Không chỉ ngộ độc từ thực phẩm hay hoa quả từ thiên nhiên, nấm độc mỗi năm cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cần chủ động tuyên truyền các biện pháp đề phòng tích cực, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, không để xảy ra những vụ ngộ độc nghiêm trọng.
Liên tiếp những vụ ngộ độc do nấm độc
Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, do người dân sử dụng thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (như nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...); hoặc ăn uống ở những cửa hàng, cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với người dân khi vô ý sử dụng thực phẩm từ tự nhiên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, để lại di chứng nặng nề, hoặc làm mất đi tính mạng của chính mình.
Đơn cử, tỉnh Hà Giang là địa phương có nhiều vụ ngộ độc xảy ra bởi nhiều nguyên nhân trong thời gian qua. Là tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc địa đầu của Tổ quốc, Hà Giang có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nên đây cũng là môi trường thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Bên cạnh những loại nấm ăn được cung cấp chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho con người thì nấm độc mỗi năm cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Mùa mưa bão, tình trạng ngộ độc nấm dễ xảy ra.
Từ ngày 31/7 và 10/8/2023, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc do ăn quả hồng châu và nấm rừng. Cụ thể: Anh Châu Văn Trinh (49 tuổi) và con gái Châu Thị Hà (18 tuổi), thường trú tại thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn (huyện Mèo Vạc) cùng ăn canh thịt gà nấu với nấm dại tự hái trên rừng. Sau khi ăn xong khoảng 2 giờ, hai bố con đều có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, đi ngoài và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc. Vì có dấu hiệu ngộ độc nặng, Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc đã chuyển hai bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang và được cấp cứu kịp thời.
Trong khoảng thời gian từ tháng 5 – 6/2023, các vụ ngộ độc nấm do độc tố tự nhiên lại có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Tiếp đến là vụ việc tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng (Đồng Văn, Hà Giang), có 3 trẻ bị ngộ độc, trong đó có 1 trẻ tử vong. Tại thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, có 8 trẻ bị ngộ độc. Ngoài vụ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu, còn có 1 vụ ngộ độc do ăn bánh trôi ngô tại thôn Tìa Cua Si, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, với 3 trường hợp bị ngộ độc.
Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh Hà Giang, các vụ ngộ độc nấm thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Đây là thời gian thời tiết ấm dần, mưa nhiều, độ ẩm lớn nên các loại nấm mọc trên rừng thường phát triển mạnh. Do trình độ bà con dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới còn hạn chế, người dân chưa biết cách nhận biết các loại nấm độc nên đã hái về ăn và đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc nấm đáng tiếc.
Theo thông tin từ UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai), ngày 4/8/2023, sau khi ăn uống (các món ăn gồm: Thịt lợn nấu canh (luộc), tiết canh, canh rau bắp cải, rượu trắng) tại một đám tang của người dân ở thôn San 2, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa. Đến 16h30 cùng ngày, 11 người có triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải nhập viện.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở khu vực vùng cao còn xuất phát từ ý thức của người dân. Ảnh SYTLC
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Trung tâm Y tế thị xã Sa Pa đã đến hộ ông Má A Thào kiểm tra. Qua kiểm tra dịch tễ, cơ quan chức năng phát hiện quá trình chế biến các món ăn tại đây không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại tỉnh Điện Biên, trong hai ngày 8 và 9/9/2023, liên tiếp ghi nhận hàng chục trường hợp nhập viện cấp cứu với các biểu hiện: đau đầu, nôn mửa... Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận 15 trường hợp cấp cứu; Trạm Y tế xã Tả Sìn Thàng, Phòng khám Đa khoa khu vực Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) đã tiếp nhận điều trị cho 11 trường hợp đau bụng, nôn mửa... Khai thác thông tin người bệnh, các cơ sở y tế ghi nhận, các trường hợp nhập viện đều ăn sáng là bún tại các cơ sở ăn uống tại địa phương; chỉ sau khi ăn sáng khoảng 2 giờ thì bắt đầu có các biểu hiện ngộ độc.
Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bún tươi điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ngay trong đêm 8/9, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở sản xuất bún của gia đình ông T.M.P, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động; không xuất trình được cam kết an toàn thực phẩm; phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hạn; điều kiện sản xuất của cơ sở chưa bảo đảm; nơi sản xuất và nơi lưu trữ thành phẩm chưa tách biệt...
Đây chỉ là số ít trong những vụ việc điển hình về ngộ độc thực phẩm đang xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Theo một số lãnh đạo các địa phương nói trên, những vụ ngộ độc thực phẩm lớn thường xảy ra ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều phong tục, tập quán truyền thống trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
Mặt khác, việc nhận thức còn hạn chế về vấn đề VSATTP cũng là nguyên nhân dẫn đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị ngộ độc, mất VSATTP do ăn các loại thực phẩm từ thiên nhiên như nấm độc, các loại rau quả rừng.
Các biện pháp ứng phó kịp thời
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy, vào mùa Xuân và đầu mùa Hè, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...), trong đó đã có những trường hợp tử vong, hoặc để lại di chứng nặng nề đối với những người bị ngộ độc, mặc dù đã được cứu chữa kịp thời.
Để chủ động có các biện pháp dự phòng tích cực, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, không để vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra, hạn chế biến chứng nặng và tử vong do ngộ độc thực phẩm, các ngành chức năng tại các địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như truyền thông qua các buổi họp chợ phiên, qua hệ thống pa nô, áp phích, phát các tờ rơi và truyền thông bằng cả tiếng dân tộc để bà con không ăn uống các thực phẩm bẩn, không đảm bảo chát lượng VSATTP cũng như không thu hái, không chế biến các món ăn từ nấm mọc hoang dại trong rừng, đặc biệt là nấm độc, bột ngô mốc và các loại rau quả rừng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân ngay tại cộng đồng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La tuyên truyền về đảm bảo VSATTP cho đồng bào dân tộc tại xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quảng Hùng
Tại tỉnh Quảng Nam, sau những vụ ngộ độc lớn, vấn đề thực hiện tốt công tác phòng, chống, đảm bảo VSATTP cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh tiến hành đồng bộ, thường xuyên. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức VSATTP nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen cho người dân trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không ăn các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, quả rừng lạ, côn trùng; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng...
Tại tỉnh Hà Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường trung học phổ thông trên địa bàn chỉ đạo cán bộ, giáo viên các trường phổ thông đưa chương trình giáo dục phòng chống ngộ độc nấm vào các hoạt động ngoại khóa. Các đơn vị y tế của tỉnh cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế ở các trạm y tế xã các biện pháp sơ cứu bước đầu khi có nạn nhân bị ngộ độc nấm, sau đó, khẩn trương chuyển bệnh nhân đến ngay trung tâm y tế, bệnh viện gần nhất để cấp cứu và điều trị.
Tuyên truyền cho người dân đảm bảo VSATTP tại chợ phiên xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thủy Lê
Trước thực tế này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai thời gian qua đã đa dạng hình thức truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng cho bà con dân tộc, tôn giáo. Chẳng hạn thiết kế bộ tranh tuyên truyền chủ yếu bằng hình ảnh dựa theo khuyến cáo 5 chìa khóa vàng chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số chủ đề khác như sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà, lựa chọn thực phẩm thông thường…
Mặt khác, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đã hỗ trợ vật chất như thực phẩm bao gói sẵn, vật dụng sinh hoạt trong gia đình vì vậy trong các buổi tuyên truyền có vật phẩm trực quan và trao thưởng khuyến khích tham gia hỏi, đáp giữa người tuyên truyền bà con nên các buổi tuyên truyền rất hiệu quả và sôi nổi. Những buổi tuyên truyền tại các chợ, thôn bản vùng cao… đã dần thay đổi nhận thức cho bà con trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Song song phát huy vai trò của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận ở địa phương cùng tham gia để tuyên truyền, nâng cao chất lượng sống cho người dân bảo đảm an toàn thực phẩm, đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.