Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 8 năm 2023 | 10:1

Quyết liệt xử lý tình trạng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng tràn lan trên thị trường

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay khiến người nông dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, năng suất cây trồng. Để bảo vệ "vựa lúa", "vựa trái cây" của cả nước và uy tín của các nhà sản xuất, lực lượng chức năng cần có giải pháp giải quyết vấn đề này.

Tràn lan sản phẩm vi phạm về chất lượng

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp Phòng Kinh tế, Đội Cảnh sát kinh tế (CSKT) - Công an TP.Long Xuyên tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV S.N.B (phường Mỹ Hòa) do ông H.K.H làm Giám đốc, phát hiện và tạm giữ hơn 3.000 gói thuốc BVTV (trị giá trên 100 triệu đồng) có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa. Vụ việc được chuyển đến cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý.

Tương tự, tại QL91 (phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, An Giang), Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra xe tải BS: 66C-040.20 do ông P.N.N điều khiển, phát hiện phương tiện chở 95 bao phân bón do Công ty TNHH MTV P.H (địa chỉ tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) sản xuất, đều không có hóa đơn, chứng từ (bản chính), nghi buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa.

 Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm trong kinh doanh phân bón.

Trước đó, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP.Cần Thơ) phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra hộ kinh doanh N.Đ.M (địa chỉ tại xã Thạnh An). Qua đó, phát hiện lô phân bón hỗn hợp NP tại đây có dấu hiệu vi phạm về chất lượng. Đoàn kiểm tra lấy mẫu phân bón gửi Trung tâm Kỹ thuật - Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng TP.Cần Thơ kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu phân bón trên có chất lượng không phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (QCVN 01-189:2019/BNNPTNT). Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và niêm phong, tạm giữ 19 bao phân bón (50kg/bao), chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xử lý.

 Sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không nhãn mác trôi nổi trên thị trường. (Ảnh: Lê Minh). 

Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Sóc Trăng tiến hành kiểm tra 8 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, lấy 12 mẫu sản phẩm phân bón để kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, phát hiện một số phân bón có vi phạm về thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa không phù hợp với hồ sơ công bố về tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt... Đoàn công tác đã lập biên bản để xử lý.

Xử phạt, thậm chí khởi tố

Theo Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, trong thời gian gần đây, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 93 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón; phát hiện 64 vụ vi phạm, đã xử lý 59 vụ, thu tiền phạt là 1,3 tỷ đồng, trị giá tang vật vi phạm hơn 1,4 tỷ đồng; còn 5 vụ đang củng cố hồ sơ xử lý. Mới đây, qua kiểm tra các địa điểm kinh doanh phân bón, thuốc BVTV tại huyện An Phú (An Giang), Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh) phát hiện gần 1.000 đơn vị sản phẩm thuốc BVTV vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và đề nghị xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 200 triệu đồng.

Tập trung cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường về chất lượng hàng hóa, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Bến Tre) cũng phát hiện, xử lý nhiều sản phẩm phân bón kém chất lượng. Đoàn kiểm tra liên ngành 389 do Đội QLTT số 2 chủ trì, phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đột xuất tại 3 hộ kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi ở các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam.

Nguyễn Văn Duy bị Công an tỉnh Đồng Tháp tạm giữ để điều tra về hành vi sản xuất, mua bán thuốc bảo vệ thực vật giả. Ảnh: CACC

Thời điểm kiểm tra, phát hiện các sản phẩm phân bón, thức ăn chăn nuôi đang kinh doanh có dấu hiệu vi phạm, không đảm bảo chất lượng như: không gắn dấu hợp quy; có nhãn không ghi đủ, ghi không đúng các nội dung bắt buộc; trên nhãn ghi thông tin sai sự thật về quy chuẩn kỹ thuật... Kết quả kiểm nghiệm, có 2 mẫu phân bón không bảo đảm chất lượng, 1 mẫu thức ăn chăn nuôi giả về chất lượng. Ba hộ kinh doanh trên bị xử phạt tổng số tiền là 43 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả theo quy định.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh) kiểm tra hộ kinh doanh phân bón, thuốc BVTV tại xã An Hòa (huyện Tam Nông) do ông N.V.B làm chủ, phát hiện đang bày bán 1.600 sản phẩm thuốc trừ sâu không có tên trong danh mục và quá hạn sử dụng. Đội QLTT số 3 đã tạm giữ số tang vật trên và lập hồ sơ đề nghị xử phạt ông B. 34 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV 3 tháng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Dung dịch dùng pha chế thuốc bảo vệ thực vật giả được Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện tại cửa hàng của ông Nguyễn Văn Nhà (xã Phú Cường, H.Tam Nông) - Ảnh CACC

Đặc biệt, Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) - Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố vụ án "sản xuất, mua bán hàng giả và thuốc BVTV" xảy ra tại huyện Tam Nông. Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng CSKT phối hợp các lực lượng chức năng bắt quả tang 2 xe tải BS: 66H-027.38 do Nguyễn Văn Hải (SN 1988, ngụ huyện Cao Lãnh) điều khiển và BS: 67C-131.06 do Dương Chí Bình (SN 1995, ngụ An Giang) cầm lái, đậu trước cửa nhà của Nguyễn Văn Nhà ở xã Phú Cường. Lúc này, trên 2 phương tiện chở 1.150 chai thuốc BVTV giả và 1.200 gói giống cây trồng.

Khám xét nhà và kho chứa hàng của Nguyễn Văn Nhà, tổ công tác phát hiện nhiều mặt hàng thuốc BVTV giả và số lượng lớn thuốc BVTV dạng bột đã pha trộn, chưa đóng gói. Khám xét khẩn cấp tại của hàng vật tư nông nghiệp Thuận Thiên (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) do Nguyễn Văn Duy (con của Nguyễn Văn Nhà, SN 1989) làm chủ, lực lượng chức năng tạm giữ thêm nhiều mặt hàng thuốc BVTV bị làm giả nhãn hiệu. Hai đối tượng Nguyễn Văn Duy và Nguyễn Văn Hải đang bị tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra.

Đại lý... khổ lây

Nông dân mua nhầm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng khiến cho cây trồng không phát triển, mất mùa, cây trái bị sâu bệnh, ảnh hưởng chung đến ngành nông nghiệp. Hệ luỵ khi người nông dân mua nhầm sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng thời gian qua đã được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, các ngành chức năng vào cuộc xử lý.

Phân bón giả, kém chất lượng là một vấn nạn đang tồn tại trong xã hội. Do việc sản xuất phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng đem lại “siêu lợi nhuận”, không ít cơ sở bất chấp đạo đức kinh doanh, tung ra thị trường.

Các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp tại các địa phương có lỗi gián tiếp để cho những sản phẩm kém chất lượng có mặt trên thị trường gây hại cho ngành nông nghiệp. Các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng thường có giá bán vật tư cho các đại lý với hoa hồng cao hơn các sản phẩm có thương hiệu. Ham lãi cao nên các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp đã nhập hàng hoá kém chất lượng để kinh doanh.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được kinh doanh tại một cơ sở.

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, kết quả công tác thanh tra cho thấy các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) chấp hành tốt điều kiện kinh doanh; các sản phẩm của công ty vi phạm năm trước giảm lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, vẫn còn các trường hợp vi phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc); các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp còn kinh doanh các sản phẩm hết hạn, ngoài doanh mục cho phép sử dụng.

Tuy nhiên, một chủ cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu chia sẻ, dù cơ sở chấp hành tốt các quy định pháp luật nhưng việc kinh doanh nhầm sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng khó tránh khỏi.

Có sản phẩm kinh doanh thời gian dài vẫn bảo đảm chất lượng, nhưng sau đó, vì hám lợi, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kém chất lượng. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, đại lý bị ảnh hưởng nặng nề, bị nông dân tẩy chay với lý do cơ sở, đại lý bán hàng “đểu”. Nhiều nông dân đưa ra lý do trên để không thanh toán tiền mua vật tư nông nghiệp của đại lý trước đó, khiến đại lý rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Chủ cơ sở này cho rằng, để giải quyết vấn nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, ngoài nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở, đại lý kinh doanh, cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.

Vì không chỉ nông dân mà những đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chấp hành tốt quy định cũng trở thành nạn nhân của những doanh nghiệp làm ăn thiếu đạo đức, cố tình sản xuất hàng kém chất lượng.

Nhiều bất cập trong quản lý

Sự lộn xộn trên thị trường phân bón, thuốc BVTV xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và danh mục phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam hiện nay có số lượng quá lớn. Cụ thể, lượng phân bón của nước ta lên tới gần 21 nghìn sản phẩm. Đối với lĩnh vực thuốc BVTV, Việt Nam có tới gần 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn, hiểu được tác dụng cũng như phân biệt hàng thật, hàng giả, kém chất lượng. Đây chính là kẽ hở lớn để các đối tượng xấu lợi dụng.

Mặc dù nạn sản xuất và tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng diễn ra phức tạp nhưng đến thời điểm hiện tại ngành nông nghiệp vẫn chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón. Đối với hình thức gian lận thương mại (gồm sản phẩm kém chất lượng; hoặc ghi nhãn hàng hóa mập mờ thương hiệu) hiện chỉ bị xử phạt hành chính dẫn đến chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Trưởng phòng Pháp chế (Cục BVTV) Nghiêm Quang Tuấn cho rằng, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV và phân bón trong cả nước lên tới vài chục nghìn nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán. Trong khi đó, sự vào cuộc kiểm tra, kiểm soát tại một số địa phương thiếu sự quyết liệt. Chính quyền địa phương (huyện, xã) chưa phối hợp thực hiện một cách hiệu quả với các lực lượng chức năng để ngăn chặn, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng tại địa phương.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đác Lắc) kiểm tra định kỳ một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở xã Cư Êbur.Ảnh: THANH HƯỜNG

Ở một số nơi, nguồn lực về con người, nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến công tác thanh, kiểm tra, nắm bắt tình hình ở các địa bàn. Mặc dù nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV chân chính bị các đối tượng làm nhái thương hiệu nhưng vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, giảm doanh thu cho nên e ngại, ít chủ động hợp tác để thu hồi và xử lý các sản phẩm bị làm giả, làm nhái… dẫn đến việc quá hạn, khó xử lý.

Các chuyên gia cho rằng, để xác định được phân bón giả hay kém chất lượng, cơ quan chức năng phải lấy mẫu kiểm định. Tuy nhiên, công đoạn này tốn nhiều thời gian. Trong khi chờ kết quả thử nghiệm để xác định chất lượng phân bón, các cơ sở kinh doanh vẫn được quyền bán các lô hàng. Do vậy, khi có kết quả thử nghiệm, nếu có phát hiện phân bón giả, kém chất lượng thì số hàng hóa đó nhiều khi đã được bán hết cho nông dân.

Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, phần lớn các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán, việc thu hồi và xử lý sản phẩm kém chất lượng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thói quen của người tiêu dùng khi mua hàng không cần lấy hóa đơn cho nên một số doanh nghiệp đã không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn nhưng không đầy đủ. Khi phát hiện hàng giả, cơ quan chức năng không có đủ căn cứ để xử lý đối tượng vi phạm.

Cần giải pháp quyết liệt

Các chuyên gia nhận định, để kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, các ban, ngành liên quan cần chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn. Cùng với đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm hoặc có thông tin, tài liệu về hoạt động vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Nguyên Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung

Nguyên Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung (nay là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành chức năng cần lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, các tổ chức sản xuất, vận chuyển, buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Đồng thời, phải quy trách nhiệm, xử lý theo quy định pháp luật đối với người đứng đầu địa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, phân bón giả, kém chất lượng phức tạp, kéo dài.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường phân bón giả, kém chất lượng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để thuận lợi hơn trong công tác quản lý phân bón, thuốc BVTV, cơ quan chức năng nên cân nhắc giải pháp “tinh gọn” danh mục thuốc BVTV cũng như phân bón. Thực tế, những nước láng giềng có tỷ trọng nông nghiệp lớn như Thái-lan cũng chỉ có khoảng 100 loại phân bón. Đồng thời, cần sớm ban hành quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón.

Cùng với đó phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất chứ không chỉ dừng ở cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị liên quan cần phối hợp rà soát, đánh giá lại những bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật về phân bón, thuốc BVTV, từ đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về phân bón, thuốc BVTV phù hợp thực tiễn. Xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top