không thể triển khai đã nhìn thấy rõ, nhưng điều quan trọng là phải kiên quyết xử lý, cưỡng chế để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, không tạo tiền lệ xấu cho các dự án sau này và cũng là không để một số người lợi dụng doanh nghiệp triển khai dự án để gây khó khăn từ đó phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Thủ đô.

Bắt chủ tịch và cựu chủ tịch Thị trấn Ba Sao vì cho thuê đất nông nghiệp trái phép

Mới đây, công an tỉnh Hà Nam vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Lại Tuấn Anh (sinh năm 1985), Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao; Nguyễn Trung Văn (sinh năm 1970), Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bảng, cựu Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao và bà Phan Thị Ngọc Thương (sinh năm 1984), cán bộ địa chính UBND thị trấn Ba Sao.

Cả ba bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Trung Văn, Lại Tuấn Anh và Phan Thị Ngọc Thương đã lạm dụng chức vụ quyền hạn được giao, lập, ký hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Hiện, cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top