Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 847/UBND-TNMT về việc tập trung tổ chức thực hiện Chuyên đề 3 của UBND thành phố đối với nội dung “Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất sử dụng trái mục đích trên địa bàn thành phố”.
Tràn lan việc lấn chiếm sử dụng đất nông nghiệp trái phép
Thời gian qua, công tác quản lý đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng của các quận, huyện còn chưa nghiêm. Thậm chí còn có dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai, để cho những sai phạm về chiếm dụng đất nông nghiệp, xây dựng trên đất chưa sử dụng và sử dụng đất trái mục đích diễn ra tràn lan gây bức xúc trong xã hội và nhân dân.
Tình trạng xây dựng trái phép ở quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) diễn ra tại nhiều nơi, với quy mô lớn đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch và mục đích sử dụng đất nông nghiệp gây bức xúc trong dư luận.
Tình trạng xây dựng lấn chiếm, cơi nới không phép trên đất nông nghiệp xảy ra ở một số quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội (Ảnh: PV)
Dọc 2 bên tuyến đường Phạm Hùng, từ phía làng Đình Thôn sang đối diện dự án Công viên và Hồ điều hòa CV1, la liệt các kiốt, nhà xưởng ngang nhiên lấn chiếm mặt bằng, sử dụng đất sai mục đích chưa được xử lý, tháo dỡ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch của tuyến phố đô thị.
Không chỉ ngang nhiên xây dựng "lộ thiên" ngay mặt đường của tuyến đường chính Phạm Hùng, các nhà xưởng trái phép còn nằm san sát nhau, cạnh cổng làng Đình Thôn, trải dài về 2 phía, kinh doanh tự do đa dạng các ngành nghề như: salon, showroom ô tô, cửa hàng ăn uống, cửa hàng quần áo, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng…
Tại khu vực Vườn Cam chỉ nằm cách UBND phường Phú Đô chưa đầy 100m, nhưng hàng loạt nhà xưởng nằm san sát nhau, mọc lên trải dài hàng trăm mét mặt đường. Kèm theo đó là hệ thống phòng cháy chữa cháy không được đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào. Rồi tại đường Vũ Quỳnh, tiếp nối với đường Vườn Cam, một phần con đường này thuộc phường Phú Đô cũng bị băm nát, các nhà xưởng thu mua đồng nát cũng được dựng mới tại đây, nhiều nhà hàng và các gara ô tô được kiên cố bằng bê tông hoá khiến cho con đường này xuống cấp, ngày một nhếch nhác.
Tại xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ), xuất hiện nhiều công trình nhà ở kiên cố, nhà mái tôn, khu nghỉ sinh thái... xây dựng trên dất nông nghiệp. Hiện trạng này gây bức xúc trong dư luận, hình thành nên cụm dân cư tự phát gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Ngôi nhà 02 tầng được xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Trường Yên (ảnh báo MTCS)
Trả lời cơ quan báo chí, ông Trần Văn Hiển - Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết, danh sách các hộ dân xây dựng trên đất nông nghiệp được cơ quan báo chí cung cấp xã đã nắm được. Các hộ dân vi phạm đã xử phạt rồi.
Như vậy, tất cả các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp lãnh đạo xã Trường Yên đều đã nắm rõ cụ thể, nhưng đến nay việc xử lý vẫn chưa triệt để, nhiều công trình vẫn đang trong quá trình xây dựng, thậm chí có công trình người dân đã vào ở gây bức xúc trong nhân dân ở đây.
Đây chỉ là vài ví dụ rất nhỏ về tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng đất trái mục đích ở một số quận, huyện của Hà Nội, không chỉ đất nông nghiệp mà đất công, đất bãi bồi sông Hồng cũng bị lấn chiếm và xây dựng trái phép. Mặc dù báo chí đã phản ánh rất nhiều, lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo rất quyết liệt đối với quận, huyện buông lỏng quản lý đất đai, nhưng những chỉ đạo của thành phố dần bị “quên lãng”, sai phạm vẫn diễn ra tràn lan gây bức xúc trong dư luận.
Chấm dứt tình trạng cho thuê đất nông nghiệp, đất công trái quy định
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 847/UBND-TNMT về việc tập trung tổ chức thực hiện Chuyên đề 03 của UBND thành phố đối với nội dung “Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất sử dụng trái mục đích trên địa bàn thành phố”.
Tràn lan việc xây dựng trên đất nông nghiệp (ảnh Cường Ngô)
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt những giải pháp đồng bộ để xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của UBND thành phố đối với các vi phạm đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận tại các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo Thanh tra các quận, huyện, thị xã chủ trì công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc và UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện xử lý, khắc phục các vi phạm theo kết luận thanh tra; chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ đối với UBND các phường, xã, thị trấn được giao nhiệm vụ trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý, khắc phục sau thanh tra; lập hồ sơ, sổ theo dõi kết quả xử lý, khắc phục các vi phạm, kiên quyết không để tái vi phạm tại các vị trí đất đã được xử lý, có kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định; xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo kết luận thanh tra, tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới; kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan trong việc tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chuyên đề số 03 không đúng theo đề cương, trùng lặp số liệu đã báo cáo của kỳ trước, gây khó khăn cho công tác tổng hợp.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay khi xuất hiện các hành vi vi phạm, lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, các địa phương siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai đối với các trường hợp phân lô, bán nền liên quan đến việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công theo quy định.
Đặc biệt, chấm dứt tình trạng UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp, thôn, xóm tại một số phường, xã, thị trấn quản lý và cho thuê đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công trái quy định của pháp luật.
Các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quy hoạch và Kiến trúc, Tư pháp và Thanh tra thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xử lý các vi phạm còn tồn tại đã được kết luận thanh tra và tổng hợp nêu trên, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh, không để các vi phạm trở thành điểm nóng và kiến nghị UBND thành phố áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định; thường xuyên và định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng, quy hoạch và thực hiện thu, chi ngân sách liên quan đến đất đai tại các quận, huyện, thị xã…
Động thái này của thành phố được cho là quyết liệt, các quận, huyện, sở ngành cần vào cuộc quyết liệt. Người dân mong rằng, việc xử lý những vi phạm trong quản lý và cho thuê đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công trái quy định phải gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời công khai kết quả xử lý cá nhân, tập thể vi phạm để cử tri, người dân, cơ quan báo chí, hội đoàn thể... được biết, giám sát.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.