Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 11 năm 2022 | 21:7

Thực trang báo động buôn bán động vật hoang dã trên không gian mạng xã hội

Với nền tảng kinh doanh miễn phí, dễ dàng liên lạc và có thể duy trì độ bảo mật danh tính, mạng xã hội đã trở thành một thị trường mở và linh hoạt khiến cho các hoạt động mua bán các loài động vật hoang dã trở nên công khai hơn bao giờ hết.

Giao dịch thông qua tài khoản và dịch vụ chuyển phát

Anh Q. H, một tình nguyện viên chuyên đi giải cứu động vật hoang dã (ĐVHD) bật mí những câu chuyện thâm cung bí sử về thế giới buôn ảo, bán thật thú rừng.

Những khi rảnh rỗi, anh H thường chạy xe về vùng ven huyện Củ Chi, Hóc Môn “giải cứu” các loài chim, cáo, chồn được dân buôn nhập về bán ven đường. Mỗi tuần, anh H mua được một số chim trời, chồn hương, rùa, rắn có xuất xứ từ các cánh rừng ở miền Tây và Tây Nguyên. Các loại này, anh H thường tự tay thả về thiên nhiên hoặc kết nối với những người bạn hoạt động trong nhóm bảo tồn ĐVHD đưa trở về những khu rừng của chúng.

Sau khi nhận ra việc buôn bán ĐVHD sôi động trên mạng, anh  bắt đầu tìm cách len lỏi vào các hội, nhóm buôn bán được “đội lốt” dưới các tên gọi như: “Nhóm núi rừng”, “Nhóm động vật”, “Nhóm thợ săn”… Tại đây, anh H phải dùng nhiều nick name khác nhau để không bị quản trị nhóm phát hiện cho “out”. Quá trình thâm nhập vào thị trường buôn bán ĐVHD online, anh H phát hiện ra nhiều bí mật.

Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh thả cá thể rùa về lại thiên nhiên.

Theo đó, để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng và sự kiểm duyệt thông tin các bài đăng liên quan đến ĐVHD, các đối tượng đã sử dụng những từ “lóng” trong bài đăng như: Socola, cao socola, cao 30 để chỉ cao hổ; móc câu, chân dài để chỉ nanh, móng của gấu, hổ; sắn dây, khoai, thịt nạc, măng, hàng đen ám chỉ sừng tê giác; gả, trao đổi, bay, yêu, cứu hộ, bảo tồn là mật danh của hành động mua bán… Nếu bị phát hiện, chúng lập tức xóa dấu vết khiến cơ quan chức năng khó xử lý. Bằng chứng chỉ có trên mạng, người bán sẽ đối phó bằng câu trả lời: “Chúng tôi rao bán cho vui nhằm câu like, thực tế chúng tôi không có hàng”.

Rùa quý hiếm bày bán tại vỉa hè TP Hồ Chí Minh.

Cuối năm 2021, anh  thấy một người đàn ông có nick Ken Trần đăng hình ảnh một chú tê tê lên nhóm để “cứu hộ”, mật danh của chìa khóa bán. Anh Hiển liền gọi điện cho chủ nhân hỏi về lai lịch của món hàng. Người chủ cho biết, chú tê tê này được ông ta mua lại của một thợ rừng ở gần vườn quốc gia Cát Tiên, Lâm Đồng. Biết là động vật quý hiếm nên Ken Trần lập tức hỏi mua để bán kiếm lời. Giá được chủ nhân đưa ra là 18 triệu, địa điểm nhận hàng tại một quán nước bên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Chánh.

Là dân lọc lõi trong việc buôn bán hàng quý hiếm nên Ken Trần rất khôn ngoan và tỉnh táo, luôn cảnh giác với người mua. Ông ta yêu cầu anh Hiển chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản, sau đó sẽ có người giao hàng tới địa điểm nhận. Vì quá xót xa trước một cá thể đang lâm nguy, anh Hiển đã chi mạnh tay để giải cứu. Đúng như giao ước, anh Hiển đã đón được chú tê tê còn nguyên sự sống và đã trả về thiên nhiên.

Các loài động vật hoang dã khi tiếp nhận từ nhân dân hoặc các nhóm giải cứu đều được trả về với tự nhiên một cách an toàn.

Anh H cho biết, các loại thú rừng như rắn, chồn, sóc, đại bàng, chim muông thị trường luôn dồi dào và thường là tươi sống để khách hàng kiểm tra thực tế. Riêng động vật quý hiếm, thỉnh thoảng mới có hàng. Làm thế nào để biết những con vật rao bán trên mạng đúng là ĐVHD? Chúng tôi hỏi. Anh H bật mí: “Với dân chơi thú chỉ cần nhìn vào móng chân và hàm răng là biết đó là thú rừng hay thú nuôi, không thể lừa gạt được. Với thú rừng, răng của chúng luôn nhọn và cứng, có màu vàng úa, thâm đen ở phần chân. Nếu còn nghi ngờ thì xem đến bộ móng, thú rừng có những móng chân cùn, dày và cứng, thường cong gập vào phía trong do quá trình đào bới thức ăn và đi lại nhiều.

Có lần, anh H hẹn gặp trực tiếp một đầu nậu tên Đ. Trong cuộc gặp, anh Hiển muốn được liên kết với những thợ săn để biết được chính xác lai lịch món hàng, từ đó tăng thêm giá trị quảng bá đặc sản cho nhà hàng. Yêu cầu này của anh Hiển bị từ chối, Đ. cho biết, họ thu mua từ khắp nơi, của dân đi rừng, dân các buôn làng nên không thể kết nối trực tiếp được. Anh Hiển yêu cầu giao nhận hàng phải có địa điểm cụ thể và phải trực tiếp từ người bán chứ không qua hàng gửi xe. Dường như nhận thấy vấn đề không ổn, Đ. ậm ừ cho qua rồi nhanh chóng “chuồn”. Số điện thoại của anh Hiển bị chặn ngay sau đó, các tin nhắn trao đổi mua bán trên mạng đều bị xóa và tư cách thành viên nhóm của anh Hiển cũng bị loại ra ngoài.

Anh H không dám tìm hiểu thêm trong nhóm của Đ. nữa, vì có thể sẽ gặp nguy hiểm. “Ở các khu chợ, dân buôn đã biết mặt tôi và thường né tránh. Tôi từng bị dọa đánh nếu cố tình phá hoại miếng cơm của họ. Với các nhóm hoạt động trên mạng thì độ liều lĩnh của họ có thừa nên tôi phải giấu kín thân phận”, anh H chia sẻ.

Kiếm ăn bằng nghề “giải cứu”

Trong khi thị trường buôn bán ĐVHG online nhộn nhịp, thì ở ngoài đời, cảnh bán mua lại ẩn náu dưới những lớp vỏ bọc tinh vi. Thay vì bán công khai, thì đối tượng chuyển sang cụm từ “giải cứu”.

Tại đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng 10, một người phụ nữ mang chú rùa già ngồi chờ “giải cứu”. Theo lời giới thiệu, thì “cụ” rùa này đã trên 40 tuổi, sống tại núi Cấm, An Giang. Người phụ nữ tên Hiền cho biết, bà là người đã chuộc chú rùa tại một khu chợ ở Long An và mang lên TP Hồ Chí Minh nhờ người cứu. Vì sao không phóng sinh chú rùa đi, bà Hiền than do hoàn cảnh khó khăn, bà muốn có chút tiền để sống nên nhờ mọi người “giải cứu” giúp. Giá giải cứu bà Hiền đưa ra là 5 triệu đồng, ai cứu được thì bà “hoan hỷ bớt cho còn 4,8 triệu đồng”.

Hoạt động buôn bán thú rừng giao dịch bằng chuyển khoản và qua dịch vụ giao hàng nhanh.

Sau khi “giải cứu” được cụ rùa, bà Hiền vui vẻ ra về, không ngớt lời cảm ơn, vái lạy và ca tụng công đức của người mua chú rùa. Nhưng một tuần sau, trên đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, người phụ nữ ấy lại xuất hiện với một chú rùa to hơn hôm trước. Những người đi đường nhận ra đã ngạc nhiên hỏi bà Hiền: “Rùa ở đâu mà giải cứu nhiều thế”. Vẫn bổn cũ soạn lại, bà nức nở kể về số phận của chú rùa tội nghiệp. Chú rùa này sống ở Rừng Sác, Cần Giờ, bị người đi rừng phát hiện bắt mang ra chợ bán. Người quen thấy vậy đã gọi cho bà đến “giải cứu”. Không nỡ nhìn “cụ” rùa phải vào “nồi lẩu”, bà Hiền vét hết hầu bao ra chuộc. Rồi bà lại mang lên đây, nhờ cô bác “cứu giúp” không thì rùa chết mất.

Giữa trời nắng, bà Hiền cùng chú rùa ngồi đó, thi thoảng bà lấy nước tưới vào mai và miệng để rùa đỡ khát nước. Một vài người dừng lại hỏi mua, nhưng bà Hiền “hét” giá trên trời nên họ lắc đầu bỏ đi. Ông Tư Minh, chạy xe ôm tại khu vực ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh cho biết, bà này là dân buôn. Trước kia làm nghề bán cua, thấy nghề buôn rùa kiếm ăn được, bà bỏ nghề bán cua đi về miền Tây tìm mối rùa. Biết rằng buôn bán rùa thiên nhiên sẽ bị phạt nên bà mới nghĩ ra cách “giải cứu” để lách luật. Mỗi tuần bà bán một chú rùa, kiếm lời từ 2-3 triệu.

Các loài chim rừng bị tận diệt và bán công khai trên mạng xã hội.

Không chỉ bà Hiền làm nghề “giải cứu” rùa mà từ nhiều năm nay, tại một số con đường ở TP. Hồ Chí Minh đã từng xuất hiện một “đội quân” bán rùa quý hiếm. Sợ bị lộ hoặc bị phạt, người bán rùa không ngồi cố định mà thường xuyên di chuyển. Hễ gặp lực lượng hỏi thăm, họ lập tức cho rùa vào giỏ xách đi hoặc trả lời: “Hàng phóng sinh không bán”.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết: “Đã có hàng ngàn trường hợp quảng cáo mua bán động vật hoang dã trên mạng xã hội. Không chỉ rao bán, quảng cáo động vật hoang dã thông thường, nhiều đối tượng còn quảng cáo buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật. Chỉ riêng hành động quảng cáo mua bán trái phép động vật hoang dã cho dù trên bất cứ nền tảng nào đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính”.

TS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng, nơi liên kết những hoạt động bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam nhận định: Nếu như trước đây, các hành vi buôn bán động vật hoang dã diễn ra lén lút, cả người mua lẫn kẻ bán đều phải ẩn mình, khó khăn khi gặp nhau để thương lượng hay giao hàng, giờ việc buôn bán xảy ra công khai, rầm rộ trên mạng. Thông thường, ảnh mặt hàng sẽ được đăng tải lên các mạng xã hội, còn việc giao dịch thì diễn ra bí mật hơn trên các tài khoản cá nhân. Với cơ chế làm việc như vậy, những kẻ buôn bán động vật hoang dã trái phép ngang nhiên lộng hành, họ sẵn lòng cung cấp chi tiết cách thức liên lạc và thậm chí, còn mở rộng dịch vụ đem hàng đến tận nơi cho khách mua. Họ dễ dàng đổi tên hay đóng cửa các nhóm quảng bá thông tin sản phẩm, sử dụng tên ảo; số điện thoại và địa chỉ hộp thư điện tử thay đổi thường xuyên, gây nhiễu loạn thông tin, đặt nhiều thách thức cho các cơ quan thi hành luật pháp.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top