Hình ảnh một con chim cò bị khâu mắt, dán miệng, chân bị cột giữa cánh đồng để làm mồi dụ những con chim khác được một nhiếp ảnh gia tại Đà Nẵng đăng tải, khiến nhiều người sốc bởi sự dã man, tận diệt chim trời của một số người dân.
Hình ảnh con cò bị khâu mắt, dán mỏ, cột chân làm chim mồi gây bức xúc cho nhiều người.
Bẫy chim theo cách tàn nhẫn
Theo ghi nhận, tại cánh đồng thôn Trương Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) tình trạng đặt bẫy săn bắt chim trời vẫn đang diễn ra công khai. Các cánh đồng đầy rẫy các que tre dính keo được thợ săn bố trí để bẫy những đàn chim trời.
Để bắt được những con cò, vạc các thợ săn đã dùng cò giả làm bằng xốp, rồi cắm xuống đồng ruộng bên cạnh là hàng loạt thanh tre đã được phết keo dính. Những đàn cò bay trên cao, nhìn xuống tưởng đồng loại sẽ sà xuống kiếm ăn và dính vào bẫy.
Chim thật đang vùng vẫy thoát khỏi bẫy, bên cạnh là mô hình chim giả làm mồi.
Hoặc họ dùng chim mồi đang còn sống, cho đứng trên những thanh gỗ được đóng kiểu chữ T, buộc chân vào dây cước cắm ở các cánh đồng để bẫy những con chim khác.
“Những người bẫy chim họ đi từ sáng sớm hoặc chiều tối, nhiều người dùng lưới bẫy các loài chim nhỏ như chim sẻ, cu đất. Riêng cò, vạc họ dùng chim mồi, chim giả giăng keo để bẫy. Trước đây, đến mùa chim trời về đồng này nhiều vô kể, nhưng bị đánh bẫy nhiều nên số lượng chim về đây ngày càng ít đi”, ông Ph, người dân xã Hoà Liên cho biết.
Việc đánh bắt chim trời vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, đe dọa nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim.
Cần ngăn chặn nạn săn bắt trái phép
Trong lúc chụp ảnh từ trên cao, nhiếp ảnh gia đã chụp được hình ảnh con cò bị buộc chân vào cột giữa cánh đồng. Nhìn kỹ hơn thì người này phát hiện, con cò còn bị khâu mắt, dán miệng. Xung quanh là những con cò xốp màu trắng.
Sau khi chim dính bẫy, một số người dân tới gỡ bẫy và mang về.
Chị TTr - tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã tại Đà Nẵng cho biết, sau khi nhìn thấy hình ảnh này, chiều ngày 8/10, chị đã di chuyển lên khu vực cánh đồng trên để xác minh sự việc.
“Khi tôi đến, con cò mồi bị khâu mắt, dán keo ở miệng vẫn bị cột tại chỗ. Họ cột nó ở một cây cọc, ở quanh có 2 con nữa nhưng bị cột dưới ruộng. Xung quanh là những con cò giả bằng xốp. Họ dùng mồi như là ốc, sò móc vào lưỡi câu, đầu kia là sợi dây buộc với một cái cây cắm xuống ruộng. Các con cò khác thấy có cò ở dưới cũng sẽ đáp xuống, tìm mồi thì sẽ bị dính bẫy này. Lúc tôi đến, vẫn thấy họ đang ở gần đó đợi bắt cò dính bẫy”, chị Tr kể.
“Tôi có liên hệ với số 1022 - đường dây nóng chung của thành phố. Họ cũng nói, sẽ cố gắng xử lý ngay và liên hệ với tôi khi công an cần thông tin để hỏi đường nhưng đợi mãi chẳng thấy ai gọi, cũng chẳng biết có ai xử lý chưa”, chị Tr cho hay.
“Nghe nói về nạn bắt chim làm mồi để bẫy rồi, nhưng lần đầu thấy cận cảnh con cò bị khâu mắt, miệng dán keo, chân bị cột, tôi thấy sốc. Hành động này quá dã man. Con cò gầy vậy dù có làm thức ăn cũng chẳng được bao nhiêu. Chỉ vì sự thích thú, thỏa mãn việc ăn uống của bản thân hay bán cho ai đó mà một số người giày vò con vật như vậy quá tội", một người dân Đà Nẵng chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Cảm, Trưởng Công an xã Hòa Liên cho biết: Lực lượng Công an đã nhận được thông tin phản ánh về việc người dân dùng bẫy đánh bắt chim trời trên địa bàn xã và đã có kế hoạch xử lý triệt để tình trạng này.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.