Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 2 năm 2023 | 13:17

Tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp sau Tết

Công tác trồng cây gây rừng hằng năm đang rất được các ngành, các cấp và các địa phương cho đến Trung ương triển khai tích cực và góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Thủ tướng phát động Tết trồng cây Xuân Quý Mão

Vừa qua, tại Khu Di tích K9, sau khi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dự Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ".

Tại Lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực hiện di nguyện của Bác, 64 năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chương trình trồng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Hàng triệu héc ta rừng, hàng trăm triệu cây xanh đã được trồng trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào việc giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Độ che phủ rừng của nước ta đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2.

Thủ tướng cho rằng, việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai. Ảnh: NB

Cũng theo Thủ tướng, việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu từ năm 1992. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết thực hiện lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và suy giảm các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.

Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều sáng kiến, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả với những thông điệp hết sức cụ thể như: “Góp 1 cây để có rừng”, “Một triệu cây xanh cho Việt Nam”, “Hành động vì một Việt Nam xanh”, “Chung tay xanh hóa học đường”, “Lì xì hạt giống”, “Thêm cây, thêm sự sống”…

 Để tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, các cháu học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, người Việt Nam và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hãy hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu xuân và cả năm; vì một Việt Nam xanh, an toàn, phát triển bền vững.

Ngay sau lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và các tầng lớp nhân dân đã trồng 3.000 cây xanh. Ảnh: NB

 Thủ tướng tin tưởng, phong trào “Tết trồng cây” năm 2023 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ.

 Tại Lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao cây tượng trưng cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và các tầng lớp nhân dân trồng 3.000 cây xanh trên tổng diện tích 3,5 ha tại Khu Di tích K9 -  Đá Chông.

Những “trái ngược” với niềm tin tưởng của Thủ tướng diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng

Cụ thể, theo báo cáo số 25/BC-SNN ngày 27/01/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thể hiện, ngày 20/01/2023 (ngày 29 Tết) nhận được tin báo của quần chúng nhân dân tại tiểu khu 275, xã Liên Hiệp có tiếng cưa, hạ cây xẻ gỗ vào tối ngày 19/01/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đại Ninh, lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tiến hành kiểm tra theo tin báo.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 5 đối tượng đang thực hiện hành vi cưa xẻ và tiến hành truy bắt. Trong quá trình rượt đuổi bắt được 01 đối tượng, còn 04 đối tượng mang theo 2 khẩu súng hơi tự chế chạy thoát.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định 3 cây gỗ bị cưa hạ (theo nhận định ban đầu có thể là 2 cây Trâm và 1 cây Du Sam). Tổng khối lượng lâm sản 5,951 m3 (khối lượng gỗ tròn 5,583 m3 và khối lượng gỗ xẻ 0,367 m3). Sau đó, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng phối hợp với Ban QLRPH Đại Ninh tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật và hồ sơ vi phạm để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Cùng ngày, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt phối hợp với Ban Quản lý rừng Lâm Viên và các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng và phát hiện ông Võ Xuân Tùng (sinh năm 1979, TP Đà Lạt) đang thực hiện hành vi khai thác rừng tại lô b1, khoảnh 4, tiểu khu 163B, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt (thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý).

Nạn phá rừng diễn biến phức tạp tại Lâm Đồng dịp Tết Nguyên đán 2023 (Ảnh minh họa)

Qua xác minh, ngành chức năng xác định khối lượng lâm sản thiệt hại 2,487 m3; bao gồm: 03 cây Thông 03 lá (nhóm IV) có đường kính gốc từ 22 - 60 cm, chiều dài từ 10 - 15 m bị cưa hạ trái phép bằng cưa xăng cầm tay.

Tiếp đó, từ ngày 20 – 25/01/2023 (tức ngày 29 – ngày 04 Tết Nguyên đán), Đội 12/TTg huyện Đạ Huoai tổ chức tuần tra, kiểm tra QLBVR&PCCCR trên địa bàn huyện thì phát hiện vụ khai thác rừng trái luật tại tiểu khu 560, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai (thuộc lâm phần do Công ty TNHH XD-SX & DVTM Nguyên Chân quản lý).

Lực lượng chức năng xác định các đối tượng dùng cưa máy cầm tay xẻ thành từng hộp và dùng xe máy (mô tô) vận chuyển ra khỏi hiện trường. Bằng các phương pháp nghiệp vụ, Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai đã nhanh chóng phát hiện toàn bộ khối lượng lâm sản bị thiệt hại gồm 08 hộp gỗ, chủng loại Vấp nhóm II, khối lượng lâm sản là 1,468 m3 đã được vận chuyển ra cất giấu và tiến hành truy tìm đối tượng vi phạm.

Được biết, trước đó, chỉ trong 5 ngày, từ 21 – 25/11/2022, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và phát hiện 6 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn, với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 18,851 m3 gỗ tròn và 4,235 m3 gỗ xẻ.

Đáng chú ý, ngày 23/01/2023 (tức ngày 02 Tết Nguyên đán) lực lượng chức năng phát hiện tại lô m, khoảnh 4, tiểu khu 263A, xã Mê Linh huyện Lâm Hà cũng xảy ra 1 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại là 570 m2, có 54 cây Thông 3 lá bị cưa hạ, khối lượng lâm sản thiệt hại 13,126 m3, thuộc đối tượng rừng sản xuất là rừng trồng năm 1997 (RTG-1997), lâm phần do Ban QLRPH Lâm Hà quản lý.

Sau khi phát hiện các vụ vi phạm, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản hiện trường, tạm giữ tang vật và tiến hành truy tìm các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cùng thời gian này, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng cũng xảy ra hai vụ cháy với tổng diện tích hơn 3ha.

Trên cơ sở báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu huyện Đức Trọng, Đạ Huoai, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, hoàn tất hồ sơ xử lý nghiêm, công khai các vụ vi phạm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp, hỗ trợ công an các địa phương có xảy ra các vụ vi phạm để điều tra xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc.

Phá rừng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 tại Đắk Glong

Khoảng 6.000 cây thông trồng phục hồi rừng dọc theo Quốc lộ 28, địa phận huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã bị nhổ sạch, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, từ năm 2020 đến nay, tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, xã Quảng Sơn, dọc theo Quốc lộ 28 xảy ra 21 vụ huỷ hoại rừng thông. Trong đó có 18 vụ huỷ hoại rừng thông mới trồng làm thiệt hại gần 6.000 cây.

Diện tích rừng mới trồng bị phá hoại là diện tích năm 2022 huyện Đắk Glong thực hiện cưỡng chế, giải toả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng khôi phục rừng.

Đáng chú ý, tình trạng này xảy ra đặc biệt nghiêm trọng những ngày đầu năm 2023, với khoảng 4.000 cây thông trồng năm 2022 đã bị nhổ sạch. Diện tích rừng mới trồng bị phá hoại là diện tích năm 2022 huyện Đắk Glong thực hiện cưỡng chế, giải toả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng khôi phục rừng.

UBND huyện Đắk Glong đang chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm tình trạng này: “Diện tích dọc Quốc lộ có giá trị rất lớn, sau khi họ lấn chiếm được thì họ bán, chính vì vậy họ dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để sau khi trồng thì họ nhổ. Diện tích rừng thông mới trồng thì họ nhổ rất nhanh. Với tình trạng như trên thì UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã, chủ rừng cương quyết bảo vệ những diện tích này. Đặc biệt UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện khẩn trương, quyết tâm điều tra, mật phục, mai phục bắt bằng được”.

Xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Trước đó (5/2022), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, các chủ rừng tăng cường biện pháp quản lý bảo vệ rừng; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn, nhất là tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được các cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; kiên quyết thu hồi rừng đối với các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng.

Bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn địa phương, trong đó tập trung ưu tiên bố trí đủ lực lượng cho Kiểm lâm địa bàn cấp xã, Kiểm lâm cơ động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top