Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 6 năm 2023 | 10:11

Tăng cường kiểm tra xử lý hành vi buôn bán phân bón kém chất lượng

Để tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thiệt hại cho nông dân, lực lượng chức năng các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các loại phân bón trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Phát hiện nhiều mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng

Liên tục từ năm 2020 - 2022, giá phân bón trong nước tăng mạnh, có sản phẩm khi tới tay nông dân vượt mức 1,2 triệu đồng/bao 50 kg. So với năm 2019, giá phân bón tăng từ 50 - 70%. Bước sang năm 2023, giá có phần hạ nhiệt, nhưng chủ yếu là mặt hàng phân đạm, còn ở các nhóm khác như lân, kali… vẫn giữ mức khá cao.

Việc giá phân bón tăng cao đã khiến nhiều đối tượng lợi dụng sản xuất, đưa vào thị trường các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Hậu quả là người nông dân rơi vào tình cảnh thiệt hại "kép", vừa phải chịu tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả làm cây trồng bị sụt giảm năng suất, đất đai bị thoái hóa.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, lấy mẫu phân bón tại một cửa hàng để gửi đi kiểm định chất lượng.

Điển hình, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 10 công ty, nhà máy sản xuất phân bón và 466 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón (trong đó có 463/466 cơ sở hoạt động). Mặc dù hàng năm, các cơ quan chuyên ngành, lực lượng chức năng đều triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra đối với mặt hàng phân bón, tuy nhiên, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn tồn tại trên thị trường.

Được biết, những tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Ninh Bình đã thanh tra, kiểm tra 58 cơ sở kinh doanh phân bón. Ngoài việc kiểm tra hồ sơ, giấy phép kinh doanh, hợp đồng, hóa đơn mua bán hàng hóa..., các đơn vị còn lấy 17 mẫu phân bón đang kinh doanh tại cơ sở để kiểm tra chất lượng. Kết quả đã phát hiện 10/17 mẫu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (QCVN 01-189: 2019/BNNPTNT). Các đoàn thanh tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức, 3 cá nhân với số tiền gần 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chánh Thanh tra (Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình) cho biết: Để nông dân không bị thiệt hại kép, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón được tập trung, quyết liệt hơn. Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có 2 tổ chức, 3 cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là gần 70 triệu đồng.

Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón. Đồng thời, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn, bất cập trong công tác thanh, kiểm tra chất lượng phân bón hiện nay là số lượng cơ sở kinh doanh phân bón lớn và chủ yếu dưới dạng nhỏ lẻ trong khi lực lượng thanh tra mỏng, kinh phí thực hiện lấy mẫu kiểm định để phục vụ xử lý vi phạm còn hạn chế. Hơn nữa, khâu kiểm nghiệm mất rất nhiều thời gian. Do vậy, việc xử phạt đối với những trường hợp vi phạm bị chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng nếu trong khi chờ xử lý, những mặt hàng không bảo đảm chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.

Thật giả lẫn lộn

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cho biết, mới đây đơn vị đã chủ trì đoàn liên ngành kiểm tra các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh An Giang, phát hiện và tạm giữ số lượng lớn đơn vị thuốc BVTV, phân bón có dấu hiệu vi phạm quy định về nhãn hàng hóa.

Cụ thể, tại TP Long Xuyên, vừa qua đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra mặt hàng phân bón, thuốc BVTV do Đội QLTT số 3 chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng TP Long Xuyên, tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV S.N.B (khóm Tây Khánh 4, phường Mỹ Hòa) do ông H.K.H làm Giám đốc, phát hiện và tạm giữ hơn 3.000 gói thuốc BVTV có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa. Vụ việc sau đó được chuyển cơ quan chứng năng làm rõ.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn TP Long xuyên, tỉnh An Giang (Ảnh: Cục QLTT An Giang).

Tại huyện Tịnh Biên, Đội QLTT số 4 đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tịnh Biên, kiểm tra hộ kinh doanh N.H.G (ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình), phát hiện 640 chai thuốc trừ sâu TicTak 50EC, trên nhãn hàng hóa thể hiện hình ảnh và chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; tại hộ kinh doanh T.V.V (ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội), phát hiện 2.400 gói thuốc trừ bệnh hiệu Navara 50WP, trên nhãn hàng hóa thể hiện hình ảnh không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa so với giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV.

Qua quá trình thẩm tra, xác minh đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, Đội QLTT số 4 đã đề nghị Cục QLTT tỉnh An Giang ra quyết định xử phạt với các tổ chức, cá nhân trên với tổng số tiền phạt trên 200 triệu đồng.

Nói về vấn nạn phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng trong thời gian qua, ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh An Giang cho biết, chỉ trong tháng 5/2023, qua kiểm tra 18 vụ, phát hiện vi phạm 10 vụ; xử lý 9 vụ, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 606 triệu đồng.

“Các trường hợp vi phạm về nhãn hàng hóa trong hoạt động kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, nhất là tình trạng trên nhãn thể hiện thêm hình ảnh, chữ viết ngoài phạm vi công dụng và phòng trừ đã được đăng ký, gây nhầm lẫn cho người dân, người tiêu dùng về tác dụng, công dụng”, ông Hồ cho biết.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Cục QLTT Tiền Giang).

Tương tự An Giang, mới đây ngành QLTT tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra 8 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời lấy 12 mẫu sản phẩm phân bón kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông thị trường. Kết quả phát hiện một số phân bón có vi phạm, như: thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa không phù hợp với hồ sơ công bố về tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng; một sản phẩm phân bón chưa xuất trình được quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Trước đó, tại TP Cần Thơ, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP Cần Thơ) phối hợp với Trung tâm TT&BVTV huyện Vĩnh Thạnh tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh N.Đ.M (ấp E1, xã Thạnh An), nghi cơ sở có lô phân bón hỗn hợp NP có dấu hiệu vi phạm về chất lượng nên tiến hành lấy mẫu phân bón gửi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ kiểm nghiệm.

Kết quả cho thấy, mẫu phân bón trên không phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và niêm phong, tạm giữ 19 bao phân bón (50kg/bao) và chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt theo quy định.

Lực lượng chức năng quyết liệt ngăn chặn

Ngành QLTT tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Cục tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Quản lý Thị trường về tăng cường kiểm tra mặt hàng phân bón. Trong đó, tập trung kiểm tra định kỳ, chuyên đề, đột xuất về chất lượng, các điều kiện kinh doanh, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với mặt hàng này.

“Trong 5 tháng đầu năm vừa qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 93 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón. Qua đó phát hiện vi phạm 64 vụ, đã xử lý 59 vụ, thu phạt 1,3 tỷ đồng, trị giá tang vật vi phạm hơn 1,4 tỷ đồng; còn 5 vụ đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý.

Đối với mặt hàng phân bón chủ yếu vi phạm về hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện; không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đối với mặt hàng thuốc BVTV thường vi phạm về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa”, ngành QLTT tỉnh này thông tin.

Đối tượng Nguyễn Văn Duy và hiện trường kho chứa vật tư nông nghiệp giả do Duy làm chủ (Ảnh: Công an tỉnh Đồng Tháp).

Trước đó, ngành QLTT tỉnh Đồng Tháp, tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh phân bón, thuốc BVTV (xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) do ông N.V.B làm chủ hộ kinh doanh, phát hiện hộ này bày bán 1.600 sản phẩm thuốc trừ sâu không có tên trong danh mục và quá hạn sử dụng, lực lượng chức năng quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật và đề nghị xử phạt hành chính số tiền 34 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV 3 tháng và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm theo quy định.

Đối với những sai phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, ngoài xử phạt hành chính, một số vụ việc vi phạm còn bị xử lý hình sự. Điển hình như vụ Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Đồng Tháp khởi tố vụ án “Sản xuất, mua bán hàng giả và thuốc BVTV”, xảy ra tại huyện Tam Nông vào cuối tháng 2 vừa qua.

Theo điều tra, phòng CSKT công an tỉnh phối hợp các lực lượng có liên quan bắt quả tang 2 xe ô tô tải biển kiểm soát 66H-027.38 do Nguyễn Văn Hải (SN 1988, ngụ xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) điều khiển và 67C-131.06 do Dương Chí Bình (SN 1995, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) điều khiển, đang đậu trước cửa nhà ông Nguyễn Văn Nhà (ngụ ấp Gò Cát, xã Phú Cường).

Thời điểm này, trên 2 phương tiện có chở 1.150 chai thuốc BVTV giả và 1.200 gói giống cây trồng nên tiến hành khám xét nhà và kho chứa hàng của ông Nhà, tổ công tác phát hiện nhiều mặt hàng thuốc BVTV giả và số lượng lớn thuốc BVTV dạng bột đã pha trộn chưa qua đóng gói.

Tiếp tục thi hành khám xét khẩn cấp tại Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Thuận Thiên (khóm 5, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông), do Nguyễn Văn Duy (SN 1989, con ruột ông Nhà) làm chủ, tổ công tác phát hiện và thu giữ nhiều mặt hàng thuốc BVTV các loại làm giả nhãn mác. Sau đó, đối tượng Nguyễn Văn Duy và Nguyễn Văn Hải đã bị tạm giữ hình sự để điều tra.

Về vấn nạn này, ông Trần Thanh Hiệp - Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện giá phân bón có chiều hướng giảm nên phương thức, thủ đoạn, đối tượng làm hàng gian, hàng giả có giảm so với cùng kỳ năm 2022.

“Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng nên tình hình có sự chuyển biến tích cực, năm 2022, các nghị định mới được áp dụng, chẳng hạn như Nghị định 126 về xử phạt vi phạm hành chính về nhãn hàng hoá thì áp dụng ngoài xử phạt vi phạm hành chính còn phạt bổ sung là tước giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề. Trên cơ sở đó những nghị định, chế tài khắt khe nên người sản xuất, buôn bán kinh doanh hạn chế vi phạm”, ông Hiệp nhận định.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top