Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 2 năm 2023 | 10:2

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ATTP mùa lễ hội

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cho mùa lễ hội Xuân 2023, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Siết chặt vệ sinh ATTP tại lễ hội chùa Hương

Đây là một trong những công việc của lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội nhằm kịp thời xử lý những vấn đề về an toàn thực phẩm trên địa bàn sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, trong bối cảnh người dân khắp nơi đi du xuân đầu năm.

Tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngay những ngày đầu sau thời gian nghỉ lễ, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm dịp lễ hội Xuân.

Điển hình phải kể tới việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Những ngày đầu xuân Quý Mão, rất nhiều người dân đã về chùa Hương đi lễ đầu năm. Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn được đặt lên hàng đầu.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương (ảnh Lưu Quyên)

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường trên địa bàn huyện Mỹ Đức chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, tập trung vào những mặt hàng được người dân tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao.

Đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng và điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, giám sát kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau Tết Nguyên đán là dịp lễ hội đầu Xuân nên lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý các di tích tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội để đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhân dân vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe. Lực lượng chức năng sẽ kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định an toàn thực phẩm.

Các biện pháp đảm bảo ATTP mùa lễ hội

Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới trải dài, địa hình rộng, các đối tượng lợi dụng để buôn lậu hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 49.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm. Thực phẩm được nhập từ nhiều nguồn trong, ngoài tỉnh, nhập khẩu, nên việc kiểm soát ATTP luôn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP còn mỏng ở cấp cơ sở; nhận thức của một số người tiêu dùng còn hạn chế, dễ dãi trong sử dụng thực phẩm rẻ, không an toàn... Đó là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết và mùa lễ hội xuân 2023 trên địa bàn.

Căn cứ vào kế hoạch của Trung ương, chỉ đạo của tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023. Trong đó đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP; các biện pháp về đảm bảo ATTP; tuyên truyền cho người tiêu dùng biết cách chọn mua thực phẩm an toàn và biết các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm trên địa bàn; giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh dịch truyền qua thực phẩm, nhất là các nơi diễn ra lễ hội, các địa điểm tổ chức ăn đông người; chủ động các kế hoạch, phương án cấp cứu điều trị kịp thời người ngộ độc thực phẩm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để diễn biến kéo dài phức tạp.

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP TP Cẩm Phả kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Bạch Dương

Từ đầu tháng 1/2023, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm siết chặt và ngăn chặn kịp thời việc SXKD thực phẩm giả, kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân. Đoàn liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm mua bán, SXKD, kho, bến bãi tập kết hàng hóa...

Theo ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế): Nhằm bảo đảm tốt công tác ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong thời điểm diễn ra lễ hội, Chi cục đã xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; chỉ đạo và hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý. Chi cục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, chủ cơ sở nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ uy tín với du khách. Hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ được đơn vị duy trì suốt trong năm 2023.

Tại TP. Móng Cái, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023, 18 đoàn liên ngành của thành phố và các xã, phường đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại 75 cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua đó nhắc nhở 32 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 8 vụ; tiêu huỷ số hàng hoá trị giá 28,5 triệu đồng. Thành phố đã làm test xét nghiệm nhanh ATTP đối với một số sản phẩm như rau cải, giò, chả, nước sinh hoạt, rượu, bát, khay chứa thực phẩm, methanol…tại một số cửa hàng; kết quả đều âm tính. Đến nay, thành phố đã thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP đối với 5.514/6.004 cơ sở (91,8%); trong đó lĩnh vực y tế thực hiện ký cam kết đối với 504/504 cơ sở, lĩnh vực công thương, nông nghiệp thực hiện ký cam kết đối với 5.010/5.500 cơ sở (91%).

Đoàn liên ngành số 3 của tỉnh kiểm tra công tác chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP tại Cơ sở nấu rượu thủ công Mạnh Tiến (phường Hải Hòa, TP Móng Cái), ngày 4/1/2023. Ảnh: Trung Thành

TP. Cẩm Phả hiện có trên 3.300 cơ sở SXKD thực phẩm. Để đảm bảo an toàn mùa lễ hội, công tác vệ sinh ATTP luôn được thành phố quan tâm. Riêng dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023, thành phố đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác bảo đảm ATTP tới các đơn vị, hộ kinh doanh tại các xã, phường. Đồng thời thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh hàng ăn uống, đoàn liên ngành của thành phố chú trọng kiểm tra các nội dung: Cam kết cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định khi cần thiết; giấy kiểm nghiệm các chỉ tiêu nước sinh hoạt, ăn uống của cơ sở; các hồ sơ pháp lý khác theo yêu cầu của đoàn kiểm tra nếu cần thiết. Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, đoàn liên ngành của thành phố và các xã, phường đã kiểm tra trên 100 cơ sở; qua đó phát hiện 11 cơ sở vi phạm quy định về ATTP, phạt 9,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an thành phố kiểm tra, xử lý 10 vụ, phạt 27 triệu đồng.

Theo lãnh đạo TP. Cẩm Phả, không chỉ tăng cường kiểm tra ATTP tháng cao điểm, dịp lễ, Tết, hoạt động này được thành phố duy trì thường xuyên, liên tục. Mỗi tháng, thành phố duy trì 2 đoàn liên ngành cấp thành phố, tập trung kiểm tra lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y tế. Đồng thời 16 xã, phường đều vào cuộc, kiểm tra thường xuyên. Qua đó đã xử lý vi phạm hành chính về ATTP gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Những cơ sở nào cố tình vi phạm, thành phố áp dụng mức phạt cao nhất để có tính răn đe.

Xử phạt 142 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản…

Trong tháng 1, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thanh, kiểm tra 821 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp, qua đó các địa phương đã xử phạt 142 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền hơn 733 triệu đồng.

Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức lấy 44 mẫu thủy sản giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả không phát hiện mẫu vi phạm. Đối với các địa phương, lấy 1.207 mẫu nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, phát hiện 20 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 1,65%. Đối với các mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm, các cơ quan chức năng đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 382 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, kết quả 381 cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm, chiếm 99,7%.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được duy trì xuyên suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp tổ chức đoàn kiểm tra nguồn cung đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quỹ Mão và mùa lễ hội Xuân 2023 tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2023, Bộ NN&PTNT đã chủ động trong xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Kết quả Trung Quốc đã chấp thuận bổ sung 23 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, nâng tổng số lên 802 cơ sở; tiếp tục xử lý các vướng mắc liên quan đến đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc, bổ sung sản phẩm (sứa muối) vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; xử lý các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu.

Về cung, cầu hàng hóa trong dịp Tết, Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình thời tiết các tháng cuối năm 2022 ổn định nên sản xuất các mặt hàng nông sản khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Đàn lợn, đàn gia súc, gia cầm đang giữ được nhịp tăng trưởng nên hoàn toàn có thể bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... có biến động tăng trong những ngày cận Tết do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, nhờ nguồn cung trong nước dồi dào và việc triển khai chương trình bình ổn thị trường tại các điểm bán hàng bình ổn, các siêu thị, trung tâm thương mại nên mức tăng sẽ không cao, không có tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Trong dịp Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, tập trung vào các mặt hàng rượu, bia, bánh mứt kẹo, nước giải khát, các loại hoa quả, các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nâng công suất sản xuất, tăng lượng hàng xuất nhập khẩu để đáp ứng với thị trường.

Đây là nhu cầu tất yếu, tuy nhiên, nếu chúng ta không có kế hoạch chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiểm tra, giám sát cũng như vận động tuyên truyền thì rất dễ xảy ra tình trạng một số sản phẩm không đảm bảo chất lượng trà trộn, đưa ra thị trường. Tại miền Bắc nước ta thông thường vào dịp Tết thời tiết thường ẩm, mốc, mưa xuân rất dễ dẫn đến nấm mốc đối với các loại hạt có dầu như: đậu tương, đậu phộng, hạt dẻ, hạt hướng dương… nếu bị mốc dễ gây ra các độc tố vi nấm không tốt cho sức khỏe.

Còn tại miền Nam, đặc thù dịp Tết lại rất nóng, các sản phẩm có nguyên liệu từ động vật dễ bị ôi thiu, mốc hỏng. Ngoài ra, tại nhiều vùng nhân dân ta vẫn có thói quen mua tích lũy rất nhiều thực phẩm, cất giữ trong tủ lạnh. Theo tôi cần thay đổi thói quen này, vì hiện nay mùng 1, mùng 2 Tết là các chợ và siêu thị đã mở cửa bán hàng nên chúng ta không nên tích lũy quá nhiều thực phẩm trước Tết. Do đặc thù sản xuất kinh doanh như vậy, nên để phòng ngừa ngăn chặn ngộ độc thực phẩm đảm bảo cho nhân dân đón một cái Tết vui khỏe, lành mạnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội sau Tết, tập trung vào 2 nội dung chính đó là: công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là nhóm sản phẩm nhu cầu sử dụng trong dịp Tết tăng cao, đặc biệt tập trung vào các tỉnh có cửa khẩu, các tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các tỉnh, khu vực nơi trung chuyển thực phẩm về các địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Trên cơ sở kế hoạch của Trung ương, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất kinh doanh thực phẩm để có kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo việc lựa chọn, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đảm bảo quy trình sản xuất, ghi nhãn, công bố, kiểm nghiệm. Đối với người tiêu dùng, cần tập trung vận động tuyên truyền người dân thay đổi phương thức sử dụng, không tích lũy quá nhiều thực phẩm trong các ngày Tết, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra phải có lực lượng đủ mạnh để nếu phạt hiện vi phạm thì xử lý kịp thời. Tập trung vào công tác lấy mẫu. Yêu cầu các Sở y tế ưu tiên các mẫu kiểm nghiệm mà đoàn thanh tra, kiểm tra gửi để đảm bảo có kết quả nhanh nhất. Khi có kết quả không đảm bảo chất lượng của các phòng kiểm nghiệm thì lập tức dừng lưu thông đối với sản phẩm vi phạm, tránh việc để sau Tết mới có kết quả kiểm nghiệm.

 Kiểm soát an toàn thực phẩm là cả một quá trình, từ khi lựa chọn nguồn nguyên liệu đến quá trình nhập nguyên liệu, xử lý sơ chế ban đầu kể cả nguồn nước hay trang thiết bị, dụng cụ. Việc này được thực hiện không chỉ với những sản phẩm được sản xuất, chế biến sử dụng ngay, mà cả sản phẩm được bảo quản sau một thời gian nhất định nào đó, ví dụ các suất ăn sẵn sau khi chế biến cũng phải có thời gian thời nhất định rồi mới đưa đến người sử dụng.

Đối với sản phẩm bao gói sẵn thì có thể còn có cả một khoảng thời gian dài mới đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, trải qua một quá trình như thế rất có thể tại một khâu nào đó có sơ suất thì vẫn có thể dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc. Chính vì quy trình như thế nên chúng ta phải khuyến cáo giám sát cả một quá trình. Trong quản lý thực phẩm ở nước ta cũng như trên thế giới đã áp dụng quy trình phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn tức là xem xét lại cả một quy trình sản xuất của một loại sản phẩm nào đó, qua phân tích thấy chỗ nào là nguy cơ cao nhất thì can thiệp và tập trung nhiều nhất vào khâu đó. Từ quy trình sản xuất như vậy sẽ giúp cho giảm tối đa nguy cơ có thể gây mất an toàn.

Qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp và trường học, chúng tôi thống kê có đến 70% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do chế biến ở nơi khác, sau đó vận chuyển đến cho công nhân. Sau khi chế biến xong thì phải bảo quản lạnh hoặc bảo quản nóng, chứ nếu để ở nhiệt độ thường 30-40 độ thì rất dễ có vi khuẩn. Vì vậy, khi chế biến thực phẩm xong, một là tiếp tuc bảo quản nóng hoặc tiếp tục được bảo quản lạnh trước khi đưa đến người tiêu dùng sử dụng. Nếu không, trong quá trình vận chuyển, trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo, có nơi vận chuyển mấy tiếng mới đưa đến cho công nhân ăn thì nguy cơ ngộ độc cao.

Chúng tôi khuyến cáo các nhà máy, khu công nghiệp, trường học cố gắng dành một diện tích đủ tiêu chuẩn để bố trí bếp ăn ngay tại chỗ cho công nhân, học sinh.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top