Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 8 năm 2023 | 10:35

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023

Khi kinh tế - xã hội phát triển nhu cầu được “ăn ngon, mặc đẹp” tăng lên, nhất là vào những dịp lễ, tết cổ truyền như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu… là dịp để các tổ chức, cá nhân đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường tiêu thụ, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe của người dân.

Mùa Trung thu năm nay lại sắp đến gần, nỗi lo về bánh kém chất lượng lại gia tăng nếu như không có sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Kiểm tra, xử phạt, thu giữ năm nào cũng có

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm đặc biệt vào những dịp lễ, tết tăng cao gấp nhiều lần so với những ngày bình thường, chính vì thế các đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có nhiều cơ hội để tiêu thụ những loại thực phẩm này để chế biến thức ăn, giò chả, làm nhân bánh đưa ra thị trường.

Tết Trung thu đối với người Việt Nam là Tết của con trẻ đã có từ lâu đời, trong cái Tết này ngoài việc tổ chức cho trẻ em được ngắm trăng, phá cỗ ngày trăng sáng nhất trong năm không thể thiếu được bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền. Khi kinh tế phát triển thì nhu cầu tiêu thụ loại bánh này tăng cao, nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo của những hãng sản xuất bánh mới ra đời. Giá trị của những chiếc bánh nướng, bánh dẻo này không hề rẻ và đã trở thành món quà biếu rất đắt giá. Vì thế bánh giả nhãn mác của các thương hiệu có tiếng, bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu làm bánh cũng không rõ ràng trôi nổi trên thị trường được bày bán công khai, để đáp ứng cho mọi đối tượng người tiêu dùng.

Nếu không có lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý, người tiêu dùng không thể biết được loại bánh nào an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đi kèm là hậu quả khó lường đối với sức khỏe khi sử dụng loại bánh này. Năm nào cũng vậy hàng loạt vụ kiểm tra, thu giữ được các lực lượng chức năng tiến hành xử lý nhưng tệ nạn này vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng. Một vài vụ việc được các lực lượng chức năng xử lý ở mùa Trung thu năm trước để thấy được tình trạng phức tạp trong việc sản xuất bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường như thế nào.

Một vụ vận chuyển bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ

Ngày 15/8, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa là 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng/chiếc. Trị giá hàng hóa là: 27.000.000đồng.

Trong 2 ngày 30 – 31/8/2022, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã thu giữ 2.400 chiếc bánh trung thu nhập lậu, có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ. Hay ngày 31.8, Đội quản lý thị trường số 3 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức kiểm tra và phát hiện 2.200 chiếc bánh nướng trung thu loại 40g/chiếc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cũng tại Hà Nội từ ngày 23 – 29/8, lực lượng chức năng của Công an thành phố Hà Nội phát hiện, thu giữ gần 10.000 sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 6/9/2022 lực lượng QLTT Hưng Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên (Tổ công tác liên ngành) liên tiếp phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 32.500.000 đồng và tiêu hủy 17.850 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cùng ngày 6/9, Đội QLTT số 11 thuộc Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Đội 1, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm do ông P.H.H làm chủ có địa chỉ tại đường An Dương Vương, phường Trường Thi, TP Vinh (Nghệ An). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của ông H. đang sử dụng tài khoản trên trang Facebook để tiến hành các hoạt động bán hàng, chốt đơn qua mạng xã hội.

Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 600 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì vỏ bánh không thể hiện thông tin, căn cứ để xác định nơi sản xuất hàng hóa. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc số hàng hóa nói trên.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông H. thừa nhận do nhu cầu tiêu thụ bánh trong dịp Trung thu tăng cao nên ông đã nhập số bánh trên từ các nguồn trôi nổi trên thị trường về để đăng bán online kiếm lời.

Nhu cầu cao, lợi nhuận lớn đã làm mờ mắt các đối tượng vận chuyển, buôn bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ. Nếu không có các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, việc ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người tiêu dùng là khó tránh khỏi.

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2023

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn số 1888/ATTP-NĐTT ngày 15/8/2023 đề nghị các đồng chí Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cụ thể như sau: 

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra bánh Trung Thu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…. Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng như sau:

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Thực hiện sự chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, các địa phương cũng đã có chỉ đạo cho các lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết trung thu năm 2023.

Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên vừa ký ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2023. Theo đó, kế hoạch này sẽ được triển khai từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9.

Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu thu tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì; khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh trung thu...

Cùng đó là kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, nguy hiểm, không phù hợp với lứa tuổi, giáo dục nhân cách trẻ em, đồ chơi trẻ em nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn.

Mùa Trung thu năm 2023 đang đến gần, hiện nay các nhà sản xuất bánh nướng, bánh dẻ có thương hiệu đã tung ra các sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, bên cạnh đó các loại bánh cổ truyền cũng đang được sản xuất và đưa đi tiêu thụ. Đây cũng là thời điểm rất cần sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, để bảo đảm cho một mùa Trung thu an toàn.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top