Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 1 năm 2024 | 20:59

Tạo sức bật và lan toả giá trị sản phẩm OCOP

Từ chỗ chủ yếu tập trung tiêu thụ với quy mô nhỏ trong một xã, huyện, tỉnh, các sản phẩm OCOP hiện đã phủ khắp thị trường nội địa và bước đầu xuất khẩu.

Miến dong của huyện vùng cao Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là một trong số sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Khẳng định vị thế

Trong những năm gần đây, không nhiều ngành hàng nông sản có được tốc độ phát triển nhanh về số lượng và chất lượng như các sản phẩm OCOP. Theo thống kê, đến hết năm 2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, vượt hơn 10% so với mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025.

Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước với 2.167 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, chiếm 22% trong tổng số 9.852 sản phẩm OCOP của cả nước. Thành phố Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Sau gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn; giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Còn tại tỉnh biên giới phía Bắc - Lào Cai, tính đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 176 sản phẩm nông sản đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 23 sản phẩm đạt 4 sao và 153 sản phẩm đạt 3 sao; hiện đang duy trì và phát triển 132 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận; trong đó có trên 60 chuỗi nông sản hiện đang cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận và 328 dòng sản phẩm an toàn thuộc trên 104 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử; giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh nhờ minh bạch thông tin tới người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm an toàn của tỉnh Lào Cai.

Tại tỉnh Bắc Giang, qua 5 năm triển khai chương trình OCOP, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 255 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 224 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng 5 sao cấp quốc gia là sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven, huyện Yên Thế. Điều đáng mừng là trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, toàn bộ 10/10 huyện, thành phố đều có sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Các sản phẩm được công nhận OCOP cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề, làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000, HACCP, VietGAP, GlobalGAP. Một số sản phẩm OCOP thế mạnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội.

Theo thống kê, đến hết năm 2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, vượt hơn 10% so với mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao, gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của nhiều thị trường xuất khẩu.

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang giúp huyện Hoài Đức nâng cao giá trị sản xuất, tạo thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh giao thương, kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Một điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại huyện Hoài Đức.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Khuất Trọng Kiên, Hoài Đức có tiềm năng lớn trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú. Từ năm 2019 đến năm 2023, cùng với quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, xã, toàn huyện có 44 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Riêng năm 2023, Hoài Đức tổ chức đánh giá, phân hạng 19 sản phẩm, trong đó có 11 sản phẩm đánh giá lần đầu và 8 sản phẩm hết hạn theo quy định, tham gia đánh giá lại lần 1, gồm các nhóm sản phẩm: Thủ công mỹ nghệ, vải, may mặc, thực phẩm. Kết quả, có 11/19 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 8 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao.

Tham gia Chương trình OCOP năm 2023, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) có sản phẩm quả táo đại đạt OCOP 3 sao.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Di Trạch Nguyễn Hữu Quang chia sẻ, năm 2012, hợp tác xã mua giống táo đại của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng trên diện tích gần 6ha. Ngoài ra, hợp tác xã còn trồng hơn 20ha ổi và một số cây ăn quả khác như hồng xiêm, đu đủ. Năm 2021, hợp tác xã đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm ổi và được đánh giá đạt 4 sao. Do được đưa vào hệ thống nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng sạch, nhờ đó, lượng tiêu thụ và doanh thu từ ổi tăng lên gấp rưỡi. Năm 2023, hợp tác xã tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm táo đại và được đánh giá đạt 3 sao. Hợp tác xã kỳ vọng sản phẩm táo đại được thị trường biết đến nhiều hơn, lượng tiêu thụ tăng lên…

Theo ông Phí Công Kiệt, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh miến dong sạch Trung Kiên (thôn Minh Hiệp 1, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức), từ năm 2020, gia đình ông đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm miến dong sạch và đã đạt 4 sao. Sau 3 năm, sản phẩm được đánh giá lại theo quy định và được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Hoài Đức chấm đạt OCOP 4 sao.

Đến nay, Hoài Đức có 114 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, đạt OCOP 3 sao và 4 sao; trong đó có 103 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 9 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, 2 sản phẩm thuộc nhóm vải không may mặc. Nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống với chủng loại đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường, như: Sản phẩm chế biến từ nông sản thành miến, bún, phở khô, tinh bột, bánh đa nem, bánh, kẹo các loại; sản phẩm đồ thờ… Ngoài ra, huyện còn có 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể, gồm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi đường Quế Dương, rau an toàn Tiền Lệ, phật thủ Đắc Sở.

Nhằm quảng bá, gìn giữ và phát huy giá trị sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề, tạo cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp người tiêu dùng biết đến, cũng như ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, an toàn, chất lượng, huyện Hoài Đức đã khai trương 4 điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh, xã An Khánh; thôn 2, xã Cát Quế; Cụm công nghiệp Di Trạch, xã Di Trạch; Khu đô thị An Lạc, xã Vân Canh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện rất mong các cơ quan, đơn vị của thành phố tiếp tục quan tâm, quảng bá sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; giúp huyện kết nối, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để người tiêu dùng trong cả nước biết đến, tin tưởng lựa chọn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô nói chung và huyện Hoài Đức nói riêng.

Về phần mình, huyện Hoài Đức sẽ tích cực động viên, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm đã đạt OCOP; tiếp tục đăng ký thêm nhiều sản phẩm khác tham gia Chương trình OCOP, nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Tại Tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP”, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp đánh giá: Những chỉ số trên cho thấy, chất lượng sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ tạo ra giá trị mới cho sản phẩm nông sản bản địa. Nhiều sản phẩm mới được giới thiệu dựa trên những giá trị bản địa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước với 2.167 sản phẩm được đánh giá, phân hạng.

Vì thế, từ chỗ chủ yếu tập trung tiêu thụ với quy mô nhỏ trong một huyện, một tỉnh, các sản phẩm OCOP hiện đã phủ khắp thị trường nội địa và bước đầu xuất khẩu. Cùng với đó, số lượng sản phẩm OCOP cũng mở rộng rất nhanh. Trước đây, các sản phẩm có thế mạnh tập trung vào mặt hàng gạo, các loại hạt, nhưng hiện nay nhiều mặt hàng đặc sản truyền thống chế biến đã và đang có mặt trên nhiều kệ hàng, trong đó có nhiều hệ thống phân phối, siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi, điểm phân phối sản phẩm OCOP nằm trong các khu dân cư đông đúc.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, từ năm 2020 trở về trước, cả nước chủ yếu tập trung phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng, hình thành hệ sinh thái sản phẩm OCOP, thì từ năm 2021 đến nay, công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Tại một số chuỗi chuyên doanh thực phẩm, sản phẩm OCOP chiếm tới 50%.

Hiện nay, đã có nhiều sản phẩm OCOP đặc sản truyền thống thuộc danh mục thực phẩm chế biến đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất khắt khe và kén khách hàng như mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật, Australia hay miến dong của Bình Liêu cũng chuẩn bị xuất khẩu sang châu Âu, Australia. Bên cạnh đó, năm 2023, 2 gian hàng OCOP quốc tế đã được tổ chức tại tuần lễ hàng Việt tại Central World ở Bangkok (Thái Lan) và lần đầu tiên một không gian sản phẩm OCOP được tổ chức ở Milan (Italia).

Đặc biệt, năm 2023, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội gắn với thương mại điện tử cùng sự nở rộ của hình thức mua sắm kết hợp giải trí, sản phẩm OCOP đã cạnh tranh ngang ngửa các mặt hàng vốn là thế mạnh của kinh doanh online như đồ gia dụng, mỹ phẩm. Chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok Shop Việt Nam đã có hơn 800 phiên chợ OCOP được triển khai với doanh thu 100 tỉ đồng, tiếp cận 300 triệu lượt người xem, góp phần lan toả giá trị sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển và góp phần thúc đẩy kinh tế của các địa phương./.

 

Thanh Tâm (t/h theo báo Hà Nội mới và Lao động Thủ đô)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top