Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2023 | 10:27

Tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở nhiều địa phương đang có dấu hiệu “nóng” trở lại

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở nhiều tỉnh thành đang có dấu hiệu “nóng” trở lại. Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng này.

Hậu quả của việc chặt phá rừng

Khi rừng bị tàn phá một cách không thương tiếc thì con người có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, khí hậu trái đất dần nóng lên, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu,… Những tình trạng này kéo theo chất lượng cuộc sống suy giảm, đói kém, bệnh tật sinh sôi khắp nơi.

Nhiều những cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tình trạng chặt phá rừng tiếp tục diễn ra như thời điểm hiện tại thì sẽ có khoảng 2 tỷ người, chiếm khoảng 20% dân số thế giới sẽ bị thiếu nước trầm trọng trong năm 2060.

Nạn phá Rừng tại Việt Nam đang ngày càng ở mức báo động

Tại Việt Nam, hiện tại, nạn chặt phá rừng vẫn đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng và chưa có điểm dừng. Các cơ quan nhà nước vẫn chưa thể làm cách nào để có thể ngăn chặn một cách triệt để tình trạng lâm tặc cướp rừng. Tình trạng này đang ngày càng có dấu hiệu trắng trợn và nguy hiểm hơn.

Theo con số báo cáo mới nhất của chương trình lương thực thế giới thì Việt Nam được coi là một trong 5 Quốc gia phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai, đặc biệt là tình trạng mưa bão và lũ quét, lũ lụt.

Việt Nam là đất nước có nhiều đồi núi nhưng hiện nay lại không thể làm tăng được màu xanh của rừng, mà số lượng còn có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. Chính vì thế nước ta thường xuyên phải chịu những cơn lũ đầu nguồn, lũ quét vào tình trạng sạt lở đất.

Nạn chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn những năm gần đây khiến cho Việt Nam liên tục phải gánh chịu các trận lũ lụt, phá hủy đi hàng ngàn ha nông sản của bà con nông dân và thiệt hại cả về tính mạng con người.

Tiếp tục phát hiện thêm vụ phá rừng

Ngoài vụ 125 cây gỗ bị cưa hạ trái phép đang điều tra, trên địa bàn huyện Kông Chro cũng vừa phát hiện thêm 1 vụ vận chuyển, khai thác gỗ trái phép khác được cơ quan chức năng kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm.

Mới đây, được biết, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro vừa phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa và UBND xã Chơ Glong kiểm tra tại khu vực Thủy điện Đak Pi Hao II (giáp ranh huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) và phát hiện 1 xe độ chế đang vận chuyển 21 lóng gỗ tròn, chủng loại Căm xe, Lim xẹt, Chò chai và Sp5 thuộc loài thông thường, khối lượng 1,315 m3 và máy cưa. Khi thấy lực lượng chức năng, lái xe đã bỏ lại toàn bộ tang vật, phương tiện và trốn khỏi hiện trường.

Lần theo dấu vết xe độ chế, lực lượng chức năng phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 780 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa quản lý, địa giới hành chính xã Chơ Glong, huyện Kông Chro có 7 cây rừng thuộc chủng loại Căm xe, Lim xẹt, Chò chai và Sp5 bị khai thác trái phép.

Hiện trường vụ khai thác trái phép 125 cây gỗ trên địa bàn huyện Kông Chro.

Qua kiểm tra, đối chiếu các cây bị khai thác trái phép có quy cách, chủng loại phù hợp với các lóng gỗ được vận chuyển trên xe độ chế. Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã xác lập hồ sơ, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định.

Như báo chí đã phản ánh trước đó, tại lô 7, khoảnh 7; lô 1, khoảnh 10, tiểu khu 792 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông H’de quản lý, địa giới hành chính xã Sơ Ró, huyện Kông Chro có 125 cây gỗ gồm các chủng loại: Bằng lăng, Căm xe, Xương cá bị cưa hạ trái phép.

Qua đo đếm, cơ quan chức năng xác định tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 30,234 m3. Khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường có khả năng thu giữ là 4,005 m3.

Hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đang phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, xử lý theo quy định.

Nhiều cây gỗ trong rừng phòng hộ bị chặt phá

Theo đó, sau khi nhận được thông tin về vụ việc, lực lượng chức năng của huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế hiện trường và sử dụng thiết bị định vị GPS để xác định khu vực, vị trí cây rừng bị đốn hạ.

Kết quả, tại tiểu khu 410 và 411 rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh quản lý có 14 cây gỗ rừng đường kính từ 30-70cm. Các loại gỗ bị chặt phá gồm gõ, huỵnh, chua. Lực lượng chức năng xác định, số cây gỗ này bị chặt hạ từ 3-5 tháng trước, hiện trường chỉ còn bìa bắp và cành ngọn, phần gỗ đã lấy đi hết.

Một cây gỗ bị chặt hạ trái phép còn trơ lại gốc.

Hiện, vụ phá rừng đang được Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình và Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh chỉ đạo làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, ông Mai Văn Minh cho biết, đang chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng của huyện Quảng Ninh để điều tra làm rõ vụ việc, khởi tố vụ án rừng này.

Xin nói thêm là năng lực hoạt động của Ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, thậm chí yếu kém nên thường xuyên để xảy ra nạn khai thác rừng trái phép. Gần đây, trong tháng 6/2022, lâm tặc đã chặt phá nhiều cây gỗ lớn tại rừng phòng hộ Quảng Ninh mà chủ rừng không hay biết.

Xác định số lượng lớn gỗ bị thiệt hại

Mới đây, UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) đã thông tin ban đầu về vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 5, Tiểu khu 65, thôn Ga Doong, xã Tư.

Kết quả kiểm tra sơ bộ có 23 cây gỗ bị khai thác trái pháp luật, số lượng gỗ tròn tại hiện trường là 7,988m3, trong đó 13 cây nằm trong lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang quản lý, số lượng gỗ tròn tại hiện trường là 6,103m3; 10 cây nằm trong diện tích UBND xã Tư ủy quyền cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang quản lý bảo vệ, khối lượng gỗ tròn tại hiện trường là 1,885m3.

Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (thứ hai từ phải sang) trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại xã Tư.

Đối chiếu với bản đồ quy hoạch theo Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 11/1/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2020 thì vị trí khai thác gỗ trái pháp luật được quy hoạch chức năng là rừng phòng hộ.

Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác lập hồ sơ, xác minh, điều tra vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép này để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, còn làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan lơ là, buông lỏng quản lý để xảy ra vụ việc, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng thuộc lâm phận quản lý; tăng cường quản lý, sớm có giải pháp để xử lý tận gốc, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái phép.

Liên quan đến vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khu vực xã Tư (huyện Đông Giang, Quảng Nam) mà Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, ngày 20-2, sau khi có chuyến kiểm tra thực tế tại hiện trường, UBND huyện Đông Giang đã có thông cáo báo chí vụ việc.

Giải pháp nào để cứu lấy rừng?

Cứu rừng chính là cứu lấy cuộc sống của chúng ta. Trái đất không còn là hành tinh Xanh nếu thiếu đi rừng. Không có rừng thì chắc chắn rằng cuộc sống của con người chúng ta sẽ bị suy giảm và gặp phải nhiều những thiên tai từ thiên nhiên.

Hiện nay, để hưởng ứng việc bảo vệ rừng, nước ta đang tích cực thực hiện 2 chương trình lớn đó là chương trình mục tiêu Quốc Gia ứng phó với biến đổi khí hậu và chương trình Quốc Gia về phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, những năm trở lại đây là nhà nước ta đang thực hiện chiến dịch phủ xanh đồi trọc, nhiều địa phương cũng đã tự chủ động việc trồng rừng, trồng cây xanh lấp trống đồi trọc. Nhưng với những hành động này không thì chưa đủ làm xanh lại đất nước. Bởi nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì nạn phá rừng vẫn tiếp tục xảy ra.

Không có rừng thì chắc chắn rằng cuộc sống của con người chúng ta sẽ bị suy giảm và gặp phải nhiều những thiên tai từ thiên nhiên.

Chính vì thế, mỗi cá nhân trong số chúng ta cần nâng cao ý thức bản thân. Tự mình thực hiện những hành động nhỏ để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của mình từ những việc nhỏ nhặt nhất. Một hành động nhỏ tích cực của bạn hôm nay có thể sẽ giúp thay đổi thế giới mai sau tốt đẹp hơn.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. Từ tổng hợp của 58 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, trong khoảng 5 năm qua, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng gần 38.300 ha/1.892 dự án. Trong đó rừng tự nhiên gần 19.000 ha, rừng trồng hơn 15.800 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 3.500 ha. Đáng lưu ý, một số vụ phá rừng nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên được phát hiện chậm.

Theo Bộ NN&PTNT, chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, gây bức xúc trong xã hội. Tây nguyên Chỉ trong 5 năm (tính đến 2013), khu vực Tây Nguyên mất đến hơn 130.000 ha rừng (trong số 2,84 triệu ha). Trong đó rừng tự nhiên mất hơn 107.400 ha, rừng trồng mất trên 22.200 ha. Trong 5 năm qua các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho hơn 700 dự án trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 216.000 ha, trong đó có hơn 100.000 ha chuyển sang trồng cao su. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp lợi dụng dự án để chiếm phá, khai thác rừng hoặc không đủ năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm khiến rừng bị tàn phá, lấn chiếm trái phép. Từ đầu năm 2017 đến nay phát hiện 757 vụ, tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại gần 420 ha, tăng 145 ha (trên 50%) so với cùng kỳ 2016. Tại Đắk Nông, diện tích rừng bị phá từ đầu năm đến nay tới 225 ha, tăng gần 100 ha so với cùng kỳ năm 2015. Ở khu vực Tây Bắc được nhắc đến nhiều là ở tỉnh Điện Biên. Tại huyện Mường Nhé, từ năm 2016 đến 9/2017, đã phát hiện 295 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 288 ha rừng.

GS. Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40-50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80-90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10-20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Cũng theo ông, với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20-50% so với rừng tự nhiên.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top