Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 9 năm 2023 | 15:20

Quyết liệt xử lý nghiêm nạn phân bón giả, kém chất lượng

Phân bón giả, phân bón kém chất lượng là vấn nạn lớn trong sản xuất nông nghiệp khiến nhà nông rất bức xúc. Người nông dân rất khó phân biệt được “thật, giả”, có người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính, có người lại phó thác vào uy tín của đại lý làm ăn lâu năm với mình. Cần có giải pháp xử lý hiệu quả, triệt tiêu tận gốc.

Tràn lan phân bón giả, kém chất lượng

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan, cùng với hàng trăm đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của người nông dân.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Ðắk Nông đã phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành lấy mẫu gần 80 tấn phân bón do Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh (địa chỉ tại số 1, Cụm công nghiệp Quốc Quang Long An, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) sản xuất để giám định theo quy định.

Người trồng cà-phê ở Đắk Lắk chăm sóc vườn cà-phê. Ảnh: Công Lý

Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Ðắk Nông tiến hành kiểm tra ba xe ô-tô tải, năm đại lý kinh doanh phân bón, qua kiểm tra đã tạm giữ 79,55 tấn phân bón do Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh sản xuất. Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng xác định: Toàn bộ gần 80 tấn phân bón do Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh sản xuất đều là phân bón giả. Hiện, vụ việc đang được phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Ðắk Nông tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Kiều Xuân Cường (SN 1981, trú TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), Giám đốc Công ty Cổ phần hóa chất và phân bón Phúc Mỹ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón. Cụ thể, Công ty cổ phần hóa chất và phân bón Phúc Mỹ có trụ sở tại xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, Trà Vinh và giấy phép sản xuất phân bón vô cơ của Công ty hết hạn từ ngày 20/9/2022. Tuy nhiên, Cường vẫn chỉ đạo nhân viên thuê công nhân đến Công ty, sử dụng các loại nguyên liệu do Cường mua rồi pha trộn phân bón theo tỉ lệ do Cường lập sẵn, tạo ra các loại phân bón urea, DAP, NPK, kali miểng 61%...

Đối tượng Kiều Xuân Cường tại cơ quan điều tra. Ảnh: CACC

Tháng 12/2022, ông Kiều Xuân Cường chỉ đạo nhân viên thuê công nhân pha trộn và bán 250 bao phân bón hiệu Kali miểng 61% Phúc Mỹ cho một cửa hàng ở tỉnh Kiên Giang. cơ quan Công an đã kiểm tra và bắt quả tang việc pha trộn phân bón của Công ty Cổ phần hóa chất và phân bón Phúc Mỹ. Tại đây, cảnh sát đã lập biên bản và thu giữ 374 bao phân bón nghi giả về chất lượng. Theo kết luận giám định của Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, các mẫu phân bón do Công ty Cổ phần hóa chất và phân bón Phúc Mỹ sản xuất là giả về chất lượng.

Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh cũng vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Phân bón Suối Tre (địa chỉ ấp Hòa Đông B, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) do ông Nguyễn Nhật Duy làm Giám đốc, do đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính gồm: Buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng với số lượng hàng giả tương đương số lượng của hàng thật có giá trị 29.340.000 đồng. Với vi phạm trên, Công ty TNHH Phân bón Suối Tre bị phạt tiền số tiền 160.000.000 đồng. Cùng với đó, cơ quan chức năng ra biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật 36 bao (50kg/bao) phân bón NPK - vi lượng Bình Điền II NPK 15-7-17+TE Plus của Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh phân bón Bình Điền II.

Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh thường xuyên thanh kiểm tra lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đảm bảo cho người dân sử dụng sản phẩm đúng chất lượng, nâng cao năng suất cây trồng.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng tỉnh này cũng đã kiểm tra và xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm. Điển hình, đại lý vật tư nông nghiệp Trần Thị Sen đã vi phạm về hành vi buôn bán hàng giả 5 tấn phân bón NPK Năm lá 22-5-5+13S+TE, sản xuất ngày 11/3/2022, có các chỉ tiêu P2O5hh và K2Ohh chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam. Đơn vị sản xuất là Công ty CP CN Hóa chất Đà Nẵng, địa chỉ tại số 73 Nguyễn Văn Cừ, KCN Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Đơn vị phân phối là Công ty TNHH MTV Thương mại Đầu tư Xây dựng Ngọc Lễ, địa chỉ tại số 106, thôn 8, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện, sản phẩm Phân bón trung vi lượng vôi lân Thành Lợi II có các chỉ tiêu chất chính Ca, P2O5hh, SiO2hh chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký (Lô phân bón trung vi lượng vôi lân Thành Lợi 2, ngày sản xuất: 6/3/2022; hạn sử dụng (HSD): 3 năm). Sản phẩm được sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất vôi lân Thành Lợi có địa chỉ tại thôn Bộ Đầu, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Sản phẩm được bán tại hộ kinh doanh Lê Thị Thanh (đại lý Tiến Công) địa chỉ tại Buôn Dlây, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Cơ sở này bị phạt 17.920.000 đồng. Ngoài ra, ngành chức năng phát hiện sản phẩm Phân bón trung lượng vi lượng MN-01 có các chỉ tiêu chất chính Mg, B chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký. Lô phân bón trung lượng vi lượng MN-01 này được sản xuất ngày 8/2/2022 của Công ty CPNN Hóa chất Miền Nam địa chỉ tại 299B Nam Hòa, phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức,TP. Hồ Chí Minh), bán tại Hộ kinh doanh Vũ Hồng Lực có địa điểm kinh doanh tại Thôn Ea Nguôi, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Cơ sở này bị phạt 12.590.000 đồng.

Người nông dân khó phân biệt thật giả

Trên đây chỉ là những vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua. Thực tế, số vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV dởm, kém chất lượng diễn biến phức tạp và trở nên đáng báo động.

Hằng năm, ước tính cả nước sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón. Do lợi nhuận mang lại quá lớn, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ vo viên, SA về rồi đóng bao ghi nhãn mác nhập nhèm giống như phân vô cơ như DAP, NPK, URE... bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn phân DAP và NPK chính hiệu, làm tăng chi phí cho người nông dân, trong khi tác dụng của các loại phân bón nhập nhèm không như mong đợi.

Phân bón giả, kém chất lượng khó nhận biết 

Ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Ðại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi khi vườn cây trồng của nhà bị sâu, bệnh hại, tôi thường mua thuốc tại các cửa hàng tạp hóa. Có lần, tôi mua và sử dụng thuốc BVTV được quảng cáo là hàng chất lượng cao, nhưng khi phun cho cây, tình trạng sâu, bệnh không có tiến triển. Sau nhiều lần chịu thiệt hại do mua phải thuốc BVTV chất lượng kém, thậm chí là hàng giả, tôi đã mất dần niềm tin với các loại sản phẩm này...".

Hoang mang chứng kiến thị trường tràn lan phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, dù đang chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới nhưng chị Hoàng Hai, ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn không khỏi sợ hãi khi nhớ lại vụ mùa trước đây, gia đình chị đã khốn khổ vì phân bón giả.

Chị Hai cho biết, gia đình chị có hơn 2 công đất lúa, nhưng vụ mùa vừa rồi lại lỗ nặng vì mua phải phân bón giả. "Tôi mua chỗ đại lý quen, phân bón cũng là loại hay dùng mấy vụ mùa trước. Nhưng tới lúc bón vào lúa không phát triển, lá vàng, hạt lép. Sau nhờ mấy anh kỹ sư xuống thì phát hiện ra là mình mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng. Lúc đó sự đã rồi, cố gắng mua phân mới bón thúc lại, nhưng tốn thêm tiền mà kết quả chẳng được bao nhiêu", chị Hai cho biết thêm.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.

Lý giải một phần nguyên nhân dẫn đến việc khó khăn trong công tác xử lý, truy quét nạn phân bón giả, kém chất lượng, các cán bộ quản lý thị trường nhận định: Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư. Sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định rồi xóa luôn dấu vết xưởng sản xuất đó.

Cần có chế tài đối với hành vi buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Để giải quyết tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân và ngành nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được ký và có hiệu lực thi hành. Theo nội dung quy chế, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Khi mua và sử dụng phân bón kém chất lượng sẽ khiến thất thu vụ mùa, cây trồng hỏng hoặc chết ảnh hưởng lớn tới kinh tế.

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao, do đó các ban, ngành hữu quan cần có chính sách để điều tiết giá phân bón, hỗ trợ người nông dân. Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện phân bón giả. Người dân cũng nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Nguyên nhân chính khiến bò sữa tiêu chảy và chết hàng loạt tại Lâm Đồng là do vắc xin

    Nguyên nhân chính khiến bò sữa tiêu chảy và chết hàng loạt tại Lâm Đồng là do vắc xin

    Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy khiến bò sữa chết hàng loạt tại Lâm Đồng. Tính đến ngày 6/9, đã có 6.331 con bò bị bệnh, 470 con bò bị chết, gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi bò sữa tại địa phương.

  • Hà Nam không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai để "găm hàng, tăng giá"

    Hà Nam không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai để

    UBND tỉnh Hà Nam đề nghị các ngành, địa phương tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả các mặt hàng thiết yếu, vật liệu xây dựng…, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình thiên tai để "găm hàng, tăng giá" trên địa bàn.

  • Nhiều vụ phá hoại sầu riêng vì mâu thuẫn trong cuộc sống

    Nhiều vụ phá hoại sầu riêng vì mâu thuẫn trong cuộc sống

    Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra hàng chục vụ cắt phá, đẽo gốc sầu riêng, gây thiệt hại lớn cho người nông dân chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống.

  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top