Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 3 năm 2023 | 9:45

Siết chặt khai thác măng vầu tự nhiên: Văn Bàn tạo sinh kế bền vững cho người dân

Nhằm bảo vệ diện tích rừng vầu phát triển bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho bà con các dân tộc trên địa bàn, UBND huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng việc khai thác măng vầu trên địa bàn từ ngày 1/3 hàng năm (mỗi năm chỉ được khai thác từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 2 năm sau).

Sống dựa vào rừng

Văn Bàn có 21 xã và 01 thị trấn, với 195 thôn bản, tổ dân phố (có 117 thôn sống trong rừng và liền kề với rừng),  20.540 hộ gia đình (95.400 nhân khẩu), với 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là người Tày, Kinh, Dao, Thái, Mông...; tập quán canh tác còn lạc hậu, sản xuất nương rẫy theo kiểu quảng canh, luân canh, vẫn còn tình trạng thả rông gia súc.

Diện tích rừng tự nhiên của Văn Bàn có hơn 85.000ha. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là 22.880,68 ha; rừng phòng hộ 40.648,9ha; rừng đặc dụng 22.375,41 ha.

Nguồn măng từ rừng vầu tự nhiên mang lại nguồn thu nhập bền vững góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân.

Bà Triệu Kim Phây (dân tộc Dao) ở thôn Khe Cóc (xã Nậm Tha) kể, hàng năm bắt đầu từ khoảng tháng 11, bà con các thôn bản bắt đầu kéo nhau vào rừng đào măng về ăn và để bán. Măng nhiều và ngon ngọt nhất là vào tháng 12, ít nhất là vào tháng 3 năm sau, cũng là thời điểm măng đã hết hoặc chuyển vị đắng. Bà con đi hái măng về bán cho các điểm thu mua, xã nào cũng có 1-2 điểm với giá khoảng 20.000 đồng/kg, nhưng về cuối mùa thì giá măng giảm dần, chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg. Để tìm được những cây măng ngon, cứ nhìn dấu hiệu của đất (chỗ gốc cây mẹ có đất nứt ra) đào sâu xuống sẽ có những búp măng còn nằm trong lòng đất, to tròn, nõn nà, ăn có vị ngọt đậm. Bởi thế, măng vầu ở Văn Bàn ngon có tiếng, khai thác đến đâu bán hết đến đấy. Không chỉ bán trên địa bàn tỉnh Lào Cai mà còn được chở đi nhiều tỉnh, thành miền xuôi bán với giá 60.000 - 80.000 đồng/kg.

Ông Triệu Tòn Siết, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Tha, cho biết: “Xã có diện tích rừng vầu tương đối lớn. Trước đây, bà con chủ yếu khai thác về ăn và bán trong huyện nên giá trị kinh tế không cao. Vài năm trở lại đây, măng vầu Văn Bàn được biết đến như loại cây đặc sản, ăn giòn, ngọt, thanh mát và đặc biệt là rất sạch, mọc trong rừng tự nhiên không có bàn tay chăm sóc của con người. Vì vậy, cứ đến mùa măng là thương lái khắp nơi tìm về thu gom, giá măng cũng tăng cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong thôn”.

Văn Bàn hiện có hơn 2.500ha rừng tự nhiên hỗn giao có phân bố cây vầu. Với sản lượng khai thác ước tính khoảng 500kg măng/ha thì tổng lượng măng được nhân dân khai thác khoảng 1.880 tấn, tính giá trung bình khoảng 7.000 đồng/kg thì số tiền thu được khoảng 13 tỷ đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ góp một phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân sống trong và gần rừng.

Bà con các dân tộc ở Văn bàn sẽ được phép khai thác măng từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 2 năm sau.

Đảm bảo tái sinh rừng tự nhiên

Theo chân cán bộ kiểm lâm huyện Văn Bàn vào sâu trong rừng, nơi có những cây vầu già đường kính 16cm, ông Nguyễn Công Tưởng, Hạt trưởng Kiểm Lâm Văn Bàn, cho biết: “Những năm gần đây, do măng vầu đem lại giá trị kinh tế cao nên người dân khai thác khá bừa bãi. Việc đào bới vô tội vạ không có ý thức đã chặt đứt nhiều rễ chính khiến măng không thể tiếp tục nảy mầm mà còn huỷ diệt cả sức sống của cây mẹ. Trong khi đó, Văn Bàn hiện không có diện tích trồng vầu mà đều là diện tích rừng tự nhiên. Trên cơ sở bảo vệ và gìn giữ rừng, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án quản lý khai thác măng vầu. Theo đó, người dân được phép khai thác măng trong rừng vầu, bán thương mại vào thời điểm từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 2 năm sau.

UBND huyện Văn Bàn vừa có văn bản tạm dừng khai thác măng vầu từ 1/3 hằng năm với mục đích là để cho cây măng phát triển trở lại, tạo thành tầng thứ sinh cho rừng vầu phát triển và có nguồn thu cho năm sau. Huyện cũng yêu cầu các xã có văn bản tạm dùng hoạt động các điểm thu mua măng trên địa bàn và phổ biến rộng rãi đến toàn thể nhân dân ở các nhà văn hoá thôn bản và các hộ gia đình sống ở gần đường giao thông.

“Hạt Kiểm lâm mới bắt được một phương tiện vận  chuyển măng vầu trái phép không có thủ tục giấy tờ, chúng tôi đã xử lý theo đúng quy định của pháp luật theo Nghị định 35 và Nghị định 07 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đối tượng vận chuyển đã từng được lực lượng kiểm lâm tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và cả đến tận nhà tuyên truyền nhưng vẫn cố tình vi phạm nên chúng tôi đã tiến hành xử lý theo quy định”, ông Tưởng nói.

Rừng vầu thuộc loài thứ sinh, hình thành sau nương rẫy hoặc sau khi rừng nguyên sinh đã khai thác. Cây sinh trưởng chủ yếu bằng hệ thống thân ngầm nằm dưới mặt đất 20-30cm, đôi khi có thân ngầm chồi lên trên mặt đất. Mùa sinh trưởng từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, mầm măng phát triển dưới mặt đất, sau đó phát triển nhô nên khỏi mặt đất. Theo các kỹ sư nông nghiệp, thời điểm thu hái măng tốt nhất vào buổi sáng, khi măng bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất 10 - 20cm. Vị trí cắt măng là phần tiếp giáp giữa thân ngầm và thân măng.

Khi khai thác măng cần phải đào xuống dưới lớp đất mặt, sau đó dùng dao cắt tại vị trí phình ra của eo măng theo chiều thẳng đứng từ trên xuống, cách gốc cây mẹ khoảng 10cm. Chú ý không làm hư hại gốc cây mẹ, bởi vì ở đó có những mắt sinh ra măng mới. Lấy măng xong lại phủ đất lên gốc khóm măng như cũ. Đặc biệt, chỉ khai thác cây măng đã thành thục và để lại những cây thẳng đẹp để nuôi dưỡng.

Cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền cho người dân tránh tình trạng đào bới bừa bãi gây ảnh hưởng đến việc tái sinh rừng tự nhiên.

Bảo vệ rừng 24/24 giờ

Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ đã thành lập 7 chốt bảo vệ rừng/2 tổ bảo vệ rừng bán chuyên trách, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn 3 chốt, duy trì lực lượng trực 24/7 tại các chốt và thường xuyên tổ chức tuần tra các diện tích rừng được giao, nhờ đó, những vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp luôn được phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời. Do vậy, đến nay diện tích rừng trên địa bàn được giữ vững, không còn điểm nóng về khai thác, săn bắn, phát, phá rừng… trái phép.

Hiện, lực lượng kiểm lâm huyện Văn Bàn cũng đã di chuyển các chốt bảo vệ rừng ở ngoài rừng vào trực tiếp trong rừng và đưa các tổ khoán bảo vệ rừng vào bảo vệ rừng tận gốc, có địa điểm phải đi bộ 2-3 tiếng đồng hồ mới vào đến nơi. Các lực lượng bảo vệ rừng thay nhau canh gác 24/24 giờ.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top