Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 2 năm 2023 | 13:58

Quyết liệt đấu tranh với nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật

Ngành chức năng quyết liệt vào cuộc xử lý những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép… phát triển mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra, đưa tin chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam.

Giết hại một cá thể khỉ rồi đưa lên mạng xã hội

Mới đây, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã tiếp nhận tin báo của cộng đồng về trường hợp một tài khoản TikTok đăng tải video hành vi giết hại một cá thể khỉ. Trong clip, đối tượng nam giới thậm chí còn nướng cháy cá thể khỉ này trên lửa.

Sau khi được đăng tải, video đã thu hút hơn 88 nghìn lượt xem, hơn 240 bình luận trước khi bị gỡ bỏ. Rất nhiều bình luận đã lên án hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này.

Một số vụ giết hại động vật hoang dã rồi khoe trên mạng xã hội từng gây xôn xao dư luận.

Trước đó, rất nhiều vụ việc tương tự đã từng xuất hiện và gây xôn xao dư luận. Cụ thể, vào cuối tháng 11/2018, cộng đồng mạng xôn xao về hình ảnh và clip ghi lại cảnh một số người giết hại và ăn óc tươi động vật hoang dã nghi là khỉ hoặc voọc. Cùng ngày, có người khoe hình ảnh đôi chim bị giết chết, lông bị vặt gần hết (nghi là chim cao cát hoặc chim hồng hoàng). Tới ngày 1/12, trên mạng xã hội lại chia sẻ hình ảnh nghi là khỉ hoặc voọc bị giết, cháy sém, chuẩn bị xẻ thịt.

Đại diện ENV cho biết, trong những năm qua, tình trạng đăng tải các bài viết, video với nội dung quảng cáo, buôn bán, giết hại động vật hoang dã trên không gian mạng vẫn đang diễn ra công khai.

"Riêng trong năm 2022, ENV đã ghi nhận tới 1.686 vụ vi phạm về động vật hoang dã trên mạng Internet", phía ENV nói.

 Phân tích các sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc các cá nhân đăng các ảnh, clip khoe chiến công giết khỉ, chim quý trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004), những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép bị nghiêm cấm. Nghị định 32/2006/NĐ-CP cũng nêu rõ, khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB- động vật rừng – nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Do đó, người nào có hành vi giết khỉ nấu cao, làm thịt là phạm pháp. Hành vi này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Điều 234 BLHS 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150-dưới 500 triệu đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300-dưới 700 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50-dưới 200 triệu đồng…thì bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này thì bị phạt tù từ 7-12 năm.

Còn theo Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm…thì bị phạt tiền từ 500 triệu -2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 3 thì bị phạt tù từ 10-15 năm.

Cũng theo Luật sư Thanh Hà, để giải quyết tình trạng trên, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần kiên quyết nói không đối với việc giết hại, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã kẻo tự đẩy mình vào vòng lao lý.

Nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép

Vừa qua, Công an huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa bắt quả tang Đặng Thị Việt Hoài (43 tuổi, ngụ xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông) đang mua bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã trái phép.

Công an thu giữ tang vật tại nhà Hoài

Cụ thể, Công an phát hiện tại nhà Hoài đang nhốt 26 con chồn hương, hai con rắn hổ chúa, sáu con gà rừng, 37 con dúi, một con gà lôi.

Lực lượng chức năng còn phát hiện 6 kg thịt sóc, 15 kg heo rừng, 4 kg gà rừng và ba con chồn đã chết trong tủ đông của Hoài.

Khai với Công an, Hoài cho biết đã thu mua số động vật hoang dã nói trên từ nhiều người đi săn, bẫy để bán lại.

Người có hành buôn bán động vật hoang dã thì sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định hiện nay?

Căn cứ Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã như sau:

Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Theo đó, nếu động vật hoang dã bị buôn bán không thuộc đối tượng quý hiếm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt sẽ tùy thuộc vào số lợi bất chính thu được theo quy định pháp luật nêu trên.

Lập 2 công ty “ma” để nhập về 10 tấn ngà voi, vảy tê tê, xương sư tử...

Mới đây, TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Tài (SN 1989, quê quán xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Đức Tài có mối quan hệ quen biết với người đàn ông có biệt danh là July (không rõ thân nhân, lai lịch). Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2021 đến tháng 9/2021, July đã đề nghị Tài lập 2 công ty ma để nhập khẩu trái phép các loại động vật hoang dã cấm buôn bán từ nước ngoài về Việt Nam và hứa trả công hậu hĩnh cho những chuyến hàng trót lọt.

Lần thứ nhất vào khoảng tháng 2/2021, July gửi cho Tài bản sao giấy CMND của một người đã chết quê ở Nghệ An là N.T.C cho Tài. Sau đó Tài dùng bản sao này và giả mạo chữ ký người đã chết để nhờ “dịch vụ” làm thủ tục thành lập Công ty TNHH Nam Thái Cường, đăng ký trụ sở tại đường Lý Nhân Tông, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). 

Hải quan Đà Nẵng kiểm kê tang vật có liên quan đến vụ án.

Ngày 17/7/2021, lô hàng do July chuyển từ Nam Phi gửi cho Công ty Nam Thái Cường (khai báo là ván gỗ sàn) về đến Cảng Tiên Sa thì bị lực lượng Hải quan kiểm tra, phát hiện bên trong chứa 52 khúc sừng nghi sừng tê giác, trọng lượng 138,784 kg và 93 thùng xương nghi xương Sư tử, trọng lượng 3.108 kg. Biết được thông tin, Tài không làm thủ tục mở tờ khai hải quan và bỏ hàng.

Lần thứ hai, khoảng tháng 8/2021, July tiếp tục yêu cầu Tài lập công ty để nhập khẩu hàng hóa như lần trước và Tài tiếp tục đồng ý và đặt mua trên mạng một CMND giả mang tên Nguyễn Nhật Long. Tài đã dùng bản sao giả có công chứng để thuê người làm thủ tục thành lập Công ty TNHH Quang Nhật Long, đăng ký trụ sở tại đường Đống Đa, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

 Ngày 5/1/2022, Tài được July thông báo một lô hàng lớn đã về đến Cảng Tiên Sa với bên nhận là Công ty TNHH Quang Nhật Long, đồng thời gửi cho Tài bộ hồ sơ nhập khẩu hàng hóa là hạt điều. Tài thuê dịch vụ làm thủ tục khai báo hải quan, nhận hàng và thanh toán phí xếp dỡ container.

Tuy nhiên sau đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng nghi vấn lô hàng nhập khẩu vi phạm pháp luật nên đã tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, kết quả khám đã phát hiện bên trong container hạt điều có 456,9 kg ngà voi và 6.232 kg vảy tê tê. Tổng khối lượng sản phẩm từ động vật hoang dã được các đối tượng nhập lậu 2 đợt lên đến gần 10 tấn, trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Biết hành vi bị lộ, Tàu đã đốt bỏ toàn bộ các đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của Công ty TNHH Nam Thái Cường và Công ty TNHH Quang Nhật Long trước khi bị bắt giữ.

Căn cứ hồ sơ vụ án và các chứng cứ có liên quan, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên Nguyễn Đức Tài mức án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quy hiếm" và 3 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt mà Tài phải chấp hành là 13 năm tù, phạt bổ sung số tiền 50 triệu đồng.

Xây dựng mạng lưới nhà báo điều tra bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Tổ chức TRAFFIC International, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý các Dự án lâm nghiệp vừa chính thức ký kết hợp tác triển khai Dự án “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp,” nhằm giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam.

Nội dung trọng tâm của dự án trên tập trung vào việc xây dựng và phát triển “Mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã” nhằm phát hiện, đưa tin về tội phạm động vật hoang dã tại Việt Nam; từ đó góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã cũng như giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm động vật hoang dã, nhất là các loài hoang dã nguy cấp tại Việt Nam.

Tại lễ ký kết, ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Trưởng ban Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Giám đốc Ban Quản lý Trung ương Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp cho biết tham gia mạng lưới trên, các nhà báo, phóng viên sẽ được đào tạo, tập huấn, hỗ trợ từ các tổ chức, chuyên gia các kiến thức, kinh nghiệm điều tra về hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Dự án cũng hướng tới việc tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà báo, phóng viên về khung pháp lý, chính sách về bảo tồn động vật hoang dã; kỹ năng viết tin, bài và tham gia phát hiện và theo sát việc xử lý các vụ vi phạm từ phía cơ quan chức năng nhằm vận động sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành trung ương và địa phương, giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Lễ ký kết hợp tác triển khai Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam. 

Trên cơ sở đó, ông Tùng mong muốn dự án sẽ góp phần lan tỏa thông điệp “Nói không với hành buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong toàn xã hội." Dự án cũng sẽ tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các vụ án liên quan đến tội phạm động vật hoang dã thông qua hoạt động trao giải báo chí hàng năm.

Voi rừng ở khu vực Tây Nguyên. 

Về phía WWF, ông Crawford Allan - Giám đốc Cao cấp Chương trình phòng chống tội phạm động vật hoang dã nhấn mạnh buôn bán động vật hoang dã trái phép là vấn đề “nóng” mang tính toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng tới đa dạng sinh học không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Đây cũng là vấn đề rất phức tạp, kéo dài, đòi các bên cần phải ngồi với nhau để bàn cũng như đưa ra hướng giải quyết.

Theo ông Crawford Allan, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong bức tranh về phát triển kinh tế, song do yếu tố về địa lý nên Việt Nam cũng được coi là điểm trung chuyển động vật hoang dã trái phép. Vì thế, ông bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ là nước đi đầu trong việc triển khai ngăn chặn các hoạt động chuống buôn bán động vật hoang dã trái phép trong thời gian tới.

“Buôn bán động vật hoang dã là hành vi không thể dung thứ, cần phải xử lý nghiêm. Do vậy, thông qua dự án, đặc biệt là việc mở rộng, phát triển Mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, tôi hy vọng các hoạt động tới đây sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, qua đó giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam", ông Crawford Allan nhấn mạnh.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top