Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 7 năm 2023 | 15:26

Quyết liệt xử lý những cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón giả

Trước tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường gây thiệt hại cho nông dân, cơ quan chức năng các địa phương đang quyết liệt kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.

Nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn vì phân bón, vật tư nông nghiệp tăng giá, nhiều loại nông sản giảm giá do cung vượt cầu. Thêm vào đó, tình trạng khá phổ biến hiện nay là phân bón giả, kém chất lượng có mặt khắp nơi tại các đại lý vật tư nông nghiệp. Điều này khiến cho nông dân khó lòng phân biệt được phân bón thật, giả.

Kiên quyết ngăn chặn, xử lý phân bón giả

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng thuộc lực lượng 389 tỉnh Long An đã phát hiện, xử lý 13 trường hợp kinh doanh phân bón kém chất lượng (tăng 6 trường hợp so cùng kỳ), 5 trường hợp kinh doanh phân bón giả. Trong số này, thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy 54 mẫu phân bón, 9 mẫu thuốc bảo vệ thực vật để kiểm tra chất lượng hàng hóa. Kết quả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4 mẫu phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; 4 mẫu phân bón không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; 1 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Trước đó, Cục quản lý thị trường tỉnh Long An thực hiện kiểm tra đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón đóng tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện công ty này vi phạm về hành vi sản xuất phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và sản xuất, buôn bán phân bón có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.

Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh cùng Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra tại cơ sở phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn: QLTT

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và vụ việc được chuyển đến UBND tỉnh Long An xử lý theo thẩm quyền.

Theo đó, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định xử phạt công ty này số tiền phạt 166 triệu đồng và buộc công ty nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ trái pháp luật là 36,4 triệu đồng.

Đồng thời, công ty này còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón trong thời hạn 9 tháng.

Cũng với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật, Cty TNHH MTV H.P.H (Cụm công nghiệp Quốc Quang Long An, ấp 5A, xã Lương Bình, Bến Lức) bị phạt số tiền trên 254 triệu đồng.

Việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón góp phần răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp, tạo động lực thúc đẩy tiến bộ, công bằng trong xã hội.

Tương tự tại tỉnh Lâm Đồng: UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 cá nhân vi phạm về hành vi buôn bán phân bón giả.

Theo đó, cá nhân bị xử phạt là bà Võ Thị Nhành (ngụ tại Thôn 14, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc). Bà Nhành đã có hành vi buôn bán hàng giả với 300 bao (50kg/bao) phân bón trung lượng NNT BD Pacific Sao biển. Số phân này do công ty TNHH Nông nghiệp USA phân phối, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 19.500.000 đồng. Qua kiểm tra, giám định của cơ quan chức năng, số phân bón nói trên là hàng giả. Bà Nhành cũng không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số lượng phân bón nói trên.

Bà Võ Thị Nhành (ngụ tại Thôn 14, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc). Bà Nhành đã có hành vi buôn bán hàng giả  (Ảnh minh hoạ).

Căn cứ điểm d, Khoản 1; điểm b, Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt bà Nhành số tiền 40 triệu đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng buộc bà Võ Thị Nhành phải tiêu hủy toàn bộ 300 bao phân bón giả.

Xử lý nghiêm hành vi sản xuất phân bón giả

thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 12/6/2023 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Yên về Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2023, ngày 20/6/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phi Hùng, (địa chỉ Khu Phố 4, Phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Địa chỉ sản xuất: Cụm công nghiệp Gò Dông, phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa, Phú Yên).

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy một mẫu phân bón trung lượng, PH-Canxi Slic lân 11-12+4, ngày sản xuất ngày 12/4/2023, hạn sử dụng: 24 tháng kể từ ngày sản xuất do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phi Hùng; địa chỉ: Khu Phố 4, phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên sản xuất để phân tích một số chỉ tiêu chất lượng.

Tổ Quản lý địa bàn huyện Bắc Sơn - Đội QLTT số 5 đã phối hợp Công an huyện Bắc Sơn tiến hành kiểm tra đột xuất lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vi phạm về hành vi buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Nguồn: QLTT

Kết quả thử nghiệm, mẫu Phân bón này có hàm lượng chất chính không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT. Cụ thể hàm lượng SiO2hh đạt 1,67%/hàm lượng công bố; hàm lượng P2O5hh 7,77%/hàm lượng công bố chỉ đạt dưới 70% so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ, thì Phân bón trung lượng, PH-Canxi Slic lân 11-12+4 (ngày sản xuất 12/4/2023, hạn sử dụng: 24 tháng kể từ ngày sản xuất) do Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Phi Hùng sản xuất là hàng giả.

Đoàn kiểm tra liên ngành chuyển hồ sơ vụ việc đến Cục Quản lý thị trường – Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh làm thủ tục trình UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phi Hùng với số tiền 240 triệu đồng. Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 11.100.000 đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính: Gồm 89 bao Phân bón trung lượng, PH-Canxi Slic lân 11-12+4 ngày sản xuất 12/4/2023, hạn sử dụng: 24 tháng kể từ ngày sản xuất.

Thực hiện Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Phú Yên về xử phạt vi phạm hành chính, trong ngày 20/7/2023, tại Lô D4- Thuộc khu xử lý chất thải rắn Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh đã thực hiện giám sát việc tiêu hủy 89 bao phân bón giả do Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phi Hùng sản xuất.

Cũng trong ngày 20/7/2023, qua công tác rà soát địa bàn và sử dụng biệp pháp nghiệp vụ thu thập, xác minh thông tin Tổ Quản lý địa bàn huyện Bắc Sơn - Đội QLTT số 5 đã phát hiện 01 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại địa chỉ thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn do ông Hoàng Văn L làm chủ hộ có kinh doanh phân bón nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo quy định.

Tổ Quản lý địa bàn huyện Bắc Sơn - Đội QLTT số 5 đã phối hợp Công an huyện Bắc Sơn tiến hành kiểm tra đột xuất lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vi phạm về hành vi buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện và trinh Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn ban hành quyết định xử phạt hộ kinh doanh do ông Hoàng Văn L làm chủ hộ 8.500.000 đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón 06 tháng.

Thời gian tới, Đội QLTT số 5 - Tổ Quản lý địa bàn huyện Bắc Sơn tiếp tục phối hợp các ngành chức tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn huyện nhằm từng bước nâng cao nhận thức trong kinh doanh đồng thời giúp các hộ kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp đi vào nề nếp và thực hiện đúng quy định của Nhà nước.

Hành vi sản xuất buôn bán phân bón giả bị truy cứu hình sự với tội danh gì?

Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện có rất nhiều hợp chất hóa học khác nhau phải đáp ứng những quy định chuẩn theo pháp luật để có thể lưu hành trên thị trường. Và nếu như không thể đảm bảo những yêu cầu về chất lượng phân bón có thể sẽ dẫn đến các thiệt hại khiến cho năng suất của nhiều cây trồng bị giảm sút, và có thể gây tổn hại trực tiếp đến môi trường.

1. Các hành vi bị cấm liên quan đến sản xuất, buôn bán phân bón

Tại Điều 9 Luật Trồng trọt năm 2018 các hành vi cấm cá nhân, tổ chức thực hiện, bao gồm

– Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

– Sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán.

– Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.

– Cung cấp thông tin về phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố.

– Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng phân bón.

2. Chế tài đối với hành vi sản xuất buôn bán phân bón giả

Căn cứ Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015, cá nhân, tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi nếu thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Tái phạm nguy hiểm;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

+ Buôn bán qua biên giới;

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.

– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Các trường họp trên đối với pháp nhân thương mại phạm tội

+ Bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

+ Bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

+ Bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

+ Bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

+ Pháp nhân phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

+ Hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Vậy cá nhân, tổ chức buôn bán phân bón giả thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù cao nhất có thể lên đến 10 năm đến 15 năm tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top