Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan cùng các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý nguồn gốc sản phẩm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong những ngày gần đây, về rau thu gom ở chợ đầu mối sau đó được đóng gói, dán nhãn VietGAP và cung cấp, tiêu thụ tại các siêu thị (xảy ra tại TP. HCM). Đây là hiện tượng vi phạm các quy định phát luật về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu rau của Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi nêu trên, tránh tình trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng uy tín của các thương hiệu nông sản của Đà Lạt và trên địa bàn tỉnh để trục lợi cá nhân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố tuyên truyền các cơ sở, người nông dân thực hiện đúng các quy định về sản xuất, sơ chế, tiêu thụ nông sản; đảm bảo sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn an toàn; kịp thời tố giác các hành vi vi phạm về gian lận thương mại, vi phạm về dán nhãn hàng hóa, kinh doanh nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khách hàng mua rau tại siêu thị
Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phụ trách về an toàn thực phẩm tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn quản lý; trong đó, chú trọng đến kiểm soát ghi nhãn hàng hóa, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý cấp tỉnh trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.
Giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý. Tiếp tục triển khai hỗ trợ, mở rộng diện tích áp dụng, chứng nhận quy trình sản xuất tốt VietGAP/VietGAHP nhằm tăng cường chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản, đảm bảo quy định an toàn thực phẩm.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiệu dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tối ngày 22/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị thuộc Bộ, Sở NN-PTNT một số địa phương cùng đại diện các nhà bán lẻ, hiệp hội ngành hàng để trao đổi về công tác quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần cùng nhau nhìn nhận để giải quyết vấn đề. “Chúng ta cần xây dựng các chuỗi ngành hàng, từ sản xuất tới thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến cho đến cung cấp ra thị trường. Để có sản phẩm sạch từ ruộng đến bàn ăn, cần kết nối được thành phần trong chuỗi ngành hàng, cần đến niềm tin giữa các bên”, lãnh đạo ngành nông nghiệp nói.
Mở rộng hơn, ông cho rằng cần xây dựng các hệ sinh thái ngành hàng, với sự tham gia của nhiều thành phần. Khi đó, các thành phần trong hệ sinh thái cần có sự thấu hiểu, đặt vào vị trí của nhau để kết nối lại, để xây dựng được những chuỗi ngành hàng hiệu quả nhất.
“Nhà nước, thị trường, xã hội cần khớp được với nhau thì mới phát triển được”, Bộ trưởng nhận định và lưu ý thêm, để cải thiện không thể là chuyện ngày một ngày hai.
“Để thành công, chúng ta cần tư duy đi đường dài cùng nhau, sự vào cuộc của các hệ thống bán lẻ, các hiệp hội, các cơ quan truyền thông để xây dựng các chuỗi ngành hàng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, không chỉ vì các con số xuất nhập khẩu mà vì 100 triệu người dân Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.