Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 12 năm 2022 | 11:22

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trách nhiệm

Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư quan trọng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, chất lượng nông sản...

Sử dụng đúng cách

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có tác dụng chính là phòng, trừ sâu bệnh gây hại, giúp tăng năng suất, sản lượng, bảo quản nông sản. Nếu thiếu đi loại vật tư nông nghiệp này, hơn nửa sản lượng lương thực toàn cầu sẽ bị thất thoát do tác hại của sâu, bệnh và cỏ dại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tác động xấu đến đời sống, thu nhập của người nông dân.

Không thể phủ nhận vai trò của thuốc BVTV. Tuy nhiên, việc lạm dụng nó có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ở nhiều địa phương hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách, đúng lúc) mà phần lớn chỉ mới chú trọng đến vấn đề công dụng của thuốc.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, tâm lý của phần lớn người sử dụng thuốc BVTV chỉ thích dùng những loại thuốc có tác động nhanh, trong khi nhiều loại thuốc BVTV sinh học hoặc nguồn gốc sinh học an toàn môi trường nhưng do tác dụng chậm, ít được lựa chọn sử dụng.

Nông dân chỉ được sử dụng thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Khi sử dụng thuốc BVTV, nhiều người gần như không quan tâm đến các thông tin hướng dẫn trên nhãn, do đó, không xác định được thời điểm gây hại của dịch hại vào thời điểm cần xử lý, liều lượng thuốc BVTV thường tăng hơn so với hướng dẫn. Một số trường hợp trộn nhiều loại thuốc với nhau, không bảo đảm thời gian cách ly, dẫn đến các hiện tượng kháng thuốc, dư lượng thuốc BVTV vượt quá ngưỡng an toàn.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Cục BVTV đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hướng dẫn nhà nông, các đại lý bán thuốc BVTV các biện pháp kỹ thuật khi sử dụng, kinh doanh thuốc BVTV. Trong đó, thực hiện tập huấn cho hơn 142.000 nông dân, 14.000 đại lý về sử dụng thuốc BVTV vật an toàn, hiệu quả. Xây dựng hơn 1.300 bể chứa và bể lưu chứa, thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Triển khai xây dựng các mô hình trên lúa, hồ tiêu, cà-phê, chè, cây ăn quả, cây rau với diện tích hơn 150.000ha. Cùng với đó là cam kết mở rộng quy mô, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Trong đó, xây dựng “Chương trình Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc BVTV sinh học đăng ký đạt 30%, tăng lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ thuốc BVTV ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký, sản xuất, buôn bán, sử dụng, kiểm soát dư lượng trong nông sản, thu gom và xử lý bao bì sau sử dụng.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, loại bỏ các hoạt chất thuốc BVTV có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái để loại bỏ khỏi danh mục theo quy định. Khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, thuốc BVTV sinh học.

“Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các biện pháp truy xuất nhanh nguồn gốc thuốc BVTV lưu thông qua hệ thống QR code, công nghệ 4.0 như bẫy đèn, viễn thám, dự tính dự báo, thiết bị bay không người lái… trong sản xuất nông nghiệp”, ông Đạt cho biết thêm.

Ngoài ra, Cục BVTV sẽ tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng… thuốc BVTV.

Vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tại kỳ họp thứ 3, QH khóa XV: Thời gian qua, Bộ đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ, trong bối cảnh giá phân bón liên tục tăng cao. Đánh giá đây là giải pháp căn cơ chủ động và tích cực, song đại biểu cho rằng từ trước đến nay, tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung; trong khi đó ở Đồng bằng sông Cửu Long, bà con nông dân chưa hoặc ít chủ động sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học, sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc BVTV đang cao. Do đó, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc BVTV sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; đồng thời, nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản.

Ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam

Để giảm thiểu việc nông dân lạm dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp,  Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT Ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam thay thế cho Thông tư 19/2021. Thông tư này có hiệu lực từ 16/01/2023.

Theo đó, trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc sử dụng trong nông nghiệp gồm thuốc trừ sâu có 689 hoạt chất với 1.670 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh 651 hoạt chất với 1.492 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ 256 hoạt chất với 765 tên thương phẩm; thuốc trừ chuột 8 hoạt chất với 37 tên thương phẩm; thuốc điều hoà sinh trưởng 58 hoạt chất với 172 tên thương phẩm; chất dẫn dụ côn trùng có 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm; thuốc trừ ốc 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm; chất hỗ trợ (chất trải) 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm.

So với Thông tư 19/2021, Thông tư mới có thêm 79 hoạt chất thuốc BVTV với 301 tên thương phẩm mới được phép sử dụng tại Việt Nam, chủ yếu nằm trong nhóm thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh và thuốc trừ cỏ.

Thông tư này vẫn giữ nguyên 31 hoạt chất thuốc BVTV bị cấm sử dụng tại Việt Nam, bao gồm các hoạt chất: 2.4.5 T, Captan, Captafol, Methamidophos, Aldrin, Carbofuran, Chlordane, Methyl Parathion, Parathion Ethyl, BHC, Lindane...

Từ năm 2017 đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã loại bỏ 12 hoạt chất gồm Carbendazim, Thiophanate Methyl, Benomyl, Paraquat, 2,4D, Acephate, Diazinon, Zinc phosphide, Malathion, Chlorpyrifos ethyl, Fipronil, Glyphosate với 1.706 tên thương phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường.

Cuối năm 2021, Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT) có công văn gửi các hiệp hội và các tổ chức, cá nhân kinh doanh về kế hoạch rà soát, loại bỏ thuốc BVTV.

Dự kiến kế hoạch các hoạt chất sẽ được đưa ra khỏi danh mục trong quý 2/2022, gồm hoạt chất Carbosulfan, Benfuracarb.

Trong thông tư mới, hai hoạt chất này vẫn nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top