Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (gọi chung là vật tư nông nghiệp) giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản mà còn tác động xấu đến môi trường. Đây cũng chính là nỗi lo thường trực của nông dân mỗi khi bước vào vụ canh tác.
Tây Ninh: Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm
Tây Ninh là tỉnh có thế mạnh phát triển nông nghiệp. Hằng năm, nông dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ một lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ sản xuất. Hầu hết các mặt hàng này được các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phân phối đến tay người dân thông qua các đại lý.
Đặc biệt, mỗi khi bước vào vụ mùa mới, nhu cầu thị trường về các mặt hàng này lại tăng lên nhanh chóng. Chạy theo lợi nhuận, một số đại lý bán hàng kém chất lượng cho nông dân. Nguyên nhân sâu xa vẫn là sự lệ thuộc của nông dân vào các đại lý khi có gần 90% nông hộ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản theo kiểu “ăn trước trả sau”.
Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh lấy mẫu phân bón tại một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, khó khăn trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp hiện nay là ý thức kinh doanh của các đại lý. Họ không tuân thủ các quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh, nắm bắt các loại hàng hoá trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cố tình bán hàng kém chất lượng.
Thời gian qua, việc chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đa phần là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, nên khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Việc bảo quản, sắp xếp các loại vật tư nông nghiệp chưa đúng quy định, để lẫn lộn giữa các loại hàng hoá. Một số đơn vị còn vi phạm về sản xuất phân bón khi chưa có quyết định lưu hành tại Việt Nam.
Để tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, những năm qua, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, Thanh tra ngành Nông nghiệp thực hiện 18 cuộc thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực: phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống; chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong đó, Thanh tra Sở tiến hành 6 cuộc thanh tra, kiểm tra về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống tại 102 cơ sở, lấy 106 mẫu phân bón, 108 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 7 mẫu hạt giống kiểm tra chất lượng; phát hiện 11 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhãn hàng hoá, 36 mẫu vi phạm về chất lượng (25 mẫu không đạt chất lượng, 11 mẫu giả). Sở tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 42 trường hợp với tổng số tiền hơn 497 triệu đồng.
Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, Thanh tra Sở NN&PTNT thực hiện 4 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 44 cơ sở sản xuất, kinh doanh; lấy 52 mẫu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản; 41 mẫu thuốc thú y đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả, có 1 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh; 22 mẫu vi phạm chất lượng (10 mẫu không đạt chất lượng, 6 mẫu giả). Sở tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp với tổng số tiền 128,7 triệu đồng.
Về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, lực lượng chức năng thuộc Sở NN&PTNT thực hiện 7 cuộc kiểm tra tại 87 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lấy 88 mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, có 11 cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; 9 mẫu vi phạm chất lượng đạt chất lượng sản phẩm. Sở tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 19 trường hợp với tổng số tiền hơn 249 triệu đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện 1 cuộc kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi tại 16 cơ sở; lấy 12 mẫu thức ăn chăn nuôi gửi kiểm tra chất lượng, 8 mẫu nước tiểu bò test nhanh chỉ tiêu salbutamol. Kết quả, không phát hiện vi phạm.
Theo Thanh tra Sở NN&PTNT, các trường hợp vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra đều được xử lý nghiêm theo quy định. Song song với xử phạt vi phạm hành chính, Sở còn thông báo thông tin đến các địa phương nơi có công ty sản xuất và đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và cách phân biệt các sản phẩm nông lâm thuỷ sản là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chủ động công bố tiêu chuẩn cơ sở chất lượng sản phẩm, hàng hoá, thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục và giá bán từng loại sản phẩm.
Mặt khác, Sở sẽ phối hợp, trao đổi thông tin thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan chuyên môn địa phương ngoài tỉnh; thực hiện thống kê các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thuỷ sản để quản lý và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng không chỉ nguy hại đến sức khoẻ con người, môi trường sống mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị sản xuất - kinh doanh phân bón thật, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Vì vậy, cùng với sự kiểm soát thị trường của các ngành chức năng, nông dân cần mua sản phẩm tại các cửa hàng cố định, hợp pháp, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh những rủi ro, thiệt hại không đáng có trong trồng trọt, chăn nuôi.
Tràn lan phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm nhập nhằng nhãn hiệu tại An Giang
Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết liên tiếp hai ngày 4 - 5/3, Đội quản lý thị trường số 1, Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang phối hợp Tổ liên ngành 389 và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức kiểm tra phương tiện ô tô tải cùng với kho hàng hóa của Công ty TNHH MTV TM XNK Chính Ph có trụ sở tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, tạm giữ 1.299 bao phân bón tương đương với 65 tấn vi phạm nhãn. Lô hàng có giá trị gần 232 triệu đồng.
Cụ thể, chiều tối ngày 4/3/2024, tại Quốc lộ 91 thuộc khóm Hòa Bình, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, lực lượng kiểm tra tổ chức khám phương tiện xe ô tô tải có mui 67H-034.27 do ông Nguyễn Văn H. E sinh năm 1975 điều khiển.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 299 bao phân bón Ammonium Sulphate Granular, xuất xứ Trung Quốc, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Hàng hóa do Công ty TNHH MTV TM XNK Chính Ph có trụ sở tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, xuất bán cho một hộ kinh doanh có địa chỉ tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, có hóa đơn kèm theo. Trị giá hàng hóa: 55,315 triệu đồng.
Nghi vấn phân bón không đạt chất lượng, đoàn kiểm tra thống nhất lấy 2 mẫu để thử nghiệm về chất lượng. Hàng hóa lấy mẫu có giá trị 38 triệu đồng. Tiếp đến, trưa ngày 5/3/2024, kiểm tra Kho hàng hóa thuộc Công ty TNHH MTV TM XNK Chính Ph. có địa chỉ tại ấp An Khánh, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang do bà Nguyễn Thị K.H là người đại diện theo pháp luật.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.000 bao phân bón NPK 4-4-0 do Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu phân bón Hưng Th, có trụ sở tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An sản xuất. Hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc như mã số phân bón; NSX, HSD; thông tin cảnh báo; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, phương thức sử dụng. Trị giá hàng hóa 177,5 triệu đồng.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra lấy 01 mẫu phân bón urea, xuất xứ Malaysia được nhập khẩu, đóng gói và phân phối bởi Công ty TNHH MTV TM XNK Chính Ph để thử nghiệm về chất lượng. Hàng hóa lấy mẫu có giá trị 97 triệu đồng.
Cũng tại An Giang, ngày 07/3/2024 Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật và Công an xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã kiểm tra hộ kinh doanh Cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật T.H (tỉnh lộ 943, tổ 15, ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện và tiến hành lập biên bản tạm giữ 3.690 đơn vị thuốc bảo vệ thực vật (gồm 03 loại hàng hóa), trị giá hàng hóa trên 95,0 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa. Trong đó có 560 gói thuốc trừ sâu sinh học Kajio 1.0GR (khối lượng tịnh: 1kg); 330 chai thuốc trừ bệnh Mekong Vil 5sc (loại 01 lít/chai) và 2.800 gói thuốc trừ bệnh OXYCIN 100WP (khối lượng tịnh 25gr/gói).
Trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa, không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc trên nhãn và chưa xuất trình Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh Hóa: Siết chặt quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
Thời điểm này, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây trồng vụ xuân nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV tăng cao. Bà Lê Thị Xuyến ở phố 2, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) cho biết: "Gia đình tôi có 3 sào đất lúa và 2 sào đất trồng màu nên nhu cầu sử dụng các loại phân bón tới vài tạ mỗi vụ. Hiện nay, thị trường phân bón và thuốc BVTV rất phong phú về chủng loại và giá cả, tôi không biết chọn lựa sản phẩm nào đem lại hiệu quả cho cây trồng. Vì vậy, khi mua các sản phẩm, tôi thường đến cửa hàng quen và chọn mua những sản phẩm có thương hiệu".
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra chất lượng sản xuất phân bón tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại dịch vụ Phú Nông, thị xã Bỉm Sơn.
Ông Nguyễn Trọng Thắng ở xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) chia sẻ: "Trên diện tích 1ha măng tây của gia đình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên nguồn phân bón được tôi sử dụng là phân hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV hạn chế đến mức tối đa. Nếu phải sử dụng chỉ trong trường hợp thật cần thiết và sử dụng những loại thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép lưu hành, giúp tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn và đặc biệt là thân thiện với môi trường".
Công ty CP Thương mại Thiệu Yên, thị trấn Quán Lào (Yên Định) là doanh nghiệp chuyên cung ứng các loại phân bón thông qua hệ thống 200 đại lý trên địa bàn tỉnh. Tổng Giám đốc Công ty Trịnh Xuân Tấn cho biết: Nguồn phân do doanh nghiệp cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 35 nghìn đến 40 nghìn tấn các loại. Vụ đông xuân năm 2023-2024, công ty nhập về 20 nghìn tấn phân bón các loại và đã cung ứng ra thị trường được gần 15 nghìn tấn. Công ty cam kết chỉ kinh doanh các dòng phân bón đảm bảo chất lượng được nhập về từ các công ty sản xuất phân bón có thương hiệu trên thị trường phân bón Việt Nam như: Phú Mỹ, Lâm Thao, Hàn Việt... cung ứng cho các đại lý trên địa bàn tỉnh với giá cả hợp lý. Tuyệt đối không nhập về các mặt hàng phân bón không có thương hiệu, trôi nổi, hàng giả, hàng kém chất lượng... tránh gây thiệt hại cho các đại lý và bà con nông dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 doanh nghiệp sản xuất phân bón, 1 doanh nghiệp gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV và 2.248 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Tại các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, các mặt hàng được bày bán bao gồm những sản phẩm được sản xuất bởi những doanh nghiệp có thương hiệu và cả sản phẩm của doanh nghiệp còn khá mới mẻ, xa lạ với người tiêu dùng. Các mặt hàng xếp lộn xộn và không có bảng niêm yết giá. Đa phần ở các cửa hàng sản phẩm thuốc BVTV không có ngăn riêng và xếp cùng với các loại hạt giống rau.
Phân bón, thuốc BVTV là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và sức khỏe của người sử dụng. Thế nhưng, phần lớn nông dân khi mua các sản phẩm này đều chưa nhận biết được đâu là phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng. Vì vậy, lựa chọn mua sản phẩm nào đều phụ thuộc vào cảm tính và lời giới thiệu của các cơ sở kinh doanh, nên chứa đựng nhiều rủi ro.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài tuyên truyền, khuyến cáo để người dân biết, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Năm 2023 và 2 tháng năm 2024, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã kiểm tra và phát hiện, xử lý 18 cơ sở bán hàng vi phạm không đảm bảo chất lượng. Tổng số tiền xử phạt gần 3.111,6 triệu đồng; thu hồi tái chế 32,14 tấn phân bón; 160 lít và 60kg thuốc BVTV.
Để thị trường phân bón, thuốc BVTV trong thời gian tới được kiểm soát chặt chẽ, siết chặt hàng giả, hàng kém chất lượng, các sở, ngành, lực lượng có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định nếu phát hiện các cơ sở vi phạm.
Với nông dân, nếu nghi ngờ về chất lượng phân bón, bà con nên dùng thử cho những loại rau ngắn ngày bởi chỉ 5 - 7 ngày là có thể biết được kết quả. Khi bón phân nên để lại một ít cùng bao bì, nhãn mác, để khi xảy ra sự cố vẫn giữ được bằng chứng, vật chứng. Đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng nếu phát hiện, nghi ngờ cửa hàng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.