Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 10 năm 2022 | 14:40

“Thao túng thị trường”, nguyên nhân ngã ngựa của nhiều doanh nhân

Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn có uy tín, trên thị trường còn có một số doanh nghiệp, doanh nhân lợi dụng kẽ hở của luật pháp, bất chấp quy định của Nhà nước “thao túng thị trường” để thu lợi bất chính. Những doanh nghiệp này không chỉ làm mất đi hình ảnh đẹp của doanh nhân Việt Nam mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu và chính họ.

Những vụ án gắn liền tên tuổi doanh nhân

Dư luận hẳn còn nhớ vụ ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) bị bắt, để điều tra liên quan tới các sai phạm trong hoạt động kinh tế tại 3 công ty con do ông làm Chủ tịch HĐQT. Cơ quan điều tra xác định, Thường trực Hội đồng Quản trị ACB đã ban hành chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tạo ủy quyền cho ông Kiên trực tiếp thực hiện. Chủ trương này được cho là trái quy định của Nhà nước khiến ACB bị thua lỗ gần 688 tỷ đồng.

Vụ bầu Kiên đã gây chấn động trên thị trường tài chính ngân hàng thời điểm đó. Trên thị trường chứng khoán, hàng trăm cổ phiếu giảm sàn hết biên độ, thị trường hoảng loạn 3 phiên liên tiếp vào các ngày 21-22-23/8/2012, ước tính vốn hóa thị trường chứng khoán bị thổi bay 6,5 tỷ USD chỉ trong mấy phiên giao dịch này. Ông Nguyễn Đức Kiên bị tòa phạt tổng cộng 30 năm tù giam, nộp phạt 75 tỷ đồng trốn thuế, 100 triệu đồng tội lừa đảo; đồng phạm của ông lần lượt nhận các mức án từ 2 đến 8 năm tù.

Thao túng thị trường chứng khoán khiến không ít đại gia vướng vòng lao lý.

Giữa năm 2015, ông Lê Văn Hướng, sinh năm 1976, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng. Trước khi biến cố xảy ra, ông là đại gia nằm trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, với tài sản quy đổi lên tới 222 tỷ đồng.

Sau khi ông Lê Văn Hướng rơi vào vòng lao lý, hoạt động kinh doanh của công ty bị xáo trộn, ban lãnh đạo thay đổi liên tục, nhiều hợp đồng lớn bị ngưng, cổ phiếu bị bán tháo, ngân hàng xiết nợ, thêm vào đó là hàng trăm tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi bị biến thành những khoản phải thu có nguy cơ không thu hồi được. Tình hình này khiến JVC báo lỗ hơn 700 tỷ đồng trong năm tài chính 2015.

Đại gia Hà Văn Thắm từng là Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương Ocean Group (OGC) và Chủ tịch Ocean Bank. Dưới thời ông Thắm lãnh đạo, OGC đã có hành trình tăng vốn chóng mặt. Thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, sau 6 năm, vốn tại OGC tăng tới 300 lần, lên 3.000 tỷ đồng. Tháng 10/2014, ông Hà Văn Thắm bị bắt vì vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhiều biến cố sau đó, đặc biệt là việc Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, đã tác động đáng kể đến tình hình tài chính của ngân hàng này. Cũng kể từ khi ông Thắm bị bắt, cơ cấu sở hữu của Ocean Group đã có sự biến động mạnh, một loạt doanh nghiệp liên quan đến ông Thắm phải bán giải chấp cổ phiếu OGC theo yêu cầu của ngân hàng.

Gần đây là các vụ án liên quan đến  Công ty CP Tập đoàn FLC, Tập đoàn AIC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... Các doanh nghiệp này đều có một thời “nổi đình, nổi đám” bởi những hoạt động kinh doanh có doanh thu lến đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Sau một thời gian theo dõi và điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố lãnh đạo của các tập đoàn trên vì đã vi phạm các quy định của pháp luật,  phát hành trái phiếu trái quy định, thao túng thị trường chứng khoán…

Nhiều doanh nghiệp  mắc tội “thao túng thị trường”

Bình luận xung quanh những đại gia vướng vòng lao lý vì thao túng thị trường chứng khoán, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia tại Việt Nam chia sẻ, vào những thời điểm đó có rất nhiều chuyện “thú vị” xảy ra. Ví dụ như tại DVD, một trong những chuyên trang tuyển dụng nổi tiếng của Việt Nam đăng tuyển một vị trí với những thông tin gây sốc, đó là Công ty Dược Viễn Đông đăng tuyển Tổng giám đốc với mức lương khởi điểm là 50.000 USD/tháng, mà đầu những năm 2010, 50.000 USD là một con số tương đối “khủng khiếp”. Sau khi đánh bóng tên tuổi bằng những thương vụ như vậy, cuối cùng, Chủ tịch công ty là ông Lê Văn Dũng bị bắt vì tội thao túng cổ phiếu DVD và sau này DVD rơi vào tình trạng phá sản.

Hay câu chuyện của nữ đại gia Phạm Thị Hinh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoáng sản Bình Thuận (KSA),  năm 2014 - 2015, có một trang tin về chứng khoán đã đến tận địa chỉ công ty này, chụp ảnh và nói rằng, trụ sở của công ty là  ngôi nhà hoang, các dự án mà công ty đang làm thậm chí còn chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng ngày hôm sau, cũng trong ngôi nhà đó, có hình ảnh một bàn 6 người làm việc được đưa lên nhằm phản pháo thông tin trên. Sau đó, Công ty đã phát hành 56,5 triệu cổ phiếu, tương đương 565 tỷ đồng và sau này, theo kết quả điều tra, phần lớn cổ phiếu đó phát hành và không thành công, chỉ phát hành riêng lẻ cho các cá nhân và báo cáo tài chính của công ty cũng gần như không thể hiện việc thực sự vốn đã được góp... Những thông tin cũng đã được công bố bởi cơ quan điều tra.

Vị chuyên gia cũng cho biết, tội thao túng chứng khoán đã có trong Bộ luật Hình sự Việt Nam từ rất lâu. Theo đó, Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội “thao túng thị trường chứng khoán”. Nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm, có thể bị phạt lên đến 4 tỷ đồng hoặc phạt đến 7 năm tù giam...

TS. Lê Đạt Chí, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM khuyến cáo, bên cạnh những doanh nghiệp bài bản, làm ăn uy tín, tăng trưởng bền vững, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với cổ phiếu của những doanh nghiệp có lãnh đạo kém uy tín, doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng “mông má” để đẩy giá cổ phiếu lên cao theo kiểu “bán giấy lấy tiền” ăn chênh lệch.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững"  diễn ra tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các yếu tố nền tảng cần duy trì và củng cố vững chắc, những nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và cả lâu dài để cộng đồng doanh nghiệp vững bước vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động thích ứng, phát triển bền vững, ngày càng lớn mạnh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Cần tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt Nam như: Có lòng yêu nước, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo khoản 2, Điều 3, Nghị định 156/2020/NĐ-CP, thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

- Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top