Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024.
Tháng hành động “Vì an toàn thực phẩm” từ 15/4 - 15/5
Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; để đáp ứng ngày càng cao hơn trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 với chủ đề là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra một siêu thị trên địa bàn Hà Nội (ảnh Báo ảnh Việt Nam).
Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
Công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm được tăng cường, góp phần ngăn chặn kịp thời, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là giảm các vụ ngộ độc tại các khu công nghiệp.
Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đạt được nhiều thành tựu. Nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý.
Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm. Thực trạng trên đã và đang đặt ra các yêu cầu mới: đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, chất lượng giống nòi dân tộc. Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Mục đích của kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.
Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cùng với đó là nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Thời gian triển khai kế hoạch từ 15/4 đến 15/5/2024 trên phạm vi toàn quốc.
Đối với các hoạt động triển khai về chiến dịch truyền thông, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm phối hợp với các Bộ ngành, địa phương xây dựng các thông điệp truyền thông về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm phục vụ Tháng hành động.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến, tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm đến các nhóm đối tượng; phổ biến kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, biểu dương các tổ chức, cá nhân có các sáng kiến, kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các phương tiện truyền thông để phổ biến kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tác hại của thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật...
Hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành tại Trung ương và địa phương, trong đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.
Thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành
Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trung ương giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La.
Ở cấp địa phương, các đoàn kiểm tra liên ngành từ các xã, phường đến tỉnh, thành cũng sẽ được thành lập.
Ban Chỉ đạo liên ngành yêu cầu kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm an toàn được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm. Áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm…”, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trung ương yêu cầu.
Theo Báo Hà Nội mới, VTC New