Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vừa tạm giữ 4,5 tấn cá khoai không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, kiểm tra nhanh có chứa formol.
Theo thông tin từ Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, ngày 17/10, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra xe ô tô mang BKS: 77H-042.69, kéo theo Rơ Móoc: 77R-042.88 do ông Lương Văn Trực, trú tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, điều khiển, đang đỗ tại cây xăng Sơn Hải, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa.
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hoá kiểm tra số cá khoai không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng hóa vận chuyển trên xe là 4,5 tấn cá khoai (nguyên con đóng trong thùng xốp), lấy mẫu tets nhanh các mẫu cá trong thùng sốp đều cho kết quả dương tính với chất formol.
Cá khoai được ướp lạnh trong các thùng xốp không rõ nguồn gốc vận chuyển đi tiêu thụ.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Lương Văn Trực chưa xuất trình được hóa đơn liên quan đến hàng hóa. Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra đã ra Quyết định tạm giữ toàn số cá khoai trên, tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đến hẹn lại lên, cứ độ từ tháng 9 đến hết tháng 12 âm lịch hàng năm, ngư dân ở các tỉnh miền biển như Thái Bình, Nam Định hay Thanh Hóa, Quảng Bình, Vũng Tàu - Vũng Tàu,... lại tất bật ra khơi để đánh bắt cá khoai - thứ đặc sản được ví như “của trời cho”.
Sở dĩ loài cá này có tên gọi như vậy là bởi thân hình tròn, thon dài, thịt trắng hồng, không có vảy tựa như những củ khoai. Người ta gọi là cá khoai cũng để phân biệt chúng với các loài cá khác.
Trước đây, cá khoai là món ăn dân dã của bà con vùng biển, thậm chí người ta chỉ sử dụng để làm thức ăn cho vật nuôi. Tuy nhiên, ngày nay, cá khoai đã trở thành đặc sản khoái khẩu được nhiều người yêu thích, góp mặt trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn hay quán ăn.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý buôn bán, vận chuyển thủy - hải sản không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn mua cá khoai, đảm bảo xuất xứ, tránh nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, nhất là lại chứa formol, loại chất rất độc bị cấm trong thực phẩm.
Formol là một hợp chất hữu cơ, thường được gọi với những cách khác như Formaldehyd, methyl aldehyde, methylene oxide, metanal, andehyde. Chất này có công thức hóa học là HCHO, là dung dịch bão hòa của formaldehyde trong nước và có thể chuyển sang dạng thể khí ở điều kiện bình thường. Theo các chuyên gia, tác hại của formol khi tiếp xúc có thể gây những triệu chứng cấp tính như kích thích gây cai niêm mạc mắt, đỏ mắt; kích thích đường hô hấp trên gây chảy mũi, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi. Loại chất này còn gây ngạt thở nếu hấp thu ở nồng độ 1/20000 trong không khí, đây cũng là tà tác nhân gây viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, nổi mề đay; làm chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng...; khi tiếp xúc, hoặc ăn phải với một hàm lượng cao có thể gây tử vong. Theo tổng hợp của Bệnh viện Ung bướu Trung ương, mỗi năm nước ta có thêm 150.000 trường hợp mắc bệnh ung thư, trong đó có đến 50.000 trường hợp do ăn phải thực phẩm nhiễm độc và formol có trong thực phẩm cũng nằm trong số đó. |