Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 2 năm 2023 | 15:49

Thanh kiểm tra bếp ăn tập thể, việc cần phải làm thường xuyên

Trước thực trạng có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể xảy ra trên địa bàn toàn quốc, mới đây Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 787/BYT-ATTP ngày 20/2 đề nghị Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành tăng cường trách nhiệm quản lý trong an toàn thực phẩm (ATTP)

Những vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể

Tối ngày 7/12/2022, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) cùng lúc tiếp nhận 40 học sinh vào viện với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn sau khi ăn tối tại một nhà hàng. Các bệnh nhân này đều là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu.

Sau khi nhập viện, qua đánh giá ban đầu, các trường hợp được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn. Các bác sĩ đã truyền dịch chống độc, giảm co cho những bệnh nhi này. Một trong số các học sinh cho biết đã cùng các bạn ăn canh, ăn đùi gà, ăn sườn, ăn ngô, sau khi ăn thì bị đau bụng buồn nôn.

Rất may các cháu đều ổn định sau đó, 37 cháu đã ra viện trong đêm qua, đến sáng 8-12-2022, những học sinh khác đều cũng được ra viện sau khi bác sĩ thăm khám ổn định.

Vào 23h ngày 17/11/2022, bốn bệnh viện ở TP. Nha Trang đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị tổng cộng 123 học sinh trong vụ ngộ độc thực phẩm tập thể kể trên tại Trường Ischool Nha Trang. Trong đó, Trung tâm cứu 115 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận cấp cứu 43 em, Bệnh viện 22-12 cấp cứu 32 em, Bệnh viện Vinmec nhận 22 và Bệnh viện Sài Gòn Nha Trang cấp cứu 26 em.

Các thực phẩm trong bữa ăn trưa khiến nhiều người ngộ độc ở Trường ISchool Nha Trang

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan y tế và báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, hơn 800 học sinh Trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc có ăn các món: cánh gà chiên, gà luộc xé, canh thịt heo trong bữa ăn trưa 17/11 tại trường.

Trước đó, vào hồi 7 giờ 50 phút ngày 23/7/2022, một số công nhân Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt xuất hiện triệu chứng đau bụng, đi ngoài, sốt, đau đầu, đau người và buồn nôn... nên đã đến phòng Y tế của Công ty xin thuốc.

 Công ty TNHH May mặc Hoa Đạt Lợi-nơi có 23 công nhân nhập viện, nghi bị ngộ độc.

Sau khi thăm khám sơ bộ, nhân viên y tế của Công ty đề nghị đưa 23 công nhân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả khám và điều trị.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, TP Cẩm Phả phối hợp lấy mẫu thức ăn được lưu và mẫu bệnh phẩm để kiểm nghiệm. Theo đó, các công nhân có triệu chứng đều cùng ăn bữa trưa 22/7/2022 tại công ty.

Trên đây chỉ là một số vụ ngộ độc tập thể được nêu để làm ví dụ cho bài viết, còn theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 12/2022, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 758 người bị ngộ độc và 4 trường hợp tử vong (tăng 5 vụ ngộ độc, tăng 738 người bị ngộ độc và tăng 1 người tử vong so với tháng 11/2022). Cả năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong.

Thanh kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trên cả nước

Đứng trước tình trạng nhiều vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên phạm vi cả nước, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm này đều diễn ra từ những nhà trường, doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh và công nhân.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó bảo đảm các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tại các trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế phải được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không để cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm được hoạt động.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với từng đối tượng như công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, nhân viên nhà trường.

Nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của các em học sinh, công nhân lao động thì rất nhiều, việc kiểm tra của các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp cũng không phải là ít, mặc dù chúng ta hàng năm vẫn dành 1 tháng cao điểm về an toàn thực phẩm để làm công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các sai phạm về kinh doanh, vận chuyển, chế biến thực phẩm. Nhưng vẫn xảy ra những vụ ngộ độc dẫn đến hậu quả đau lòng, vẫn còn những nạn nhân thiệt mạng.

Vì thế công tác này phải được các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp và đặc biệt là các nhà trường, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn tập thể, phải là người đi đầu tiên phong trong công tác tự kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, được đơn vị chế biến nhập vào xem có nguồn gốc xuất  xứ rõ ràng hay không? có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến hay không... Công việc này phải được làm thường xuyên, hàng ngày, không cần phải các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng và chính quyền phát động, tổ chức đi kiểm tra thì đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể đó mới làm. Điều này là mấu chốt để các bếp ăn tập thể thực sự là an toàn sức khỏe cho những học sinh, công nhân.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top